Tàu hải cảnh của Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của đảo Natuna hôm 11-1 - Ảnh: REUTERS
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Xiao Qian và Bộ trưởng Điều phối Indonesia về các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Mahfud ngày 16-1, theo Hãng thông tấn Kyodo.
Phát biểu trước các phóng viên sau cuộc họp, ông Xiao Qian thừa nhận ngư dân Trung Quốc đã vào vùng biển ở rìa phía nam của Biển Đông hồi tháng 12 năm ngoái để đánh bắt.
Tuy nhiên, ông này cho rằng việc đánh bắt trong vùng biển xung quanh đảo Natuna của Indonesia không phải là điều gì lớn lao lắm.
"Ngay cả những người bạn, những người hàng xóm tốt của nhau còn xảy ra mâu thuẫn nữa là. Chắc chắn sẽ có sự khác biệt về cách nhìn và dẫn tới tranh chấp nhưng tôi nghĩ chúng tôi có thể thảo luận về những vấn đề đó theo hướng thân thiện", ông Xiao Qian tỏ ra lạc quan.
Bộ trưởng Mahfud sau đó lại tiết lộ một mặt khác của câu chuyện. Ông Mahfud kể đại sứ Trung Quốc đã phân trần với ông rằng chính quyền Trung Quốc bị ngư dân nước này gây sức ép, buộc Bắc Kinh phải cho phép những tàu cá này sang Indonesia và những nước khác đánh bắt bất hợp pháp.
Các quan chức cấp cao của hai nước sẽ gặp nhau vào ngày 4 và 5-2 để nỗ lực giải quyết vấn đề. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bình luận về các thông tin của Kyodo News.
Indonesia đã phản ứng mạnh trước sự hiện diện đông đảo của tàu cá Trung Quốc từ cuối tháng 12 năm ngoái ở quần đảo Natuna. Bộ Ngoại giao Indonesia đã gửi công hàm phản đối đồng thời cho biết không có bất kỳ tranh chấp nào giữa vùng đặc quyền kinh tế quanh đảo Natuna của Indonesia và yêu sách đường 9 đoạn do Bắc Kinh tự vẽ.
Jakarta sau đó điều nhiều tàu chiến, thậm chí cả máy bay chiến đấu tới khu vực, buộc tàu Trung Quốc phải rút lui sau gần 3 tuần.
Khu vực mà Indonesia gọi là Biển Bắc Natuna, nằm ở phía bắc quần đảo Natuna, một quần đảo xa xôi mà Trung Quốc chính thức công nhận là lãnh thổ của Indonesia. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại cho rằng vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo này chồng lấn với "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vẽ ra nên lớn tiếng đòi đàm phán. Indonesia lập tức bác bỏ lời kêu gọi này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận