Người dân Ấn Độ xếp hàng chờ đổi tiền bên ngoài một ngân hàng ở Chandigarh - Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin Reuters, hôm nay (12-11) ngày thứ 3 liên tiếp, hàng trăm ngàn người dân Ấn Độ phải đứng chầu chực bên ngoài các ngân hàng. Họ chờ suốt nhiều giờ đồng hồ để đổi những tờ bạc 500 và 1.000 rupee cũ đã không còn giá trị lưu thông từ đầu tuần theo quyết định mới nhất của thủ tướng Modi.
Những tờ bạc có mệnh giá lớn này chiếm tới hơn 80% lượng tiền lưu thông tại Ấn Độ. Do thay đổi bất ngờ khiến hàng triệu người rơi vào cảnh thiếu tiền mặt, đe dọa phát sinh tình trạng đình đốn tại nhiều khu vực kinh doanh chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt.
"Khắp nơi hỗn loạn", thủ hiến bang Delhi - ông Arvind Kejrilwal cho biết. Là người chỉ trích ông Narendra Modi, ông Arvind Kejrilwal cho rằng động thái bất ngờ của thủ tướng Ấn Độ chỉ gây thêm rắc rối cho những người nghèo, bởi những người giàu có, đối tượng chính mà ông Modi muốn nhắm tới trong chiến dịch này, đã tìm ra các kẽ hở khác để lẩn tránh rồi.
Người dân tức giận và đập mạnh vào các cánh cửa kính của một chi nhánh của ngân hàng Standard Chartered ở nam Delhi sau khi các nhân viên bảo vệ ngăn không cho họ vào vì bên trong đã quá đông người.
Những người khác quay sang chỉ trích ông Modi, nói trong lúc ông đang thoải mái công du ở nước ngoài thì người dân phải chịu khổ ở nhà.
Gần một nửa trong số 202.000 máy ATM ở Ấn Độ đã dừng hoạt động trong ngày thứ sáu 11-11. Những máy còn hoạt động cũng mau chóng hết sạch tiền mới vì nhu cầu rút tiền quá tải.
Những người buôn bán rau ở Delhi cho biết họ đang phải tính tới chuyện ngừng buôn bán vì hết tiền mặt và các ngân hàng chỉ đang phát hành một lượng tiền có hạn.
Một gia đình chuẩn bị làm đám cưới cho con gái họ vào cuối tháng này đang hết sức lo lắng vì toàn bộ tiền bạc của gia đình đã gửi trong ngân hàng.
Động thái ngừng lưu thông bất ngờ các đồng tiền mệnh giá lớn là 500 và 1.000 rupee của thủ tướng Ấn Độ Modi được triển khai nhằm truy quét "nền kinh tế đen" - một thuật ngữ được dùng để mô tả những hoạt động giao dịch diễn ra bên ngoài các kênh chính thống, có thể chiếm tới 20% tổng sản phẩm nội địa (GDP) theo như đánh giá của hãng đầu tư Ambit.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận