Người trẻ (kể cả người già) chắc ai cũng có đam mê. Nhưng để được sống với đam mê thì không phải là... chuyện nhỏ. Tôi chắc chắn 100% rằng những người trẻ vừa mới tốt nghiệp THPT đều mong muốn được vào đại học ngành mình lựa chọn, hay học một nghề nào đó mình yêu thích. Nhưng mấy ai trong số họ thực hiện được ước mơ sau 12 năm đèn sách?
Có rất nhiều lý do mà, theo tôi, những người trẻ không thể thực hiện được ước mơ của mình như: sức học, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế gia đình, điều kiện địa lý...
Tôi biết ở nông thôn lượng người trẻ ước vọng sống thật với đam mê của mình nhiều lắm, nhưng tại sao hầu hết họ vẫn cứ luẩn quẩn quanh ruộng đồng hay làm công nhân ở các khu công nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT. Như tôi đã nói ở trên, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, sự tiếp cận về kiến thức không bằng người trẻ thành thị mà hầu hết họ đều từ bỏ đam mê để... được tồn tại (chứ không phải “sống”).
Tôi không phủ nhận sự can đảm của bạn Chử Bích Phương (“Không được học ngành yêu thích thì khổ cả đời” - Tuổi Trẻ 30-7), nhưng sao không thấy ai đặt câu hỏi để so sánh xem hoàn cảnh (cả về kinh tế gia đình) của bạn Phương với những người trẻ khác? Nói như TS tâm lý Trần Thị Giồng, “” (Tuổi Trẻ 4-8).
Đúng, được sống và làm công việc mình yêu thích thì còn gì hạnh phúc bằng, điều cốt yếu là sự lựa chọn giữa sống thi vị hay sống có trách nhiệm với (trước hết là) gia đình mình, thế thôi.
Tôi không thể mua cho mình một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp đắt tiền để theo đuổi ước mơ làm một nghệ sĩ nhiếp ảnh, trong khi ở quê cha mẹ còn đang lam lũ tảo tần lo cho đàn em ăn học. Tôi chỉ có thể thi vào cao đẳng sư phạm ở tỉnh nhà chứ không thể thi vào trường luật - ngành mà tôi yêu thích ở tận TP.HCM xa xôi vì hành trình đi thi là cả một quãng đường dài hàng trăm cây số, rồi chỗ ăn ở, chi phí đi lại là quá sức với một học sinh nhà nghèo rớt mồng tơi. Tôi muốn là ca sĩ vì đam mê ca hát từ bé nhưng giọng hát (được nhiều người nhận xét) chỉ tầm tầm giọng... karaoke...
Còn nhiều, nhiều đam mê và ước muốn như thế trong cuộc sống này, nhưng với những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn hay chưa đủ thực tài thì được sống với đam mê liệu có ích gì? Muốn sống với đam mê, mọi thứ đều nên đặt lên bàn cân để tính toán, so đo thiệt hơn sao cho tròn chữ đạo, chữ hiếu và cả chữ năng lực (tới đâu), nếu không người trẻ dễ biến mình thành gánh nặng cho gia đình hay trò cười cho thiên hạ.
Vì vậy tôi nghĩ: cả tôi, cả bạn không thể sống với đam mê nếu hoàn cảnh gia đình không cho phép, hay đam mê đó không phù hợp với năng lực thật sự của mình. Ai cũng cứ khăng khăng đòi sống với đam mê trong khi thực tế, thực tài không cho phép nghĩa là đã tự biến mình thành người vô tâm, vô trách nhiệm với gia đình và cả xã hội.
Được sống với đam mê có lẽ cuộc sống sẽ rất thi vị nhưng đâu phải ai cũng chỉ cứ có ước mơ, có đam mê là đạt được điều mong muốn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận