Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikky Haley (áo đỏ) trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc Lưu Kết Nhất trước phiên bỏ phiếu thông qua nghị quyết số 2371 ngày 5-8-2017 - Ảnh: AFP
Ai cũng biết Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của trong nhiều năm qua. Mối quan hệ của hai quốc gia "đã từng đổ máu vì nhau" (lời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình) được ví như "môi hở răng lạnh".
Tuy nhiên, các số liệu trong năm 2017 và 3 tháng đầu 2018 cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên đã giảm đến mức kỷ lục, gần như bằng 0. Lý do được đưa ra là Bắc Kinh đang thực thi các nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng vì chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Vậy tại sao Trung Quốc lại ủng hộ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên do Washington thúc đẩy với mức độ cứng rắn ngày càng tăng?
Tổng cộng, trong năm 2017, Hội đồng Bảo an LHQ đã đồng thuận thông qua 4 biện pháp trừng phạt Triều Tiên, bao gồm cấm các nước làm ăn với Bình Nhưỡng, cắt nguồn thu ngoại tệ. Có rất nhiều lý do để được đưa ra để giải thích cho thái độ ủng hộ của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley, sự khó đoán định của ông Trump là điều làm nên chuyện.
"Tôi luôn lợi dụng sự khó đoán định của tổng thống Trump để các nghị quyết trừng phạt cứng rắn được thông qua", bà Haley chia sẻ tại Đại học Houston (Mỹ) ngày 22-5.
"Khi tôi nói 'chúng tôi muốn cắt giảm số lao động Triều Tiên, chúng ta phải làm điều này' thì y như rằng người Trung Quốc sẽ thốt lên 'không, không thể làm như thế được'", bà Haley nhớ lại những lần nói chuyện với người đồng cấp Trung Quốc tại LHQ.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ hiện nay là ông Mã Triêu Húc. Ông Mã được cử thay thế ông Lưu từ năm 2018 - Ảnh: Phái đoàn Trung Quốc tại LHQ
"Được thôi, nhưng tôi không hứa với ông là tổng thống Trump sẽ không sử dụng biện pháp quân sự. Tôi không thể hứa sẽ không có bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào", đại sứ Mỹ tại LHQ kể.
"Vậy là nghị quyết được thông qua và nó đã lặp lại như vậy tới 3 lần", bà Haley chốt vấn đề, đồng thời tiết lộ luôn tranh thủ sự ủng hộ của các nước khác trước khi thương lượng với Trung Quốc và nước cuối cùng là Nga.
Chiến thuật bà Haley sử dụng có phần giống với "Học thuyết gã điên" của Mỹ trong những năm 1970 do ngoại trưởng và tổng thống Mỹ khi đó là Henry Kissinger và Richard Nixon xây dựng.
Theo đài CNN, bằng cách tự xây dựng hình ảnh bản thân như một nhà lãnh đạo bất định, Nixon đã khiến các đối thủ của Mỹ bối rối và chiếm thế thượng phong trong các cuộc đàm phán giai đoạn Chiến tranh Lạnh.
Giới quan sát nhận định chiến lược gây áp lực tối đa của tổng thống Trump đã khiến Triều Tiên sớm ngồi vào bàn đàm phán. Một số lý giải cho rằng kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền ở Triều Tiên, quan hệ Trung - Triều đã diễn ra theo chiều hướng trái ngược với tính toán của Bắc Kinh. Do vậy, Trung Quốc, với ý định từ lâu muốn dạy cho Triều Tiên một bài học, đã không bỏ lỡ cơ hội Mỹ đem lại dù thể hiện bên ngoài như đang bị ép.
Ở khía cạnh khác, việc Trung Quốc thực thi một cách nghiêm túc các lệnh trừng phạt giúp nước này giữ được uy tín, xây dựng hình ảnh như một quốc gia có trách nhiệm trên trường quốc tế.
Quả là một mũi tên trúng nhiều đích!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận