Phóng to |
Bữa cơm trưa của học sinh Trường tiểu học xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Trong ảnh: hai học sinh phải ăn chung một cặp lồng cơm - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Phóng to |
Học sinh dân tộc thiểu số tại Lai Châu với những cặp lồng cơm đến trường - Ảnh: Việt Dũng |
Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), dù người dân thuộc 32 huyện nghèo trong khu vực này được hưởng chính sách hỗ trợ lương thực để trồng rừng, hỗ trợ lương thực cho hộ nghèo ở biên giới, nhưng hằng năm tất cả các tỉnh (trừ Hòa Bình, Tuyên Quang) đều phải đề nghị Chính phủ trợ cấp lương thực cứu đói cho dân với số lượng lớn - gần 31.000 tấn gạo từ năm 2010 đến nay. Thu nhập bình quân đầu người của toàn khu vực chỉ đạt khoảng 4,2 triệu đồng/người/năm, chỉ bằng 1/6 thu nhập bình quân của cả nước.
Nghèo nhất nước
Báo cáo tại hội nghị về tình hình thực hiện chính sách về việc làm, dạy nghề, giảm nghèo, bảo trợ xã hội... cho vùng miền núi phía Bắc (gồm các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu), ông Nguyễn Văn Phụng, vụ phó Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ
LĐ-TB&XH, cho hay mặc dù vùng có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và là khu vực phòng thủ về an ninh quốc phòng nhưng đây cũng là vùng nghèo nhất cả nước, với 34/62 huyện nghèo, 916/1.761 xã đặc biệt khó khăn trên cả nước. Tỉ lệ hộ nghèo còn tới hơn 24%, trong khi cả nước còn chưa đầy 10%. Tại một số tỉnh trong vùng, tỉ lệ hộ nghèo của các nhóm dân tộc thiểu số còn chiếm tới 60-70%.
Ông Nguyễn Thanh Long, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Giang, cho hay tại Hà Giang dù tỉ lệ thoát nghèo tương đối nhiều nhưng không bền vững, từ thoát nghèo quay trở lại nghèo rất dễ vì sản xuất tại khu vực rất manh mún, không có doanh nghiệp hỗ trợ, địa hình hiểm trở, đi lại rất khó khăn... Ngoài ra theo ông Long, các chính sách nếu chỉ chung chung thì rất khó áp dụng hiệu quả tại địa phương. “Đơn cử như việc dạy nghề, Hà Giang nhiều núi đá, người dân chủ yếu trồng ngô thì dạy trồng ngô đi, không thể đưa nghề chăn nuôi hay trồng trọt kỹ thuật cao ra làm chủ đạo” - ông Long kiến nghị.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận: “Ở nơi người dân chỉ cần được dạy nghề trồng rau ăn là tốt rồi thì dạy người ta trồng rau chứ nhắc gì tới đào tạo kỹ thuật cao với dạy nghề dài hạn”.
Cách làm chưa tốt
Liên quan tới đời sống của học sinh bán trú, ông Lê Viết Trực - giám đốc Sở LĐ-TB&XH Sơn La - cho biết việc hỗ trợ bằng tiền đã có, nhưng hỗ trợ về gạo thì chưa, do đó có vài trường hợp học sinh còn thiếu ăn. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền ngắt lời: “Nếu là tiền thì có phải là gạo không, vấn đề là do cách làm, còn nếu hỗ trợ tiền rồi còn hỗ trợ thêm gạo thì rất khó, tùy vào khả năng thực tế, cái này phải tính”.
“Vừa rồi Thủ tướng có nói nước mình không thiếu gạo, còn dư để viện trợ nơi này nơi khác mà lại để các cháu học sinh thiếu đói, mang khoai, mang sắn đến lớp, đại biểu các tỉnh cần phải làm rõ, trong việc này trách nhiệm người lớn đến đâu?” - bà Chuyền nói, đồng thời yêu cầu đại diện các sở có ý kiến phản hồi.
Bà Chuyền nói thêm: “Nói các cháu chưa có gạo ăn có vẻ chưa chính xác lắm. Hỗ trợ học sinh có rất nhiều chính sách, tuy nhiên cách tổ chức thực hiện chưa tốt. Liên quan tới chế độ hỗ trợ theo quyết định 85-CP với mức 40% lương tối thiểu cho học sinh bán trú vùng khó khăn, tôi đã làm việc với ba tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, hôm nay Sơn La cũng vừa có ý kiến. Tuy nhiên, mỗi nơi có một cách làm khác nhau, nơi đề xuất nếu trên 30 học sinh nên giao cho các cháu, nơi nói nên giao cho giáo viên rồi phân công học sinh lớn phụ trách việc nấu nướng, nơi kiến nghị ngoài tiền cần hỗ trợ thêm cả gạo... Vì vậy, tôi đề nghị các sở phải bàn bạc thống nhất để việc hỗ trợ cho các cháu không bị chậm trễ”.
Bà Chuyền cho rằng câu chuyện về bữa ăn của học sinh bán trú cũng là bài học về việc cung cấp thông tin và giải trình kịp thời những vấn đề
mà dư luận quan tâm. Theo bà Chuyền, nhiều học sinh ở trường bán trú được hỗ trợ kinh phí nhưng nếu số tiền được phụ huynh và nhà trường làm tốt thì các em chắc chắn không phải mang ngô, sắn tới trường. Bà Chuyền nói: “Vừa rồi tôi đi Mường Tè (Lai Châu) ghi nhận các trường hợp đó là có nhưng không phải là nhiều. Khi có thông tin chúng ta phải nắm rõ và giải thích luôn để xã hội hiểu đúng, đồng thời cũng phải rà soát và có chính sách điều chỉnh kịp thời ngay”.
* Ông Nông Thanh Bình(giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lạng Sơn): Thiếu thốn quá nhiều Tỉnh Lạng Sơn thực hiện tốt quyết định 85, quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền ăn cho học sinh mầm non, học sinh bán trú vùng cao, nhưng có lên tận nơi mới thấy việc giúp các cháu bữa ăn đạm bạc là chưa đủ, vì những nơi này còn thiếu thốn quá nhiều. Đợt rét kéo dài vừa qua đích thân tôi đến thăm các xã tại đỉnh Mẫu Sơn, chứng kiến nơi nhiệt độ chỉ còn 1-2OC nhưng ba bốn em nhỏ phải đắp chung một cái chăn mỏng. Rồi hàng loạt điểm trường bán trú dân nuôi tại các huyện vùng cao của Lạng Sơn như Tràng Định, Cao Lộc, Lộc Bình... các em học sinh vẫn phải sống trong cảnh nhà bưng, vách nứa, mùa đông gió lùa rét thấu xương. * Ông Hà Minh Trần (giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cao Bằng): 420.000 đồng là không đủ Cao Bằng là một tỉnh khó khăn, toàn hộ nghèo, huyện nghèo, nhiều gia đình cận nghèo, do vậy việc hỗ trợ đùm bọc nhau cũng khó. Hiện 13 huyện của Cao Bằng đều có trường dân tộc nội trú, 159 xã vùng cao có trường bán trú. Địa hình ở vùng cao phức tạp, các cháu học sinh có khi cả tuần, cả tháng mới về được nhà, việc hỗ trợ từ gia đình là khó, chủ yếu lệ thuộc ở trường. Do đó, mức hỗ trợ 420.000 đồng/tháng là không đủ. Số tiền này không chỉ hỗ trợ chuyện ăn uống mà còn lo cả mua sắm quần áo, sách vở, dụng cụ học tập cho các cháu... LÂM HOÀI ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận