24/02/2012 07:45 GMT+7

Đàm phán Mỹ - CHDCND Triều Tiên

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Sau hơn hai tháng gián đoạn từ khi chủ tịch Kim Jong Il qua đời, cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã chính thức khởi động lại ngày 23-2 tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).

weitYOps.jpgPhóng to

Đặc phái viên Mỹ Glyn Davies phát biểu trước báo chí tại Bắc Kinh ngày 23-2 trước khi bước vào đàm phán với Bình Nhưỡng - Ảnh: Reuters

Theo Yonhap, Thứ trưởng ngoại giao CHDCND Triều Tiên Kim Kye Gwan đã gặp đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Glyn Davies.

“Chúng tôi xem đó như cuộc gặp thăm dò, xem tình hình sẽ tiến triển như thế nào. Chúng tôi luôn lạc quan” - Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tại Washington. Đến nay, Bình Nhưỡng vẫn không tỏ dấu hiệu nào về việc sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ngày 22-2, đàm phán viên Shinsuke Sugiyama của Nhật gặp người đồng cấp Trung Quốc Wu Dawei tại Bắc Kinh để thảo luận về cuộc đàm phán sáu bên gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Mỹ và CHDCND Triều Tiên.

Đổi hạt nhân lấy lương thực

“Hôm nay, như chúng tôi nói, là một ngày đánh cược” - Reuters dẫn lời đặc phái viên Glyn Davies tuyên bố trước khi đến sứ quán CHDCND Triều Tiên tại Bắc Kinh. Ông tham gia cuộc gặp kéo dài hai giờ rưỡi trong phiên họp đầu tiên vào buổi sáng và cuộc gặp thứ hai diễn ra chiều cùng ngày. Theo lịch trình, ông Davies sẽ gặp người đồng cấp Hàn Quốc Lim Sung Nam ngày 25-2 trước khi tham gia hội nghị an ninh hạt nhân diễn ra tại Hàn Quốc ngày 26 và 27-2.

“Cuộc đàm phán hôm nay rất quan trọng và nghiêm túc, chúng tôi đã thảo luận nhiều vấn đề” - ông Davies phát biểu ngắn gọn sau các cuộc gặp ngày 23-2. Vòng đàm phán tiếp tục vào ngày 24-2.

Cuộc gặp tại Bắc Kinh là vòng đàm phán thứ ba kể từ tháng 7-2011 nhằm tái khởi động cuộc đàm phán hạt nhân sáu bên. Theo AP, Bình Nhưỡng dự kiến yêu cầu các khoản cứu trợ lương thực, còn Washington cần Bình Nhưỡng đảm bảo sẽ tuân thủ các cam kết hạt nhân trước đó. Giới phân tích cho rằng có thể Mỹ sẽ yêu cầu được gửi quan sát viên giám sát việc đóng băng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trước đó ngày 22-2, ông Davies cho biết đã nhìn thấy “dấu hiệu tích cực” khi Bình Nhưỡng chấp nhận trở lại bàn đối thoại. Tuy nhiên, ông cho biết khả năng nối lại đàm phán sáu bên hoàn toàn phụ thuộc vào Bình Nhưỡng. “Vấn đề là bằng cách đưa Bình Nhưỡng trở lại đàm phán, Mỹ có thể ngăn chặn các động thái khiêu khích của nước này đối với Hàn Quốc trong tương lai” - chuyên gia phân tích John Park tại Đại học Harvard nhận định.

Trong khi đó, quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc tiếp tục căng thẳng khi Bình Nhưỡng liên tục từ chối các đề nghị đàm phán của Seoul vài tuần qua. Bình Nhưỡng cũng cảnh báo Hàn Quốc và các nước khác không nên trông chờ việc sẽ có thay đổi trong các chính sách của nước này dưới thời tân lãnh đạo Kim Jong Un.

Khả năng thử hạt nhân

Trong lúc cuộc đàm phán diễn ra ở Bắc Kinh, truyền thông Bình Nhưỡng đưa tin tân lãnh đạo Kim Jong Un đã đến thăm đơn vị 842, đơn vị chịu trách nhiệm về các loại vũ khí hạt nhân, tên lửa tầm xa và tầm trung của quân đội CHDCND Triều Tiên.

“Không ai có thể loại bỏ khả năng Bình Nhưỡng sẽ thực hiện một đợt thử hạt nhân thứ ba và thử tên lửa ngay sau lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành vào ngày 15-4” - báo Chosun Ilbo dẫn lời một quan chức Hàn Quốc và cho biết trước đây mỗi khi chủ tịch Kim Jong Il đến thăm các đơn vị hạt nhân, tên lửa thì vài tháng sau Bình Nhưỡng lại thử tên lửa hay hạt nhân. Dù vậy, một số cho rằng chuyến thăm này nhằm đáp trả việc Seoul tổ chức hội nghị an ninh hạt nhân quốc tế sắp tới.

Các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng luôn trúc trắc. Cuối năm ngoái, thảo luận giữa Washington và Bình Nhưỡng đã bị gián đoạn sau cái chết đột ngột của chủ tịch Kim Jong Il. Trước đó hai tháng, ông Kim Jong Il đã tuyên bố sẵn sàng quay lại đàm phán sáu bên mà không kèm theo bất cứ điều kiện tiên quyết nào.

Theo tạp chí La Revue (Pháp), nếu Washington chịu đối thoại song phương và trực tiếp hơn là những cuộc đàm phán chung mang dáng dấp như một phiên tòa xét xử (ý chỉ đàm phán sáu bên) thì chỉ nội việc nhìn nhận điều đơn giản này thôi sẽ cho phép Washington nhận được những nhượng bộ không phải không đáng kể từ phía Bình Nhưỡng.

Theo tạp chí này, về đối ngoại, thời gian qua Bình Nhưỡng luôn theo đuổi một chính sách chu kỳ xen kẽ những giai đoạn gây căng thẳng quân sự với những giai đoạn lắng dịu, rồi hứa hẹn quay lại bàn đàm phán. Do vậy, tiến triển của những cuộc đàm phán tùy thuộc rất lớn vào thái độ của Washington. Từ nhiều năm qua, bị Mỹ đưa vào danh sách những nước thuộc “Trục ma quỷ”, Bình Nhưỡng luôn lên tiếng đòi quyền sở hữu vũ khí hạt nhân của mình như một đảm bảo sống còn trước các cường quốc cũng như yêu cầu một cuộc đối thoại song phương, trực tiếp với Washington.

T.N.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp