30/06/2017 14:12 GMT+7

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ góc nhìn hậu thế

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Sáng 30-6 tại Hà Nội,  Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân tổ chức ra mắt bộ sách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tưởng nhớ 50 năm ngày mất của ông (1967 – 2017).

Đại diện gia đình đại tướng Nguyễn Chí Thanh chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm tác giả biên soạn bộ sách và đại diện NXB Quân Đội Nhân Dân - Ảnh: V.V.TUÂN 

Tri ân thế hệ đi trước

Đại tá Kiều Bách Tuấn, giám đốc - tổng biên tập NXB Quân Đội Nhân Dân - cho rằng chiến tranh đã lùi xa nhưng nhiều vấn đề và các nhân vật lịch sử trong chiến tranh vẫn là chủ đề được nhiều bạn đọc quan tâm.

Ông giới thiệu bộ sách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gồm ba cuốn sách.

Nguyễn Chí Thanh - góc nhìn từ hậu thế là cuốn sách được chắt lọc, hệ thống lại từ các công trình nghiên cứu riêng của nhiều tác giả, trong đó có những góc nhìn chân thực của các nhà báo, nhà khoa học và cảm xúc của những nhà văn, nhạc sĩ.

Nhóm tác giả biên soạn sách hầu hết là những người trẻ sinh sau năm 1975.

“Cuốn sách có nhiều tư liệu mới, nhiều góc nhìn và phương pháp nghiên cứu mới. Các tác giả đã tiếp cận từ các vấn đề chứ không theo trật tự thời gian như truyền thống, để cho bạn đọc thấy nhiều góc nhìn về một chân dung nhân vật lịch sử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, đại tá Kiều Bách Tuấn nhấn mạnh.

Những cánh thư ra Bắc vào Nam là 73 bức thư của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gửi gia đình và của vợ, con gửi đại tướng (từ 1948-1967) lần đầu được in trọn vẹn. Những câu chuyện về đại tướng với gia đình được kể theo từng chủ đề, nhân vật, sự kiện rất nhẹ nhàng, sinh động và hấp dẫn.

“Qua những nhân vật liên quan đến bức thư, độc giả có thể hình dung được về cuộc sống, suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của thế hệ ngaỳ đó – thế hệ đầy niềm tin và nỗ lực vượt khó”, ông Tuấn chia sẻ.

Cuốn sách ảnh Nguyễn Chí Thanh – đại tướng nông dân là những tư liệu hình ảnh được khai thác, biên soạn công phu mà mỗi chủ đề như một câu chuyện bằng hình ảnh. “Bộ sách là sự tri ân của chúng tôi với thế hệ đi trước”, ông Tuấn nói.

Bộ sách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ảnh: V.V.TUÂN 

Góc nhìn hậu thế

Nói về động lực để làm bộ sách này, anh Bùi Chí Trung, thành viên nhóm tác giả tham gia biên soạn bộ sách, chia sẻ:

“Chúng tôi là những người sinh sau năm 1975, không nếm trải những năm tháng đắng cay của chiến tranh.

Nhưng chúng tôi muốn tìm hiểu và viết lịch sử đất nước. Đó không phải là lịch sử vô nhân xưng mà phải là lịch sử truyền cảm hứng cho thế hệ sau. Đấy là động lực để chúng tôi nghiên cứu và thực hiện bộ sách về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”.

Bùi Chí Trung nói rằng nhóm tác giả không chỉ mong muốn giới thiệu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một vị tướng lỗi lạc, một nhà văn hóa mà còn muốn rằng hậu thế sẽ học được gì từ ông.

Cuốn sách Nguyễn Chí Thanh - những góc nhìn từ hậu thế cũng dành một chương Binh pháp Nguyễn Chí Thanh để giúp bạn đọc nhận diện những giá trị khoa học quân sự mà ông để lại cho hậu thế.

GS sử học Trần Viết Nghĩa, thành viên nhóm tác giả, cũng mong mỏi: “Thế hệ trẻ chúng tôi không hề lãng quên quá khứ mà rất trân trọng lịch sử. Chúng tôi luôn cố gắng tìm ra những bài học từ lịch sử cho hiện tại và tương lai mai sau của đất nước”.

TS Lê Kiên Thành, thành viên nhóm tác giả, chia sẻ rằng qua cuốn sách sẽ phần nào giúp độc giả trả lời nhiều thắc mắc như: chúng ta tiến hành chiến tranh thống nhất đất nước có phải là con đường duy nhất hay không? Làm thế nào một nước nhỏ bé như VN có thể thắng được Mỹ?...

“Qua cuộc đời của một con người, chúng tôi muốn nói lên một phần lịch sử rất hào hùng, rất đẹp của dân tộc”, TS Lê Kiên Thành nói.

Nhà báo Phan Đăng lại có cảm nhận bên cạnh một vị tướng nông nghiệp, vị tướng quân sự thì Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn là vị tướng văn hóa:

“Lịch sử VN là lịch sử của những người nông dân vùng dậy. Với những người như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, sự vùng dậy về văn hóa đã giúp họ đi vào thiên thu của lịch sử. Từ những bần cố nông, họ đã vùng dậy trở thành những cốt cách văn hóa”.

Đến dự buổi ra mắt bộ sách, bà Nguyễn Thanh Hà, con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, rất xúc động:

“Khi nhóm tác giả trẻ đến gặp gia đình tôi nói rằng muốn viết về bác Thanh thì tôi cũng rất ái ngại nói rằng đã có nhiều người viết về Đại tướng rồi, trong đó có cả những “cây đa, cây đề”, những người rất am hiểu về lịch sử thì các bạn sẽ viết gì, có tiếp cận gì mới, có tư liệu gì mới không.

Nhóm tác giả trả lời rằng sẽ tiếp cận ở góc nhìn mới - góc nhìn từ hậu thế nhìn lại thế hệ đi trước để đi tìm lời giải đáp cho nhiều câu hỏi như: tại sao chúng ta thắng Mỹ?

Tại sao nước ta có những con người từng nông dân đứng dậy mà thành những con người của lịch sử?...

Các bạn ấy luôn tin rằng thế hệ hôm nay cũng phải có những con người kiệt xuất để hình thành lớp người mới. Chính điều đó đã làm tôi xúc động và cùng tham gia giúp các bạn ấy hoàn thành bộ sách”.

“Không được thơ Cúc, anh phần thì trông mong, phần thì áy náy, không biết mình ăn ở với vợ con thế nào mà đến khi xa nhau phải thế. Em cũng biết tuy nhớ nhau nhiều ngày hay sinh ra nghĩ thế nầy thế khác, tâm lý ấy cũng có gì là lạ”

Trích thư Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gửi vợ Nguyễn Thị Cúc ngày 5-7-1950

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp