28/09/2021 21:01 GMT+7

'Đại nạn' tranh Đông Dương giả tràn ngập sàn đấu giá, giải quyết được không?

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Sotheby's Hongkong sắp đấu giá bức bình phong ‘tương đương với’ tác phẩm ‘Nhà tranh gốc mít’ của Nguyễn Văn Tỵ đang bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Lập tức con gái của họa sĩ lên tiếng khẳng định bức bình phong không phải của cha mình.

Đại nạn tranh Đông Dương giả tràn ngập sàn đấu giá, giải quyết được không? - Ảnh 1.

Bức bình phong được gọi là "tương đương với" bức sơn mài Nhà tranh gốc mít của Nguyễn Văn Tỵ đang ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sắp được Sotheby's đấu giá - Ảnh: Sotheby's

"Không có một tí nào của bố tôi"

Trong phiên đấu giá ngày 10-10 tới đây, nhà đấu giá Sotheby's Hongkong bày bán nhiều tác phẩm Đông Dương, trong đó có bình phong sơn mài trên gỗ Nhà tranh gốc mít vẽ năm 1957 (tên tiếng Pháp là L'image traditionnelle d'une maison de paysan) của Nguyễn Văn Tỵ, khổ 90 x 118,5cm. Giá dự toán 700.00 - 1.000.000 đôla Hongkong.

Trong phần ghi chú, nhà đấu giá này có đề "Bức này tương đương với bức Nhà tranh gốc mít (1958) của Nguyễn Văn Tỵ đang bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội (nguyên văn tiếng Anh: "This work is comparable to L'image traditionnelle d'une maison de paysan (1958) by Nguyen Van Ty at the Musee des Beaux-Arts in Hanoi").

Giám tuyển người Việt Ace Lê từ Singapore cho biết cá nhân ông không hiểu Sotheby's có ý gì khi dùng cụm từ "tương đương với" ("comparable to").

"Đây là lần đầu tiên tôi thấy từ này nên thấy rất lạ. Nếu là hai tác phẩm giống nhau của cùng một tác giả, thì phải có bằng chứng rõ ràng hơn việc đơn thuần ghi là "tương đương với". Trong trường hợp này, việc nhà đấu giá không liên lạc với người thân cố họa sĩ là một thiếu sót rất lớn", ông Ace Lê chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.

Họa sĩ Nguyễn Bình Minh - con gái của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, nguyên phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - khẳng định với Tuổi Trẻ Online cha mình chỉ sáng tác một bức sơn mài Nhà tranh gốc mít (kích cỡ 67 x 105cm). Bức sơn mài này từng bày ở Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958. Năm 1960 thì chuyển giao về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Thông tin này được giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh xác nhận cùng Tuổi Trẻ Online. Với tác phẩm này, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000.

Đại nạn tranh Đông Dương giả tràn ngập sàn đấu giá, giải quyết được không? - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Bình Minh khẳng định cha bà là họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ chỉ vẽ một bức sơn mài Nhà tranh gốc mít đang bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh: Tạp chí Mỹ thuật

Về nghi vấn liệu họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ có vẽ 2 tác phẩm cùng một chủ đề, con gái họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương (khóa XI) này khẳng định: "Gia đình chưa bao giờ thấy bức bình phong Nhà tranh gốc mít nào cả, đó (bức bình phong sắp được Sotheby’s đấu giá - PV) là đồ rởm, đồ nhái".

Bà Bình Minh nói thêm về bút pháp nghệ thuật thì bức bình phong "không có một tí nào của bố tôi, mà là của người không biết gì về hội họa làm".

Giám tuyển Ace Lê cũng khẳng định bức bình phong mà Sotheby’s sắp đấu giá so với bức sơn mài của Nguyễn Văn Tỵ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có bút pháp khác nhau hoàn toàn, chưa kể màu sắc. "Hỏi 10 họa sĩ gạo cội thì có đến 9 người lắc đầu bảo là hai bút pháp khác hẳn nhau, thì độ nghi vấn là rất rất lớn", ông Ace Lê nói.

Đại nạn tranh Đông Dương giả tràn ngập sàn đấu giá, giải quyết được không? - Ảnh 3.

Bức tranh được cho là của Mai Trung Thứ, sắp được nhà đấu giá Tajan ở Paris đấu giá ngày 13-10 cũng đang bị một số người phản ảnh là tranh giả - Ảnh trên Tajan

"Đại nạn" tranh Đông Dương giả tràn ngập sàn đấu giá

Thông tin về việc Sotheby's Hongkong - một nhà đấu giá có tiếng - lại sắp đấu giá một tác phẩm "giả", "nhái" khiến các họa sĩ Việt Nam bất bình và ngán ngẩm bởi đây không phải lần đầu tiên và không phải là trường hợp hiếm, mà đã thành "đại nạn tranh Đông Dương giả tràn ngập trong các sàn đấu giá".

Cùng với bình phong Nhà tranh gốc mít mà Sotheby’s sắp đấu giá thì các họa sĩ, giám tuyển Việt Nam còn đưa ra nhiều nghi vấn đấu giá tranh giả của Bùi Xuân Phái, Lê Phổ trong các phiên ngày 16-10 của nhà đấu giá Lynda Trouve (Pháp), hay bức vẽ cô gái cho chim ăn của Mai Trung Thứ sẽ được nhà đấu giá Tajan ở Paris đấu giá ngày 13-10.

Nhà phê bình và nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân khi nghe thông tin về việc đấu giá bình phong "tương đương với" bức Nhà tranh gốc mít của Nguyễn Văn Tỵ thì ngao ngán bình luận đây là "câu chuyện nhàm chán thường ngày của những nhà đấu giá".

Đại nạn tranh Đông Dương giả tràn ngập sàn đấu giá, giải quyết được không? - Ảnh 4.

"Đại nạn" tranh Đông Dương giả đã khiến họa sĩ Lê Kinh Tài vẽ bức châm biếm này - Ảnh: Họa sĩ Lê Kinh Tài

Họa sĩ Lê Kinh Tài gần đây thể hiện quan điểm mạnh mẽ về vấn nạn tranh Đông Dương giả được bán tràn ngập trong các phiên đấu giá bằng bức tranh châm biếm có tên Bìa tạp chí Tranh Đông Dương pha-ke.

Họa sĩ hài hước giải thích tạp chí Tranh Đông Dương pha-ke "bất đắc dĩ phải ra đời, vì đại nạn tranh Đông Dương giả tràn ngập trong các sàn đấu giá nhiều quá trời quá đất rồi".

Về vấn nạn tranh Đông Dương giả, Ace Lê cho biết nó có từ lâu, có lẽ khoảng cuối những năm 1990, khi tranh Đông Dương bắt đầu có giá nên có những đường dây làm giả từ đó, chứ không phải gần đây mới nhiều như vậy. Chỉ là trước đây nhiều người cũng biết hoặc nhận ra nhưng chưa lên tiếng đồng loạt như hiện nay.

Theo ông Ace Lê, đã đến lúc Việt Nam phải quyết liệt hơn, từ cả khía cạnh dư luận, truyền thông và luật pháp, để chấm dứt nạn tranh giả gây hại rất lớn cho hội họa Việt Nam.

Hiện khung luật trong nước vẫn yếu, đồng thời hầu hết tranh giả đấu giá ở thị trường quốc tế nên phải chiếu theo luật nước sở tại, khiến nhà sưu tập có mua phải đồ giả cũng khó mà biết kêu ai. Cho nên cách hiệu quả hiện nay là chia sẻ thông tin với nhau, lên tiếng tẩy chay thật mạnh những trường hợp như vậy.

Về lâu dài thì cần xây dựng những trung tâm thẩm định uy tín trong và ngoài nước để có tiếng nói khách quan, công minh.

Ông Ace Lê cũng có lời kêu gọi mở đến các nhà đấu giá quốc tế "hãy ngưng việc thuê "chuyên gia" vô đạo đức và kém chuyên môn về văn hóa Việt" và ông gọi thẳng cái tên Jean-Francois Hubert.

anh-1-1569120615773791036750

Bức tranh lụa Lá thư được nhà đấu giá Sotheby's Hongkong cho là tác phẩm của danh họa Tô Ngọc Vân, nhưng sau đó đã phải gỡ khỏi trang đấu giá hồi tháng 9-2019 - Ảnh: SOTHEBY'S

Sàn đấu giá quốc tế từng gỡ nhiều tranh Đông Dương giả

Tháng 9-2019, sau dư luận từ giới hội họa Việt Nam, Sotheby's gỡ khỏi trang web của họ 2 bức tranh được cho là tác phẩm Lá thư của Tô Ngọc Vân và Hai cô gái của Trần Văn Cẩn mà nhà đấu giá này dự định đấu giá.

Giữa tháng 7-2020, sau khi nhận được phản hồi về các nghi vấn tranh giả gắn tên một số danh họa Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, nhà đấu giá Tajan (Pháp) gỡ bỏ 5/6 bức tranh dự kiến đưa vào phiên đấu giá ngày 21-7.

Và mới nhất, theo tin từ họa sĩ Lê Huy Tiếp - người mà ngày 25-9 đã phản ánh trên trang Facebook cá nhân và qua bạn bè ở Pháp mối nghi ngờ việc nhà đấu giá Lynda Trouve (Pháp) trong phiên đấu giá ngày 16-10 tới đây có đưa lên đấu giá nhiều tác phẩm giả Bùi Xuân Phái và Lê Phổ - thì nhà đấu giá này vài ngày trước đã rút 3 bức tranh “giả” Bùi Xuân Phái. Họ vẫn để lại một số bức tranh khác bao gồm cả bức được các họa sĩ Việt cho là giả tranh Lê Phổ trên trang web, nhưng cho biết sẽ không đấu giá những bức này.

'Thời kỳ tranh giả, tranh rởm Việt Nam bùng nổ'?

TTO - Hai bức tranh Lá thư của danh họa Tô Ngọc Vân và Hai cô gái của danh họa Trần Văn Cẩn vừa được Sotheby’s Hong Kong đấu giá bị nghi ngờ tranh giả vì Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới là nơi giữ hai tác phẩm này...

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp