Phóng to |
Tiana trong lần phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1988 tại Hà Nội |
Tiana sinh năm 1961 tại Sài Gòn với tên Thanh Nga rồi theo gia đình sang Mỹ lúc 5 tuổi. Bà là vợ của Stirling Silliphant, nhà biên kịch nổi tiếng Hollywood từng đoạt giải Oscar năm 1968. Tiana từng tham gia nhiều phim khi còn ở Hollywood. Bà đã quay phim tài liệu về VN trong suốt 25 năm qua và từng phỏng vấn nhiều nhà lãnh đạo VN như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng và tôi là bộ phim tài liệu thứ hai về VN sau Từ Hollywood đến Hà Nội (thực hiện năm 1992), từng được trình chiếu ở Hà Nội vào năm 2009 và 2011. Qua bộ phim này, Tiana muốn khắc họa hình ảnh một nhân vật vĩ đại và nêu bật tầm quan trọng của Đại tướng trong lịch sử quân đội VN cũng như cho thấy lòng kính phục mà nhân dân VN cũng như bà dành cho Đại tướng.
Tiana trao đổi với Tuổi Trẻ về Đại tướng và bộ phim tài liệu mới nhất của bà, dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2014.
* Bà biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời khi nào?
- Khi tôi đang nói chuyện với vợ chồng hiệu trưởng một trường dạy làm phim nổi tiếng ở Ba Lan hôm 4-10 thì một người bạn ở TP.HCM gọi cho tôi và nói: “Thanh Nga, về VN, Đại tướng đã ra đi rồi”. Tôi cảm thấy sốc và rất buồn.
Sau đó tôi lập tức đặt vé về VN rồi chạy ngay đến nhà Đại tướng. Một người bạn dẫn tôi vào nhà giữa dòng người xếp hàng trước cổng. Tôi không hề ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều người xếp hàng cho đến tối để được vào viếng Đại tướng.
* Vì sao bà quyết định làm phim về Đại tướng? Nội dung phim là gì?
- Đại tướng là thầy giáo dạy lịch sử của cha tôi. Cha tôi là người của chế độ Sài Gòn cũ nhưng ông luôn rất kính trọng người thầy của mình, chính vì thế ý định ban đầu của tôi chỉ là muốn tìm gặp thầy giáo của cha mình. Nhưng rồi tôi cảm thấy mình phải làm một bộ phim về Đại tướng sau nhiều lần gặp gỡ trong 25 năm qua. Tôi đã quay rất nhiều đoạn phim tài liệu. Tôi cũng phỏng vấn rất nhiều người và họ đã chia sẻ với tôi nhiều câu chuyện. Tôi nhận thấy Đại tướng là nhân vật quan trọng nhất trong tất cả các cuộc phỏng vấn mà tôi đã thực hiện trên khắp thế giới.
Đại tướng và tôi là bộ phim lịch sử về người thật, việc thật. Bộ phim kể về việc tôi gặp gỡ Đại tướng như thế nào và mong muốn tìm hiểu về cuộc đời của nhân vật vĩ đại này ra sao. Qua những bộ phim của mình, tôi luôn muốn truyền tải thông điệp về hi vọng và sự hiểu biết lẫn nhau cũng như phơi bày sự kinh tởm của chiến tranh.
* Bà ngưỡng mộ Đại tướng ở điểm nào?
- Những gì Đại tướng đã làm đều là những việc vĩ đại, tương tự như câu chuyện chàng tí hon David đánh bại gã khổng lồ Goliath. Đại tướng là người có tấm lòng vị tha khi đồng ý trả lời phỏng vấn một người có quốc tịch Mỹ như tôi sau những gì Chính phủ Mỹ đã gây ra với nhân dân VN trong thời chiến. Tôi vô cùng quý trọng những gì Đại tướng chia sẻ với tôi và những lời nói của Đại tướng luôn dấy lên trong tôi nhiều hi vọng.
Năm 1987, đến Hà Nội, tôi muốn phỏng vấn Đại tướng thì người ta nói rằng “Đại tướng không gặp ai đâu, ông ấy bận lắm”. Họ còn hỏi tôi có thẻ phóng viên hay giấy tờ gì không, tôi đáp rằng tôi không có gì hết, tôi chỉ muốn gặp thầy giáo của cha tôi thôi. Họ lại hỏi tôi: “Vậy cô có chuẩn bị sẵn câu hỏi chưa?”. Tôi đưa cho họ xem một bài thơ mình viết rồi sau đó nhờ người dịch để họ chuyển cho Đại tướng. Hai ngày sau, có người gọi cho tôi khi tôi ở khách sạn Metropole và với tôi phần còn lại của câu chuyện đã trở thành lịch sử. Nhiều năm sau, nhiều người nói rằng tôi rất may mắn vì rất ít người Mỹ được gặp trực tiếp Đại tướng (phóng viên ảnh Catherine Karnow cũng nằm trong số ít đó).
Đại tướng đã đón tiếp tôi rất nồng hậu trong những lần gặp gỡ tại nhà và thậm chí còn nói rằng tôi và chồng tôi là “những người Mỹ đầu tiên được đặt chân vào căn nhà này”. Đại tướng rất kiên nhẫn khi trả lời nhiều câu hỏi của tôi, cho dù có những câu rất buồn cười. Chẳng hạn như trong lần phỏng vấn đầu tiên, tôi hỏi Đại tướng vào quân ngũ khi nào thì ông nhẹ nhàng đáp: Ngày xưa VN chưa có quân đội và Đại tướng đứng ra thành lập lực lượng ấy! Đại tướng đã khiến tôi cảm thấy tự hào khi mang trong người dòng máu Việt.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận