Sáng 5-11, Quốc hội thảo luận về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Khó thực hiện
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Lữ Văn Hùng (Bạc Liêu) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu xem xét cân nhắc quân hàm cấp tướng giữa quân đội và công an ở các tỉnh, thành trọng điểm.
"Với chỉ huy trưởng các thành phố lớn, cấp tướng không nói nhưng ở các thành phố còn lại cũng cần xem xét.
Giám đốc công an là thiếu tướng thì chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cũng phải là thiếu tướng. Chứ sao giám đốc công an là thiếu tướng còn bên quân đội lại là đại tá. Anh cũng ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi cũng ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Việc này cần xem xét và không phải so bì nhưng làm sao để tương xứng với nhau, công bằng", ông Hùng nêu.
Giải trình sau đó về nội dung trên, Đại tướng Phan Văn Giang - bộ trưởng Bộ Quốc phòng - cho hay việc này khó thực hiện.
Bởi theo Đại tướng Phan Văn Giang, giám đốc công an tỉnh chỉ có một thiếu tướng nhưng chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh lại liên quan đến Chính ủy.
Cùng với chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh lại còn chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh và Chính ủy.
"4 chức danh này giống chức nhau mà lại chọn phong một người thì khó cân. Hôm nay phong cho quân sự, ngày mai phong cho biên phòng sẽ khó. Nên chúng tôi xin thôi, vẫn cứ đại tá.
Thêm vào đó, công an nhiệm vụ khác, quân đội nhiệm vụ khác, mặc dù lực lượng vũ trang trong giai đoạn thời bình nơi biên giới, hải đảo, đảo xa vất vả hơn rất nhiều các tỉnh nội địa.
Trong khi đó, công an các tỉnh nội địa có khi việc trọng yếu hơn bởi có các việc khác nên giả sử xét cũng rất khó khăn", Đại tướng Giang nêu rõ.
Không phù hợp, nhiều bất cập
Trước đó, trong dự thảo tiếp thu, giải trình của Bộ Quốc phòng cũng nêu rõ thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, quân đội không quá 415 vị trí có trần quân hàm cấp tướng.
Giám đốc Công an Hà Nội, giám đốc Công an TP.HCM và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, TP.HCM có cấp bậc quân hàm cao nhất là trung tướng.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Chính trị, Luật Sĩ quan và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm số lượng vị trí có cấp bậc quân hàm cấp tướng theo quy định.
Do vậy, theo Bộ Quốc phòng, nếu bổ sung số lượng thượng tướng cho chức vụ phó tổng tham mưu trưởng và quy định trần quân hàm cấp tướng cho chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự của 11 tỉnh trọng điểm như Luật Công an nhân dân (không quy định trần quân hàm cấp tướng cho Chính ủy) thì không phù hợp với nghị quyết 51/2019 của Bộ Chính trị.
Đồng thời vượt quá số lượng cấp tướng theo quy định của Bộ Chính trị và sẽ tác động đến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của chỉ huy trưởng, chính ủy Bộ chỉ huy quân sự, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố khác, các chức danh tương đương khác trong toàn quân như sư đoàn trưởng, chính ủy sư đoàn.
Mặt khác, không bảo đảm nguyên tắc cấp bậc quân hàm sĩ quan của cấp trên cao hơn cấp bậc quân hàm sĩ quan của cấp dưới, dẫn đến bất cập trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Một nội dung khác nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và còn ý kiến khác nhau liên quan đề xuất bổ sung quy định:
"Bố trí quỹ đất, bàn giao cho Bộ Quốc phòng để phát triển nhà ở xã hội cho quân đội phù hợp với nhu cầu của Bộ Quốc phòng và khả năng của từng địa phương".
Nhiều đại biểu cho rằng Luật Nhà ở năm 2023 đã quy định một mục riêng về phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, từ bố trí quỹ đất, nguồn vốn đầu tư và triển khai thực hiện không cần thêm quy định riêng.
Nếu theo dự thảo sau này, việc bố trí quỹ đất vẫn phải theo Luật Nhà ở vì thực hiện nhà ở xã hội, việc thực hiện với các nguồn vốn khác nhau cũng có trình tự lựa chọn nhà đầu tư khác nhau nên dễ xung đột với nhiều quy định liên quan.
Hơn nữa, theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), không phải địa phương nào cũng có quỹ đất để giao, mà chỉ ưu tiên cho sĩ quan quân đội có khó khăn về nhà ở trong quỹ đất nhà ở xã hội chung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận