Các bộ trưởng quốc phòng và tổng thư ký ASEAN chụp ảnh chung trong Hội nghị hẹp ADMM ngày 22-11 - Ảnh: Báo Quân Đội Nhân Dân
Ngay sau khi kết thúc Hội nghị hẹp Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Đại tướng Phan Văn Giang, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã tham dự cuộc gặp không chính thức giữa các bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần lượt với Mỹ và Ấn Độ.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền các quốc gia dù lớn hay nhỏ và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trong khi đó Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Shri Rajnath Singh khẳng định Ấn Độ luôn tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, tích cực tham gia các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)… Ông cũng đề xuất các sáng kiến hợp tác với ASEAN về thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ ASEAN vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc và ứng phó với nạn ô nhiễm trên biển do rác thải nhựa.
Tiếp sau các cuộc gặp không chính thức nêu trên, Bộ trưởng Phan Văn Giang đã có các cuộc tiếp xúc song phương với bộ trưởng quốc phòng các nước Indonesia, Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Tại mỗi cuộc gặp, ông Giang đều cảm ơn hoặc gửi lời mời các nước đến dự Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam vào tháng 12 tới tại Hà Nội.
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto, hai bộ trưởng đánh giá hợp tác quốc phòng Việt Nam - Indonesia thời gian qua đã được hai bên chú trọng thúc đẩy, đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trao đổi đoàn các cấp, trao đổi thông tin tình báo, tăng cường hợp tác giữa lực lượng hải quân, không quân hai nước; xúc tiến hợp tác công nghiệp quốc phòng, cứu hộ - cứu nạn, quân y...
Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Indonesia tại các hội nghị quân sự, quốc phòng ASEAN do Indonesia chủ trì trong năm 2023 - năm Indonesia đảm nhận cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN.
Bộ trưởng Phan Văn Giang dự các hội nghị ngày 22-11 - Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Bộ trưởng Phan Văn Giang đề nghị hai bên tiếp tục triển khai các lĩnh vực hợp tác theo văn bản thỏa thuận đã ký kết.
Ông cũng đề nghị Mỹ tiếp tục ưu tiên tập trung tăng cường nguồn lực hỗ trợ Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa; tiếp tục đưa các lĩnh vực hợp tác về gìn giữ hòa bình, quân y... đi vào thực chất và hiệu quả hơn nữa.
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong Sup, Bộ trưởng Phan Văn Giang đề nghị ông Lee tiếp tục có tiếng nói với Bộ Ngoại giao, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) quan tâm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có "Dự án Hành động bom mìn vì Làng Hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc" giai đoạn 2022 - 2026.
Tiếp tục thúc đẩy hợp tác về công nghiệp quốc phòng và chuyển giao công nghệ trên cơ sở tiềm năng và nhu cầu của mỗi bên (bao gồm tạo điều kiện cho dự án hợp tác giữa Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc).
Tại cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Shri Rajnath Singh, Bộ trưởng Phan Văn Giang trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Shri Rajnath Singh đã sang thăm chính thức Việt Nam.
Hai bên thống nhất nghiên cứu triển khai kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Shri Rajnath Singh và Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ.
Trong đó tập trung vào một số nội dung như: tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp; duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại, tham vấn, giao lưu; thúc đẩy hợp tác giữa các quân binh chủng hai nước; triển khai hợp tác công nghiệp quốc phòng theo thỏa thuận thực thi đã ký kết…
Hôm nay 23-11 là ngày cuối Bộ trưởng Phan Văn Giang ở Campuchia. Chuyến đi từ ngày 21 đến 23-11 diễn ra theo lời mời của người đồng cấp chủ nhà, nhân Hội nghị hẹp các bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM) và mở rộng (ADMM+) cùng các hội nghị không chính thức giữa ASEAN với Mỹ, Ấn Độ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận