Cảnh trong phim Năm cuối ở trại tị nạn - Ảnh: Docfest |
Phim tài liệu kén người xem. Nhưng nếu đặt ngược lại vấn đề thì muốn xem phim tài liệu cũng không dễ dàng vì chẳng có mấy nơi trình chiếu. Thế nên ngay khi thông tin về những buổi chiếu phim của Liên hoan phim tài liệu và thể nghiệm (DocFest) 2016 sẽ diễn ra trong ba ngày 21, 22 và 23-11 tại TP HCM, rộng cửa chào đón miễn phí tất cả mọi người, những lời rủ rê xem phim, những đường link chia sẻ lại được truyền tay nhau…
Sau bốn lần được tổ chức tại Hà Nội, hai lần ra mắt tại TP HCM, chương trình tại TP.HCM lần này do DocLab, Viện Goethe Việt Nam và Trường ĐH Hoa Sen (số 8 Nguyễn Văn Tráng, Q.1) đồng hành tổ chức.
Buổi chiếu khai mạc tối 21-11 không thể nói là đông kín khán giả, nhưng những gương mặt trẻ ngồi ngay ngắn thưởng thức phim, lâu lâu lại phá lên những tràng cười thoải mái khiến không khí của buổi chiếu cũng “mềm” hẳn đi, xua tan “định kiến” nặng nề người ta thường gán cho dòng phim này.
Họ đến để thưởng thức những bộ phim rất gần với đời sống của mình, có thể là chính họ. Đó là câu chuyện trong một văn phòng với những đồng nghiệp suốt tám tiếng mỗi ngày (Lên lên xuống xuống, đạo diễn Đỗ Thu Vân), là những ký ức về một quá khứ đau thương vẫn hiện diện ở hiện tại yên bình (Vườn bầu xanh tươi - đạo diễn Trương Minh Quý)…
Trong số năm bộ phim được chọn chiếu khai mạc có đến hai bộ phim không có thoại, chỉ là những thước phim đen trắng, là tiếng động, là âm thanh, là một bản nhạc, vậy mà khi bước ra khỏi phòng chiếu, những hình ảnh ấy cứ ám ảnh tâm trí người xem, "thử thách" người tiếp nhận.
Cảnh trong phim không lời thoại Một bức ảnh - Ảnh: Docfest |
Theo đạo diễn trẻ Trịnh Đình Lê Minh - phụ trách tổ chức của chương trình tại TP.HCM, trong bối cảnh các dự án phim tài liệu mới của Việt Nam liên tục nhận được tài trợ từ các quỹ tài trợ trong năm qua như dự án của Trần Phương Thảo, Phạm Thu Hằng, Đào Thanh Hưng; sự góp mặt của DocFest 2016 ở thời điểm này thực sự góp phần cổ vũ cho những tiếng nói mạnh dạn, mới mẻ và thể nghiệm trong phim.
Vậy nên, DocFest lần này ngoài việc vẫn giữ nguyên sự tươi mới của những người trẻ ở những kỳ DocFest trước, còn có một điểm chung là phản ánh xã hội, cuộc sống đương đại theo những cách thức hấp dẫn vượt lên khỏi chủ nghĩa hiện thực thông thường.
Khán giả xem phim cũng có nhiều lựa chọn tiếp cập bởi các bộ phim đều được sắp xếp vào từng chủ đề riêng như chùm Phim và phát triển: Các biểu đạt mới gồm các phim Trăng chưa cho lúa chín vàng, Năm cuối ở trại tị nạn, Trên rừng dưới thung; Chùm phim Varan gồm các bộ phim được làm trong khóa học làm phim tài liệu Varan vừa qua, Chùm Framing History in the Medium of Film - là những bộ phim được tuyển chọn cẩn trọng nhằm trình bày những diễn dịch về lịch sử, về ký ức tập thể của xã hội trong khung hình điện ảnh, gồm các phim Hôm nay là thứ mấy (Bồ Đào Nha), Những bóng ma và mảnh vải đỏ (Pháp), Hố (Indonesia), Không hồi kết, không tên (Thái Lan).
Ngôi nhà ở Ninh Hòa - một bộ phim đáng xem
Một trong những điểm nhấn của DocFest năm nay, bộ phim Ngôi nhà ở Ninh Hòa (dài 108 phút) của đạo diễn Philip Widmann và đồng tác giả Nguyễn Phương Đan được đánh giá là bộ phim không nên bỏ qua. Bộ phim là số phận của một gia đình tại hai nước Đức và Việt Nam. Ba anh em với ba câu chuyện, ba chọn lựa khác nhau, những trải nghiệm nhập cư và hiện thực nhiều xung đột…Ngôi nhà ở Ninh Hòa đã tham dự khá nhiều liên hoan phim tại Munich, Hamburg, Sao Paulo. Đặc biệt, sau suất chiếu phim vào 19g ngày 23-11, đạo diễn Philipp Widmann sẽ có mặt tại ĐH Hoa Sen để cùng giao lưu, trao đổi với những khán giả quan tâm về quá trình thực hiện bộ phim này. Sau DocFest 2016, phim sẽ tiếp tục đến với Filmmaker Festival Milano diễn ra từ ngày 25-11 đến 4-12 tại Ý. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận