Câu chuyện được Đại sứ Mỹ Knapper kể trong cuộc gặp gỡ báo chí với Tổng giám đốc USAID Samantha Power chiều 10-3 tại Đại sứ quán Mỹ. USAID - Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ - đã tài trợ cho nhiều nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam hàng chục năm qua.
Trong ngần ấy năm, đã có nhiều câu chuyện nhưng có lẽ Đại sứ Knapper nhớ nhất là chuyện của một cụ bà tìm con là liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh.
"Mỹ sẽ đem công nghệ tốt nhất cho Việt Nam"
"Bà ấy đã lớn tuổi lắm rồi - ông Knapper nhớ lại - Bà ấy chỉ còn đúng hai cái răng thôi. Thế nhưng bà vẫn quyết giữ gìn chúng thật cẩn thận. Bởi theo bà, hai cái răng ấy có thể giúp xác định được hài cốt của người con trai đã hy sinh".
Cuối cùng thì bà cũng đạt được ước nguyện ấy. Thông qua phương pháp giám định ADN, hài cốt của người con mất tích đã được tìm thấy.
"Và cụ bà ấy đã qua đời sau đó, ở tuổi 90", đại sứ Mỹ kể.
Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm nhưng hậu quả của nó vẫn còn làm đau lòng nhiều người ở lại.
Đại sứ Knapper chia sẻ khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam là một trong những lĩnh vực mà Mỹ vẫn đang phối hợp mạnh mẽ với phía Việt Nam. Đó không chỉ là việc xử lý các vùng đất bị nhiễm chất dioxin mà còn là công tác tìm kiếm các liệt sĩ mất tích.
Việc giúp gia đình liệt sĩ tìm thấy hài cốt người thân đòi hỏi rất nhiều thời gian. Như trường hợp của bà cụ nói trên, vì là mẹ - con nên còn dễ. Có những trường hợp ông bà tìm cháu, anh chị tìm em thì khó khăn hơn do quan hệ ruột thịt càng xa thì giám định ADN càng khó.
Tuy nhiên, đại sứ Mỹ cam đoan Washington sẽ hỗ trợ mạnh mẽ bằng nhiều cách trong nỗ lực nhân đạo này.
"Chúng tôi sẽ mang những công nghệ tốt nhất, tiên tiến nhất cho Chính phủ Việt Nam, cho những cơ quan y tế tại Việt Nam, cơ quan giám định tại Việt Nam", ông Knapper nhấn mạnh.
Ngoài các công nghệ tiên tiến, Việt Nam cũng có thể tiếp cận được các cơ sở dữ liệu sẵn có của Chính phủ Mỹ hoặc các trung tâm nghiên cứu để xác định được nơi có hài cốt liệt sĩ.
Bà Samantha Power - tổng giám đốc USAID - chia sẻ nước Mỹ cảm thấy có trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam.
Bà nhắc lại việc mới đây USAID đã bàn giao gần 3ha đất đã được xử lý dioxin ở sân bay Biên Hòa. Đồng thời USAID công bố một hợp đồng mới nâng tổng vốn đầu tư giai đoạn 2 xử lý và làm sạch đất tại sân bây Biên Hòa lên đến 300 triệu USD.
Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cũng thừa nhận để quan hệ Việt - Mỹ được như ngày hôm nay thật sự không phải là một điều dễ dàng bởi hai bên đã phải vượt qua rất nhiều trở ngại để xây dựng niềm tin lẫn nhau.
Theo bà Power, Mỹ có thể áp dụng những kinh nghiệm tích lũy ở một số quốc gia vào nỗ lực phân tích ADN và tìm kiếm hài cốt quân nhân mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam.
Mỹ có trách nhiệm với tình trạng biến đổi khí hậu
Trả lời Tuổi Trẻ Online về các lĩnh vực mà USAID sẽ ưu tiên hỗ trợ cho Việt Nam trong thời gian tới, bà Power cho rằng không nên tách bạch một lĩnh vực cụ thể nào.
Các lĩnh vực đều có sự đan xen vào nhau, ví dụ vấn đề nóng lên toàn cầu không chỉ đòi hỏi các nỗ lực tăng sức chống chịu cho nông dân mà còn phải chú ý cả vấn đề y tế.
Bà giải thích khi nhiệt độ Trái đất tăng lên làm xuất hiện thêm các mầm bệnh nên sẽ cần phải làm việc với cơ quan y tế. Để bảo vệ thiên nhiên và hướng tới các hành động có trách nhiệm thì lại cần có vai trò của ngành giáo dục.
Người đứng đầu USAID cũng cho biết Mỹ cảm thấy có trách nhiệm phải hỗ trợ các nước như Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu. Nghĩa vụ đó xuất phát từ việc Mỹ là một trong những nước phát thải nhiều nhất thế giới.
"Mỹ luôn muốn tăng cường đối thoại với phía Việt Nam để xác định xem các vị muốn ưu tiên cái gì. Từ đó chúng tôi sẽ xác định lĩnh vực hỗ trợ. Tôi nghĩ là chúng ta nên lồng ghép nhiều lĩnh vực để Việt Nam có được sự hỗ trợ toàn diện nhất và tốt nhất", tổng giám đốc USAID gợi ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận