Đàn cá chình khoảng 115 con khiến các nhà nghiên cứu kinh ngạc - Ảnh: Deep Sea Research
Theo trang Live Science, các nhà hải dương học đã hết sức kinh ngạc khi chứng kiến một đàn cá chình Ilyophis arx (thuộc họ cá chình họng xẻ Synaphobranchidae) khoảng 115 con xuất hiện ở độ sâu hơn 3.000m dưới đáy Thái Bình Dương.
Đoạn video họ ghi lại được bằng cách sử dụng mồi nhử và ánh sáng, lập kỷ lục số lượng cá lớn nhất từng được ghi nhận ở đáy sâu đại dương, đặc biệt là gần một điểm nóng khai thác mỏ quốc tế.
"Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy số lượng cá nhiều như vậy ở một vùng biển sâu và nghèo nàn thức ăn", nhà hải dương sinh học Astrid Leitner, Đại học Hawaii, ấn tượng.
Khu vực Clarion-Clipperton (CCZ) là vùng đáy biển rộng khổng lồ kéo dài từ Hawaii đến gần Mexico, là nơi chứa một số khoáng sản và kim loại quý hiếm nhất hành tinh.
Trong nhiều năm, ngành công nghiệp mỏ đã dòm ngó khu vực này. Sáu hợp đồng khai mỏ đã được cấp cho khu vực rộng hơn 1 triệu km2, nhưng các nhà khoa học còn chưa khám phá và lập bản đồ được một phần nhỏ của nó.
Chính những phát hiện như đàn cá chình khiến giới khoa học lo lắng "cơn sốt vàng" dưới đáy biển có thể gây ra tổn hại không đo đếm được cho những hệ sinh thái chúng ta còn hiểu biết rất ít.
Khoảng 70% diện tích đáy các đại dương là đồng bằng, còn lại là núi ngầm. Đây cũng là hệ sinh thái lớn nhất trên Trái đất.
Các chuyến thám hiểm núi ngầm ở Galapagos và ngoài khơi Tasmania gần đây phát hiện rất nhiều sinh vật mới mà con người chưa từng thấy.
Đàn cá chình họng xẻ là ví dụ, đây là chủng loài chưa được hiểu biết nhiều. Trên khắp thế giới có chưa tới 10 mẫu vật đang sống trong điều kiện nuôi nhốt.
"Phát hiện của chúng tôi càng cho thấy có rất nhiều bí mật chưa được phát hiện dưới đáy biển, và chúng ta có thể mất rất nhiều nếu hoạt động khai mỏ không được quản lý đúng", chuyên gia Leitner nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận