03/08/2015 20:48 GMT+7

​Quảng Ninh chới với trong lũ chồng lũ

THÂN HOÀNG – TIẾN THẮNG – ĐỨC HIẾU – NGUYỄN KHÁNH - THU HIỀN
THÂN HOÀNG – TIẾN THẮNG – ĐỨC HIẾU – NGUYỄN KHÁNH - THU HIỀN

TTO - Trận mưa lớn suốt đêm ngày 2 và buổi sáng 3-8 trút xuống Quảng Ninh cùng với triều cường khiến huyện Ban Chẽ, TP Uông Bí, TP Hạ Long, TP Cẩm Phả tiếp tục chìm trong nước, sạt lở đất diễn ra ở nhiều nơi.

Quốc lộ 18 và một số tỉnh lộ ở tỉnh Quảng Ninh ngày 3-8 nhiều điểm tiếp tục bị chia cắt do sạt lở đất đá.

Ông Nguyễn Văn Tú (Hà Khánh, Quảng Ninh) thẫn thờ sau khi trở về ngôi nhà sau hai lần phải
Ông Nguyễn Văn Tú (Hà Khánh, Quảng Ninh) thẫn thờ trở về ngôi nhà sau cơn lũ - Ảnh: Tiến Thắng

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, đến ngày 3-8 tỉnh đã di chuyển gần 2.200 hộ dân ở TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TP Uông Bí và các huyện Đông Triều, Tiên Yên…. Trong hơn một tuần mưa lũ đã có hơn 300 căn nhà sập hoàn toàn, ngập sâu và hư hỏng nặng, gần 9.000 căn nhà bị ngập sâu trên 1m. Gần 4.000 ha lúa, hoa màu và gần 1.200 ha nuôi trồng thủy hải sản bị ngập, thiệt hại, 880 lồng bè nuôi trồng thủy sản, hơn 2.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi… Ước tổng thiệt hại gần 2.700 tỉ đồng (trong đó ngành Than trên 1.200 tỉ đồng).

"Đồ đạc, lợn gà theo lũ đi cả rồi"

"Giờ chẳng còn gì ngoài những đống sắt vụn, đồ đạc, lợn gà theo lũ đi cả rồi" - ông Nguyễn Văn Tú (P.Hà Khánh, TP Hạ Long, Quảng Ninh) than thở khi quay lại ngôi nhà tan hoang vì mưa lũ trong ngày 3-8. Khung cảnh tan hoang bao trùm khắp xóm ngõ phường Hà Khánh, TP Hạ Long chiều 3-8 sau khi nước rút.

Ông Tú cho biết ngày 3-8 gia đình ông một lần nữa phải "tháo chạy" khi nhà bị ngập hơn 2 mét. Tranh thủ trời tạnh hai ngày trước, gia đình ông Tú về nhà vật lộn bùn đất, dọn dẹp và vớt vát những đồ đạc còn sót lại sau khi nước rút. Thế nhưng nước lại dâng cao kéo theo bùn đất nhấn chìm ngôi nhà một lần nữa. Nhìn chiếc tủ lạnh dính đầy bùn đất mà ông Tú nghẹn lòng.

Vẫn chưa hết mệt mỏi, bơ phờ vì chỉ trong một tuần phải hai lần “chạy lũ”, bà Trần Thị Kim Quý (42 tuổi, phường Hà Khánh, TP Hạ Long) quay về nhà chiều 3-8 và bật khóc khi thấy xe máy, tivi, máy tính vỡ nát, nằm ngổn ngang trước cổng. Bà Quý cho biết trận lũ mới ngày 3-8 đã cuốn đi phần lớn đồ đạc, hiện chỉ còn vài món đồ sót lại nhưng đều hỏng nặng. "Giờ cả nhà muốn xem tivi để nắm thêm thông tin tình hình thời tiết mà không biết bao giờ mới có để xem" - chị Quý gạt nước mắt nói.

Chị Trần Thị Kim Quý (Hà Khánh, Quảng Ninh) ngán ngẩm thu gom những đồ điện tử bị hư hỏng trong nhà - Ảnh: Tiến Thắng
Bà Trần Thị Kim Quý (Hà Khánh, Quảng Ninh) ngán ngẩm thu gom đồ điện tử bị hư hỏng trong nhà - Ảnh: Tiến Thắng

Dầm mình trong khu nhà bị ngập tới ngang hông vớt những xác gà trôi nổi trong chuồng mà bà Nguyễn Thị Thường (44 tuổi, khu Hiệp An II, phường Phương Nam, TP Uông Bí) cứ lặng người, chốc chốc lại khẽ lấy tay gạt nước mắt khi nghĩ đến khoản tiền đầu tư hàng trăm triệu đồng đến nay gần như mất trắng vì mưa lũ. Gương mặt bà hốc hác, gầy rộc vì ba ngày phải thức trắng trông đàn lợn, vốn là "cơ nghiệp" lớn nhất còn xót lại của gia đình.

Bà Thường cho biết trận mưa lũ khiến đàn gà gần 100 con của gia đình chết gần hết, hiện chỉ còn vài con đứng co ro trên bờ tường đã mấp mé nước. Đàn lợn con mới đẻ cũng bị nước lũ dâng cao làm chết sạch, còn lại chỉ là hai con lợn nái được "ưu tiên" ở trong gian buồng, nơi cao ráo nhất của ngôi nhà.

"Gia đình phải chuyển giường ngủ trong buồng ra ngoài cho hai con lợn vào ở vì chuồng nuôi bị ngập hơn 1m. Mấy ngày nay cả gia đình phải thay phiên nhau trông chừng mực nước để bảo vệ "cơ nghiệp" duy nhất còn sót lại này" - bà Thường ngậm ngùi.

Ngoài đàn lợn, gà bị nước lũ cuốn đi, khoản tiền hơn 100 triệu đồng mua tôm, cá để thả trong ao của gia đình bà Thường cũng theo nước lũ ra đi.

"Cơ nghiệp" lớn nhất còn sót lại của gia đình bà Thường được ở trong gian buồng có vị trí cao nhất trong nhà - Ảnh: Tiến Thắng
Những con gà còn xót lại đứng co ro sau trận lũ gây ngập úng nhà dân tại phường Phương Nam, TP. Uông Bí - Ảnh: Tiến Thắng
Những con gà còn xót lại đứng co ro sau trận lũ gây ngập úng nhà dân tại phường Phương Nam, TP Uông Bí - Ảnh: Tiến Thắng

Ông Nguyễn Hồng Quang, chủ tịch UBND phường Phương Nam (TP Uông Bí), cho biết các lực lượng chức năng đang tập trung bơm hút nước để cứu vớt hơn 400 ha lúa bị ngập trắng của người dân trên địa bàn. Việc một số hộ dân ở các khu vực có thiệt hại về vật nuôi do mưa lũ thì địa phương sẽ có phương án đi kiểm kê, đề xuất mức hỗ trợ cho người dân sau mưa lũ.

Ngôi nhà mênh mông nước của bà Nguyễn Thị Thường (Uông Bí, Quảng Ninh) trong chiều ngày 3-8 - Ảnh: Tiến Thắng
Ngôi nhà mênh mông nước của bà Nguyễn Thị Thường (Uông Bí, Quảng Ninh) trong chiều 3-8 - Ảnh: Tiến Thắng
Hai con chó mỏi mệt nằm ngủ ngay trên giường vì xung quanh ngập nước - Ảnh: Tiến Thắng
Hai con chó mỏi mệt nằm ngủ ngay trên giường vì xung quanh ngập nước - Ảnh: Tiến Thắng

Chợ Ba Chẽ tan hoang

Mưa lớn cùng với triều cường làm nước dưới sông Ba Chẽ dâng cao đến 10m tạo thành lũ dữ nhấn chìm toàn tầng 1 khu chợ Ba Chẽ, bốn xã Đạp Thanh, Lương Mông, Minh Cầm, Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ), hơn 200 hộ dân phải di dời khẩn cấp ngày 2-8.

Chiều 3-8 có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến hàng chục lều quán bị đổ, khu vực nhà xe của khu chợ rộng khoảng 100m2 đã sập và bị nhấn chìm trong dòng nước chảy xiết đục ngầu. Nhiều tiểu thương đứng nhìn cảnh chợ tan hoang mà bần thần bởi một số hàng hóa trôi theo dòng nước lũ. Các hộ kinh doanh đã phải tạm di dời ra khu vực mặt đường trước cổng chợ buôn bán.

Nước lũ dâng lên chiều 2-8 nhấn chìm tầng 1 khu chợ Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) - Ảnh: Nguyễn Cường

Sau khi nước rút, ông Nguyễn Ngọc Thanh (thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) quay lại chợ thì bần thần thấy nước vẫn ngập đến ngang mặt bể chứa cá, bên trong bể ngập ngụa bùn đất.

Vợ chồng ông Thanh bán cá tại chợ đã hơn chục năm, đây là lần thứ hai sau trận lũ lụt lịch sử năm 2008 ông chứng kiến nước lũ dâng lên nhanh và cao như vậy.

“Đang bán hàng ở chợ thì thấy mưa lớn, nước dưới sông Ba Chẽ lên cao. Mấy anh dân quân trong xã đến hô hào bà con chạy lũ, vợ chồng tôi chỉ kịp đậy nắp bể lại, bên trong còn hơn 80kg cá chưa kịp bán giờ trôi hết rồi” - ông Thanh nói.

Hai cha con ông Nguyễn Ngọc Thanh nạo vét bùn đất tại bể chứa sau khi nước lũ rút khỏi khu chợ Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông Nịnh Văn Tày, phó chủ tịch UBND thị trấn Ba Chẽ, cho biết: “Mực nước đỉnh điểm dâng cao vào thời điểm 18g tối 2-8. Lúc đó toàn bộ tầng một chợ Ba Chẽ đã bị nhấn chìm khoảng 12m tính từ lòng sông. Trước đó, chúng tôi đã gọi điện xin sự trợ giúp của Công an huyện Tiên Yên và quân đội để di dời hàng hóa cho dân. Đến 13g cùng ngày, toàn bộ 140 hộ kinh doanh tại đây đã được di dời an toàn”.

Lực lượng Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh và Lữ đoàn 147 hải quân đã cử trên 70 cán bộ, chiến sĩ, 2 xe thiết giáp lội nước và trang thiết bị ứng cứu cần thiết, hỗ trợ huyện Ba Chẽ ứng phó với tình trạng ngập lụt, sạt lở đất đá và tổ chức di dời nhân dân.

Người dân di chuyển các kiôt bán hàng tại tầng 1 khu chợ Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) sáng 2-8 - Ảnh: Nguyễn Cường
Đến chiều 3-8 nước lũ đã rút, tuy nhiên người dân vẫn chưa thể quay trở lại kinh doanh - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Nguyễn Doãn Chính và gia đình phải di chuyển lên nóc nhà vì nước dâng cao - Ảnh: Đỗ Quang

Loay hoay tìm chỗ thuê trọ

Trạm y tế phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) hai hôm nay trở nên vắng vẻ. Trong số gần 70 hộ dân trú tại đây sau cơn lũ bùn thải, một số người đã chuyển ra ngoài, số còn lại tất tả chạy đi tìm chỗ thuê trọ từ sáng. Gần 12g, nhiều người mới trở về phòng, mệt mỏi vì đã tìm khắp mà vẫn chưa được phòng trọ.

Mưa lũ khiến nguy cơ sạt lở, ngập lụt tăng cao, nhiều hộ dân tại Mông Dương phải đi thuê chỗ ở, tạo nên tình trạng khan hiếm phòng trọ.

Đã hai hôm nay, chị Nguyễn Thị Hợi (tổ 1 khu 4) hết ra lại vào, loay hoay xoay sở với bụng bầu đã sang tháng thứ 7. Căn nhà chị Hợi ở trước kia, nay chìm trong bùn xỉ thải đen ngòm đến 1m. Đây cũng là điểm nguy hiểm nên cơ quan chức năng đã phong tỏa, không cho vào.

Trong khi chờ đợi địa điểm tái định cư, gia đình chị được chính quyền địa phương hỗ trợ 6 triệu đồng thuê nhà trong ba tháng, nhưng trước mắt việc tìm nhà cũng rất khó khăn.

“Hai vợ chồng không biết sắp tới sinh con, cuộc sống sẽ bấp bênh như thế nào khi chỉ trông vào đồng lương ít ỏi công nhân mỏ của chồng. Rồi còn phải chuyển phòng nữa” - chị Hợi thở dài.

Theo dự kiến, chỉ hai tháng nữa chị sẽ sinh, tầng 2 căn nhà đang xây dựng dở dang là để đón con chào đời. Để xây thêm tầng mới, vợ chồng chị phải chạy vạy gom góp gần 150 triệu đồng, nhà còn đang xây đã bị nước lũ thải vùi lấp, nằm lại chơ vơ.

Môi trường vịnh Hạ Long vẫn an toàn

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-8, bà Phạm Thùy Dương, trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long, cho biết theo kết quả kiểm tra ban đầu môi trường nước vẫn bình thường, chưa có vấn đề gì, còn để có kết quả chính xác phải quan trắc sau khi hết lũ.

“Đến thời điểm hiện nay chất bùn thải tràn xuống từ các bãi xỉ của công ty khai thác than vẫn nằm bên ngoài bờ, chưa tràn ra vịnh. Bộ phận chuyên môn đã đi kiểm tra thực tế ban đầu bề mặt vịnh thấy nước ra vịnh vẫn trong, không có hiện tượng nước thải qua các kênh rạch ra ngoài vịnh. Ban quản lý và các bộ phận liên quan sẽ có tham mưu với UBND tỉnh, sau khi hết mưa lũ sẽ kiểm tra, đánh giá tác động của trận lũ lịch sử này đối với môi trường trên vịnh” - bà Dương nói.

 

THÂN HOÀNG – TIẾN THẮNG – ĐỨC HIẾU – NGUYỄN KHÁNH - THU HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp