Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ vừa ký công văn ngày 17-12 gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị thành phố xem xét bảo tồn ngôi biệt thự thuộc trạm phát sóng Bạch Mai, đồng thời gửi báo cáo lên Thủ tướng - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Công văn này được gửi đồng thời tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để báo cáo.
Công văn nêu rõ, những ngày qua, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Tuổi Trẻ và một số cơ quan báo chí khác đã có loạt bài phản ánh về việc trạm phát sóng Bạch Mai sẽ bị tháo dỡ để thực hiện dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở của UBND TP Hà Nội.
Công văn khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử của Trạm phát sóng Bạch Mai và cụ thể là tòa biệt thự Pháp cổ tại địa chỉ số 128C Đại La, Hà Nội (số 10 ngõ 128C Đại La). Được xây dựng từ năm 1912, Trạm vô tuyên điện báo này chính là biểu tượng tiếp cận văn minh sớm nhất ở vùng châu Á bằng hệ thống vô tuyến điện không dây, nơi tiếp cận với kỹ thuật truyền tin hiện đại ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20.
Không chỉ ghi dấu văn minh của Việt Nam đầu thế kỷ 20, trạm vô tuyến điện báo này còn gắn với những dấu mốc lịch sử đặc biệt của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thời kỳ non trẻ.
Đây chính là nơi phát đi bản Tuyên ngôn độc lập lần đầu tiên ra cả nước và thế giới trong chương trình phát thanh đầu tiên của Đài tiếng nói Việt Nam vào trưa 7-9-1945.
Và ngay tại căn biệt thự này chính là nơi phát thanh viên Ngân Thanh đọc bản tin đặc biệt, mật lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng - Tổng chỉ huy quân đội Võ Nguyên Giáp để cả nước nổ súng, bắt đầu toàn quốc kháng chiến vào 20h ngày 19-12-1946.
Nhưng theo Quy hoạch mở rộng đường vành đai 2 của UBND TP Hà Nội, ngôi biệt thự nêu trên và một số công trình thuộc trạm phát sóng Bạch Mai sẽ bị tháo dỡ để thực hiện dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Trạm phát sóng Bạch Mai chính là nơi phát đi bản Tuyên ngôn độc lập lần đầu tiên ra cả nước và thế giới trong chương trình phát thanh đầu tiên của Đài tiếng nói Việt Nam vào trưa 7-9-1945 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Công văn khẳng định Đài Tiếng nói Việt Nam luôn coi trọng và ủng hộ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô, trong đó có hoạt động chỉnh trang, phát triển hệ thống giao thông đô thị nhằm từng bước giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông đang rất trầm trọng hiện nay.
Tuy nhiên, với một công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử quốc gia như Trạm phát sóng Bạch Mai, Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị UBND TP Hà Nội quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện một số phương án bảo tồn như ý kiến của một số chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch: giữ lại tòa nhà ở vị trí hiện tại, hoặc di chuyển tòa nhà sang một vị trí khác, hoặc giữ lại một phần của tòa nhà, chỉnh trang thành địa chỉ lịch sử về trạm phát sóng Bạch Mai…
Đài Tiếng nói Việt Nam mong muốn phối hợp với UBND TP Hà Nội tìm được phương án phù hợp để vừa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đường trên cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, vừa bảo tồn, lưu giữ được trạm phát sóng Bạch Mai, một công trình kiến trúc lịch sử đặc biệt cho thế hệ mai sau.
Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, với một những công trình đã đi vào một phần ký ức dân tộc như biệt thự trạm phát sóng Bạch Mai thì chúng ta rất cần có hình thức bảo tồn phù hợp - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết, mấy ngày qua, ông thấy rất ấn tượng với loạt bài về giá trị của các trạm phát sóng Bạch Mai trên báo Tuổi Trẻ. Đây là điều mà các cán bộ, nhân viên, phát thanh viên của đài đều trăn trở, đau đáu lâu nay, nhưng khi có loạt bài của báo Tuổi Trẻ, nhìn thấy sự quan tâm của cộng đồng với di sản đặc biệt này thì cán bộ, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam càng có thêm quyết tâm và động lực tìm cách bảo vệ ngôi biệt thự.
Ông Kỷ nói, việc phá bỏ một công trình xây dựng thì rất dễ dàng nhưng với một công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, văn hóa lớn thì chúng ta rất cần phải suy nghĩ. Với một những công trình đã đi vào một phần ký ức dân tộc như biệt thự trạm phát sóng Bạch Mai thì chúng ta rất cần có hình thức bảo tồn phù hợp.
Ông cũng cho rằng giải pháp mà ông Martin Rama đã nêu trên báo Tuổi Trẻ là rất thấu tình đạt lý và rất khả thi.
Ông Kỷ cũng tỏ ra rất tiếc nuối bởi trước đó Đài Tiếng nói Việt Nam đã lần lượt phá bỏ đi các biệt thự Pháp cổ ở 58 Quán Sứ, Hà Nội và tại số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM để xây dựng các tòa nhà mới.
Ông Đinh Đức Hiếu - phó chủ tịchUBND phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, liên quan đến căn biệt thự số 10 ngõ 128C Đại La, phường cũng đang tổng hợp ý kiến phản ánh từ người dân, cộng đồng để báo cáo UBND quận, UBND thành phố xem xét.
Theo kế hoạch thì căn biệt thự này sẽ bị phá dỡ trước ngày 31-12.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận