Đài phun nước ở trung tâm vườn hoa Diên Hồng hiện đang trong tình trạng “thân quấn dây thép, đế phủ cây dại” - Ảnh: H.QUÂN
Một người dân (hay tập thể dục tại vườn hoa) chia sẻ: "Nhà chức trách phải có sự quan tâm đến khu vườn hoa Diên Hồng này. Đây là vườn hoa vui chơi của bà con. Bao nhiêu năm tượng đài vẫn quây sắt thép không là đổ ngay, vừa mất mỹ quan vừa nguy hiểm".
Thân bị quấn dây thép, đế bị phủ cây dại
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đài phun nước tại vườn hoa Con Cóc đang bị xuống cấp nghiêm trọng, buộc đơn vị quản lý phải neo dây thép quanh cột đá.
Một số vị trí trên mái của trụ đá xuất hiện các khe nứt nhỏ, các đai thép quấn xung quanh hoen gỉ làm mất đi vẻ uy nghiêm vốn có của công trình. Ngoài ra, phần chân đế đài phun nước Con Cóc nay bị cây dại len lỏi, bám chặt, xuất hiện các vết nứt gây nguy hại đến kết cấu công trình.
Bác N.V.T. (phường Tràng Tiền) cảm thán: "Thân thì bị quấn dây thép, đế thì phủ cây dại" và bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng sẽ trùng tu tượng đài Con Cóc cho đẹp đẽ, sạch sẽ trở lại.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - ủy viên thường vụ ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội - cho biết: "Đây là công trình vốn nguyên gốc, chưa có một yếu tố ngoại lai nào nên việc duy tu, bảo vệ là rất khả thi và rất cần thiết.
Hiện tại, công trình hư hỏng là do cây mọc từ trong kẽ các viên đá ốp gây nứt vỡ và xô lệch vị trí. Các cơ quan quản lý đã dùng đai thép để giữ lại, tránh nguy hiểm, đây là việc làm cần thiết nhưng chưa triệt để".
Để bảo tồn, phát huy giá trị của các công trình như đài phun nước trong vườn hoa Diên Hồng, theo kiến trúc sư Ánh, việc duy tu sửa chữa được tiến hành thường xuyên (thậm chí hằng ngày/hằng tuần) đáp ứng được nhiều mục tiêu: tạo cảnh quan đẹp, hấp dẫn và tham gia làm mát không khí.
Hà Nội cần rất nhiều những đài phun nước như thế này, từ thành phố tới tận các khu dân cư.
Đầu rồng tinh xảo và hình ảnh con cóc - “biểu tượng” cho đài phun nước - Ảnh: HỒNG QUÂN
Cải tạo tránh tổn hại đến kiến trúc nguyên bản
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh đề xuất: Chúng ta có thể đo, vẽ tỉ mỉ, sau đó dỡ ra, loại bỏ các cành rễ cây và lắp lại như cũ, tăng cường liên kết bằng các chất kết dính và thiết bị liên kết hiện đại; khảo sát bằng thiết bị đo vẽ LIDAR (Light Detection and Ranging): chiếu sáng mục tiêu đó bằng một tia lazer xung quanh và đo các xung phản xạ bằng một cảm biến để tạo mô hình số 3 chiều (3D).
Hiện tại, Việt Nam cũng đã hợp tác ứng dụng công nghệ này trong việc lập bản đồ di sản kiến trúc và thiên nhiên.
Cùng chia sẻ với nỗi lo lắng của người dân và chuyên gia, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: "Năm 2017, UBND quận Hoàn Kiếm cùng Sở Xây dựng đã có tờ trình liên ngành về chỉnh trang các vườn hoa trên địa bàn quận (13 vườn hoa) lên thành phố. Sau đó, thành phố đã có văn bản chấp thuận đề xuất của quận.
Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đang triển khai thí điểm cải tạo vườn hoa Tây Sơn, trong thời gian tiếp theo sẽ cải tạo vườn hoa Mê Linh, vườn hoa Tao Đàn... và cả vườn hoa Diên Hồng".
Sắp tới, quận Hoàn Kiếm sẽ đề nghị đơn vị có chức năng xén tỉa cây cối, chỉnh trang nền gạch, thay thế ghế ngồi... trong khuôn viên vườn hoa Diên Hồng theo cảnh quan "vườn Pháp" ngày xưa.
Quận đã nhận được đề xuất cải tạo, chỉnh trang vườn hoa Diên Hồng bằng nguồn xã hội hóa bên cạnh phương án sử dụng ngân sách của địa phương.
Tuy nhiên, "việc trùng tu toàn diện đài phun nước 120 năm tuổi ở trung tâm vườn hoa thì phải thận trọng, không vội vàng, xin ý kiến cơ quan chuyên môn để tránh tổn hại đến kiến trúc nguyên bản" - phía UBND quận Hoàn Kiếm cho biết thêm.
Công trình có giá trị về kiến trúc
Đài phun nước được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1901. Công trình này còn là một công trình có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và có giá trị lịch sử, đánh dấu một giai đoạn phát triển nghệ thuật quy hoạch đô thị/thiết kế kiến trúc cảnh quan của Hà Nội đầu thế kỷ 20.
Đài phun nước là một thành phần không thể tách rời trong quần thể các công trình kiến trúc quanh khu vực đã được thiết kế quy hoạch, kiến trúc cảnh quan và kiến trúc công trình tại vị trí rất quan trọng của Hà Nội từ đầu thế kỷ 20 nay gọi tên mới là nhà khách Chính phủ, khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Ngân hàng Nhà nước, cơ quan Tổng liên đoàn Lao động Hà Nội...
Những công trình này được bảo vệ, duy tu khá tốt so với nguyên trạng, tạo nên một cảnh quan kiến trúc lịch lãm, sang trọng...
(Theo nghiên cứu của kiến trúc sư Trần Huy Ánh)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận