Đại sứ Nguyễn Hồng Thao - Ảnh: Bộ Ngoại giao
Vượt qua các ứng cử viên mạnh khác trong khu vực, ngày 12-11, đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã tái đắc cử vào ILC với số phiếu 145/193, xếp thứ 4 trong số 11 ứng cử viên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau ứng cử viên Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản.
ILC được thành lập ngày 21-11-1947 theo nghị quyết số 174 (II) của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với 34 thành viên đủ trình độ và năng lực, có nhiệm vụ thúc đẩy quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ pháp luật quốc tế.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là nhà ngoại giao và chuyên gia pháp lý kỳ cựu của Việt Nam. Ông từng tham gia các đoàn đàm phán quan trọng về vấn đề biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia; giữ chức phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia.
Ông trở thành thành viên ILC lần đầu tiên năm 2016. Hiện đại sứ Nguyễn Hồng Thao đang nghiên cứu và giảng dạy tại Học viện Ngoại giao.
Trong nhiệm kỳ 2023-2027, đại sứ Nguyễn Hồng Thao sẽ tiếp tục tham gia sâu hơn vào quá trình nghiên cứu, thảo luận các chủ đề tại ILC, thúc đẩy các chủ đề gắn bó mật thiết với lợi ích các nước đang phát triển.
Cùng ngày, theo Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định việc tái đắc cử của đại sứ Nguyễn Hồng Thao vào vị trí thành viên ILC có nhiều ý nghĩa quan trọng. Góp phần khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác trên thế giới.
Đồng thời khẳng định sự hội nhập quốc tế của Việt Nam, thể hiện sự trưởng thành của đối ngoại đa phương Việt Nam, khẳng định sự tín nhiệm của quốc tế đối với nỗ lực bền bỉ và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và các thể chế đa phương.
Theo ông Bùi Thanh Sơn, việc tái đắc cử ILC chính là sự ghi nhận xứng đáng của quốc tế đối với trình độ, năng lực và kinh nghiệm cũng như đóng góp tích cực của đại sứ Nguyễn Hồng Thao vào thúc đẩy các vấn đề pháp luật quốc tế quan trọng trong suốt nhiệm kỳ 2017-2022 vừa qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận