
Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với UBND huyện Ea Súp thu hồi hơn 742ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại tiểu khu 293, xã Cư M'Lan - Ảnh: CA Đắk Lắk
Trong những ngày cuối tháng 3-2025, Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp UBND huyện Ea Súp tổ chức giải phóng mặt bằng và thu hồi hơn 742ha đất rừng bị lấn chiếm tại tiểu khu 293, xã Cư M'Lan.
2 doanh nghiệp để gần 1.600ha rừng bị lấn chiếm
Năm 2011, UBND tỉnh Đắk Lắk giao 1.165,2ha đất rừng ở tiểu khu 293 xã Cư M'Lan cho Công ty TNHH Anh Quốc thuê trồng cao su, trồng rừng, quản lý và bảo vệ rừng.
Do doanh nghiệp buông lỏng quản lý khiến hàng trăm héc ta rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm. Ngày 23-2-2017, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định thu hồi diện tích này, giao lại cho UBND xã Cư M'Lan quản lý. Theo hồ sơ vi phạm hành chính của UBND xã, tiểu khu 293 có 134 trường hợp lấn chiếm với tổng diện tích 981,7ha.
Để việc thu hồi đất diễn ra an toàn, đúng quy định, lực lượng công an tỉnh phối hợp công an địa phương, các tổ công tác huyện Ea Súp đến từng hộ dân vận động, tuyên truyền. Nhờ kiên trì thuyết phục, hỗ trợ phương án sinh kế, phần lớn các hộ dân đã đồng ý trả lại đất.

Đất rừng ở xã Ea R'vê (Ea Súp, Đắk Lắk) ngang nhiên bị cày xới - Ảnh: TRUNG TÂN
Tính đến nay, 115 hộ dân tại tiểu khu 293 đã tự nguyện trả lại đất. UBND huyện Ea Súp đã giải phóng mặt bằng được 742,05ha, tháo dỡ 33 chòi, lán dựng trái phép.
Tương tự, tháng 12-2012, UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Công ty cổ phần Địa ốc Thái Bình Phát thuê 714ha đất tại tiểu khu 267, 268 xã Ea Bung (Ea Súp) để thực hiện dự án đầu tư cải tạo rừng, khoanh nuôi quản lý, bảo vệ rừng.
Tuy nhiên do thực hiện dự án không hiệu quả và doanh nghiệp để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quản lý, bảo vệ rừng và bị lấn chiếm trái pháp luật nên tháng 2-2017 UBND Đắk Lắk quyết định thu hồi, giao toàn bộ diện tích dự án của Công ty Thái Bình Phát về UBND huyện Ea Súp quản lý.
UBND huyện Ea Súp đã thu hồi hơn 622ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại tiểu khu 267, 268 xã Ea Bung mà không phải tổ chức cưỡng chế.
Hết năm 2026 sẽ thu hồi toàn bộ 128.000ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm
Việc thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại Đắk Lắk không chỉ dừng lại ở tiểu khu 267, 268 và 293, mà đây mới chỉ là phần khởi đầu trong kế hoạch lớn nhằm xử lý tình trạng lấn chiếm đất rừng trên toàn tỉnh.

Rừng Ya T'mốt (Ea Súp, Đắk Lắk) bị đốn hạ để lấy đất sản xuất - Ảnh: TRUNG TÂN
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 128.000ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, chủ yếu do người dân khai thác trái phép để canh tác nông nghiệp, làm nhà ở hoặc mua bán, sang nhượng đất trái phép. Tình trạng này diễn ra phổ biến tại các huyện Ea H'leo, Ea Súp, Cư M'gar, Krông Bông và Ea Kar.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã xác định thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm là một trong những nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ rừng và phát triển bền vững.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Quốc Hưng - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk - việc này không đơn giản bởi nhiều diện tích đất đã được người dân canh tác ổn định, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và dân di cư tự do thiếu đất sản xuất.
Dù chính quyền đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động người dân trả lại đất, nhưng không phải ai cũng đồng thuận. Thậm chí có trường hợp manh động chống đối lực lượng chức năng, làm cho công tác xử lý trở nên phức tạp.
Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm với mục tiêu hoàn tất việc xử lý toàn bộ diện tích vi phạm vào cuối năm 2026.
Cụ thể, trong năm 2025 tỉnh sẽ thu hồi 30% diện tích lấn chiếm; tiếp tục xử lý 30% diện tích còn lại trong nửa đầu năm 2026, và hoàn thành thu hồi toàn bộ đất lâm nghiệp bị lấn chiếm vào hai quý cuối năm 2026.
Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, sở, ngành liên quan siết chặt quản lý, tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm.

Hàng ngàn héc ta rừng ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk) bị bao chiếm, cho thuê để người địa phương ngoài trồng dưa hấu, cây hoa màu - Ảnh: TRUNG TÂN
Thu hồi đất rừng quyết liệt nhưng cũng nhân văn
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk Nguyễn Quốc Hưng cho biết thêm, kế hoạch thu hồi đất sẽ được thực hiện một cách quyết liệt nhưng cũng nhân văn. Những diện tích đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2024 sẽ được cấp cho người dân, trong khi các diện tích còn lại sẽ thu hồi theo lộ trình.
"Mục tiêu là bảo vệ diện tích đất lâm nghiệp đã được quy hoạch, đồng thời trồng lại rừng trên các diện tích đã mất. Chính quyền tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương để quản lý chặt chẽ đất sau khi thu hồi, nhằm tránh tình trạng tái lấn chiếm và bảo vệ lâu dài diện tích rừng của tỉnh", ông Hưng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận