10/02/2023 16:24 GMT+7

Đảm bảo kết nối Internet đi quốc tế từ đêm 10-2

Bắt đầu từ đêm 10-2, các doanh nghiệp viễn thông cam kết sẽ đảm bảo kết nối Internet đi quốc tế không bị nghẽn.


Đảm bảo kết nối Internet đi quốc tế từ đêm ngày 10-2 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì cuộc họp cùng các nhà mạng bàn giải pháp khắc phục sự cố đứt cáp quang biển - Ảnh: THANH HÀ

Thông tin này được Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố chiều ngày 10-2.

“Các nhà mạng sẽ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, mở thêm dung lượng trên đất liền và chia sẻ dung lượng đi quốc tế với nhau để đảm bảo kết nối của Việt Nam đi quốc tế” - ông Nguyễn Hồng Thắng, cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết.

Được biết, trước đó ngày 9-2, Bộ Thông tin và Truyền thông đã họp với các doanh nghiệp viễn thông để xử lý sự cố đứt cáp quang biển, đảm bảo kết nối của Việt Nam đi quốc tế.

Tại cuộc họp với các doanh nghiệp viễn thông để xử lý vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đến việc phải đảm bảo kết nối Internet đi quốc tế của Việt Nam không chỉ đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp đến người dùng, mà còn đảm bảo cho các hoạt động kinh tế Internet được kết nối thông suốt.

Các nhà mạng sẽ chia sẻ dung lượng để cùng đảm bảo chất lượng kết nối.

Với bốn tuyến cáp quang biển bị sự cố cùng lúc, đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam phải đối mặt với việc ứng cứu khi số lượng tuyến cáp quang biển bị sự cố lớn nhất. Theo Cục Viễn thông, sự cố này không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà cả các nước trong khu vực châu Á.

Trong bốn tuyến này, hai tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng, còn hai tuyến IA và AAE-1 vẫn còn một phần đang hoạt động. Thời điểm hiện tại, còn tuyến SMW-3 đi Hong Kong và Singapore vẫn đảm bảo kết nối 100%; tuyến AAE-1 đi Singapore đảm bảo 100% và tuyến IA đi Hong Kong đảm bảo 100%.

Được biết, ngay sau sự cố xảy ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Ban chỉ đạo khắc phục sự cố và xây dựng quy hoạch quốc gia về cáp quang biển, do Thứ trưởng Phạm Đức Long làm trưởng Ban chỉ đạo.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông, tất cả các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi sự cố này. Không riêng gì Việt Nam mà các quốc gia trong khu vực châu Á cũng đều bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải mở thêm hướng kết nối trên đất liền và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo kết nối đi quốc tế. 

Cụ thể, nhà mạng phải đảm bảo dung lượng sử dụng thực tế của khách hàng vào giờ cao điểm sẽ luôn ở mức không quá 90% dung lượng quốc tế mà nhà mạng có thể đáp ứng để không bị nghẽn. 

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo xử lý sự cố và các doanh nghiệp viễn thông cũng cần phải chuẩn bị cho phương án cáp biển có thể gặp sự cố tiếp để có phương án đảm bảo kết nối của Việt Nam đi quốc tế.

Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Nam Long, phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, cho biết VNPT kết nối cáp biển đi quốc tế theo ba đường sang Hong Kong, Singapore và Nhật. 

Sau khi sự cố xảy ra, VNPT cũng đã làm việc với các đối tác mở thêm kênh kết nối trên đất liền. Theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT đang tiếp tục mở rộng thêm dung lượng quốc tế trên đất liền, triển khai thêm các biện pháp tối ưu để đảm bảo kết nối đi quốc tế cho khách hàng.

Internet Internet 'rùa bò' vẫn thu đủ tiền: Nhà mạng đừng xin lỗi suông nữa

Nhà mạng chỉ biết “mong khách hàng thông cảm và cùng chia sẻ” khi Internet 'rùa bò' gây ảnh hưởng lớn đến công việc, sinh hoạt của đông đảo người dùng. Bạn đọc Tuổi Trẻ Online yêu cầu nhà mạng đừng xin lỗi suông nữa, hãy đền bù ngay cho khách hàng!

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp