09/08/2024 14:02 GMT+7

Đám cưới ‘giờ dây thun’: Tại khách mời hay do gia chủ?

Xung quanh chuyện đám cưới xài "giờ dây thun", nhiều bạn đọc cho rằng không chỉ mỗi khách mời mới đáng trách. Vậy cách nào để đám cưới đúng giờ?

Một số bạn đọc cho rằng không nên chỉ trách mỗi khách mời, mà gia chủ cũng góp phần vào thói quen xài "giờ dây thun" trong đám cưới - Ảnh: QUÂN NAM

Một số bạn đọc cho rằng không nên chỉ trách mỗi khách mời, mà gia chủ cũng góp phần vào thói quen xài "giờ dây thun" trong đám cưới - Ảnh: QUÂN NAM

Phải chăng, chuyện xài "giờ dây thun" khi đi đám cưới là thói quen khó bỏ với nhiều người?

Đi trễ, nhạc điếc lỗ tai, ăn như "tên lửa"

Cho rằng xài giờ dây thun là thói quen của nhiều người, bạn đọc Nhật Minh viết: "Làm sao bỏ được khi đã ăn sâu vào ý thức luôn rồi".

"Riết thành lệ nên ai cũng đến trễ. Tội nghiệp cô dâu chú rể và hai gia đình phải đến sớm chầu chực, đón tiếp khách. Mong sao người Việt mình bỏ thói quen xài giờ dây thun", tài khoản Abc cảm thán.

Đồng cảm, anh Trần Nam cho biết bản thân chứng kiến nhiều người dù không bận bịu gì nhưng vẫn thích đi trễ. 19h nhập tiệc, 18h45 họ mới chuẩn bị, thay đồ. 

"Thời gian rảnh trước đó họ ngồi bấm điện thoại chơi game, tới nhà hàng thì gần 20h. Họ bảo đi sớm ngồi đợi mệt mỏi, đi như vậy chỉ vào ăn. Người được mời không tôn trọng cô dâu chú rể và chính bản thân họ", anh bày tỏ.

"Đi thì luôn trễ. Nhạc và ca hát điếc lỗ tai không thể nói chuyện được. Ăn thì như tên lửa. Đám cưới mời thì phải đi, chứ thật ra không thích", anh Long Nguyen ngán ngẩm.

Việc chờ đợi cũng gây ra những tình huống dở khóc dở cười. Chị Hạnh Đoàn cho biết: "Tội nhất là phải dẫn theo con nhỏ đi đám cưới. Khi nào cũng phải mua theo đồ ăn cho tụi nhỏ ăn lót bụng".

Tài khoản Chủ quán cafe chia sẻ: "Thường thì khi đi đám cưới đúng giờ, tôi phải vào quán cà phê đối diện nhà hàng tiệc cưới để làm ly cà phê sữa... thứ năm trong ngày. Do các đám cưới tôi dự thường diễn ra tối chủ nhật, cũng là ngày tôi uống cà phê nhiều nhất".

Bạn đọc VT hài hước kể: "Ở dưới quê cả nhóm bao xe lên Sài Gòn dự đám cưới, tranh thủ đúng giờ đến nhà hàng luôn. Tới xong ngồi đợi. May mắn là có phục vụ mấy món nhẹ như bánh bao chiên, đồ nguội. Vừa ngồi đợi vừa làm vài ly bia. Tới hơn 20h thì nhập tiệc chính, lúc đó cả bàn đã no say!".

Chương trình văn nghệ, múa may dài lê thê

Cho rằng không nên chỉ trách mỗi khách mời, theo anh Đỗ Quang Tạo, do gia chủ không thống nhất với nhà hàng, trong khi nhà hàng thường khuyến mãi chương trình văn nghệ lê thê xong mới lên món ăn.

"Riết rồi nhiều khách mời không muốn xem lễ nên thường đi trễ chứ không phải ở ý thức. Vì vậy bây giờ rất nhiều người ghi rõ ràng là mấy giờ khai tiệc, vì khách chủ yếu đi tiệc chứ không đi coi mấy tiết mục kia". 

Tương tự, tài khoản kimh****@gmail.com cho rằng "đi trễ vì tâm lý đi sớm thì cũng phải ngồi coi múa may một hồi lâu mà".

Anh Nguyễn Văn Đức bày tỏ: "Trách người đi trễ thì cũng nên trách người tổ chức đã vị nể, khai tiệc không đúng giờ. Chủ hôn cứ việc đúng giờ tổ chức là được thôi mà".

Anh Hùng đồng tình: "Theo tôi, muốn bỏ thói quen giờ dây thun thì cứ đúng giờ là khai tiệc. Ai tới sớm đãi sớm, ai tới sau thì chuẩn bị các bàn chờ".

Trong khi đó, bạn đọc Trần Bill "tập cho mình thói quen tới đúng giờ trên thiệp mà 30 phút sau chưa đãi tiệc là về, trừ trường hợp người thân trong gia đình thì phải ráng".

Còn anh Trần Hải chia sẻ: "Nếu phải chờ quá nửa giờ thì tôi sẽ mừng gia chủ rồi tìm cách rút lui".

Bàn giải pháp để người đến đúng giờ không phải chờ đợi, anh Đoàn Văn Thụy viết: "Cứ đủ 10 người/bàn là dọn tiệc, lai rai đãi khách. Đừng để người đi đúng giờ phải chờ người đi trễ, lôi thôi".

"Khách xa tới sớm ngồi chờ thì cứ cho lên hai món khai vị lót dạ. Đám cưới mình yêu cầu nhà hàng khách đến đủ bàn thì cho lên hai món khai vị và bia lai rai trước", anh Minh Tân đề xuất.

Trễ 30 phút chỉ còn món tráng miệng

Nhiều bạn đọc chia sẻ rằng ở một số địa phương, chuyện đi đám cưới thường đúng giờ, tới trễ "hổng còn gì" ráng chịu.

Bạn đọc Trung Nguyên viết: "Đề nghị ai hay đi trễ thử lên Đà Lạt ăn đám cưới. Trễ 30 phút chỉ ăn trái cây tráng miệng. Trễ một giờ thì gửi phong bì cho cô dâu chú rể và về vì mọi người bắt đầu ra về".

Bạn đọc Thanh chia sẻ: "Mình đi đám cưới ở Sài Gòn trễ cả tiếng mà có khi chưa khai tiệc. Thế là quen cái nết nên có lần ra Đà Nẵng dự đám cưới bạn mình cũng đi trễ gần một tiếng. Tới nơi cửa phòng tiệc đã đóng, mình vào trong thì lớ ngớ không ai tiếp, không biết ngồi ở đâu vì đã kín hết bàn và mọi người đã dùng được vài món rồi".

Cho biết ở Hà Nội đi cưới phải đúng giờ, anh Nguyễn Bình Giang nhận xét: "Chưa đến giờ mời, nhiều đám đã khai tiệc rồi. Có lần tôi đi ăn cưới muộn giờ chưa đến chục phút đã thấy mọi người vào tiệc. Tôi đành ngồi chều hêu chờ mãi mới ghép được cùng bàn khác, từ đó không còn đi ăn cưới muộn giờ nữa".

Đám cưới không "giờ dây thun": Khách đủ bàn là lên mâmĐám cưới không 'giờ dây thun': Khách đủ bàn là lên mâm

Có nơi giờ khai tiệc đám cưới là giờ trên giấy mời, có nơi khách ngồi đủ bàn là tiệc lên mâm, có nơi hôn trường kín chỗ mới khai tiệc…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp