Xiao Hui, một người bán trầu lâu năm ở Đài Bắc, têm trầu chuẩn bị cho khách - Ảnh: CNN |
Ngày xưa, một nụ cười khoe hàm răng đen xỉn vì trầu được xem là biểu tượng của cái đẹp tại Đài Loan, còn bây giờ, giới trẻ hầu như không ai lấy đó làm chuẩn mực cho cái đẹp nữa.
Đài CNN ngày 6-9 cho biết chính quyền Đài Bắc cố gắng hạn chế và tiến đến thói quen truyền thống này bởi những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nhiều nghiên cứu y khoa đã cho thấy nhai trầu có khả năng gây ung thư cao.
Thói quen chết người
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có đến gần 1/10 dân số thế giới đang nhấm nháp trầu cau, tức chỉ đứng sau thuốc lá, rượu và thức uống chứa caffeine. Vấn đề là hạt cau có chất hướng thần gây tác động đến hệ thần kinh.
Vì lẽ đó món trầu cau mang đến cảm giác kích thích ngang với một ly cafe espresso đậm đặc hoặc, một theo như một số người, nó cũng phê như... chơi thuốc lắc!
Tuy nhiên, có một vấn đề khác nghiêm trọng là việc nhai cầu có thể gây bệnh ung thư miệng.
Chất arecaidine và arecoline trong hạt cau là những chất gây ung thư - Ảnh: CNN |
Tháng 11 năm ngoái, Thời báo Đài Bắc đưa tin Cục Y tế kêu gọi người dân tránh nhai trầu và những người ăn trầu nên đi kiểm tra sức khỏe vùng miệng 2 năm 1 lần, bởi vì hoạt chất arecaidine và arecoline trong hạt cau là những chất gây ung thư.
Dù nhiều người cho rằng đó chỉ lá trầu là có hại, nhưng Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) đã khẳng định bản thân hạt cau là một chất gây ung thư.
"Nhiều người làm việc ngoài trời như công nhân xây dựng, tài xế xe đường dài hoặc ngư dân nói họ cảm giác có thêm năng lượng từ việc nhai trầu. Đồng thời, trầu cau còn giúp họ giữ ấm và không thấy khát nước". |
Hahn Liang-Jiunn, chủ tịch Liên minh Kiểm soát Trầu cau và Ngăn ngừa Ung thư miệng |
Trong khi đó, số liệu thống kê trên 10 nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong do ung thư năm 2014 của Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan cũng cho thấy tỷ lệ ung thư miệng ở nam giới tại Đài Trung đứng thứ 4 nước này.
Các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng nhai trầu là nguyên nhân chính gây ung thư miệng khi 9/10 bệnh nhân ung thư miệng đều có thói quen nhai trầu.
Trước đó, theo thống kê của Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan năm 2012, những người thường xuyên nhai trầu có tỷ lệ mắc bệnh ung thư miệng cao hơn người khác đến 28 lần.
Số liệu thống kê cũng cho thấy hơn 5.700 người Đài Loan được chẩn đoán mắc bệnh ung thư miệng mỗi năm và 2.300 người trong số đó chết bởi căn bệnh này.
Biện pháp mạnh
Từ năm 2014, bất kì ai bị bắt gặp phun bã trầu ở nơi công cộng tại thành phố Đài Bắc sẽ bị phạt từ 1.200 Đài tệ 6.000 Đài tệ (hơn 800.000 VNĐ - 4 triệu VNĐ) và buộc tham gia các lớp cai nghiện.
Những người không tham gia các lớp này sẽ bị phạt từ 5000 Đài tệ đến 300.000 Đài tệ, theo Thời báo Đài Bắc.
Ngoài ra, Đài Loan cũng khuyến khích nông dân địa phương thay đổi cây trồng và cắt giảm nguồn cung trầu.
Khoảng 4.800 hecta đất canh tác trồng trầu dự kiến sẽ được hướng đến trồng các loại cây khác như trà, cây họ cam quýt hoặc xoài.
Những nỗ lực từ phía chính quyền đến nay đã mang lại một số tín hiệu tích cực.
“Cách đây 10 năm, khi tôi làm việc trong 1 nhà máy, tôi thường nhai trầu vì ai cũng nhai cả. Nhưng khi chuyển đến Đài Bắc mới thấy hầu như chẳng ai trong số bạn bè của tôi nhai trầu cả. Tôi sẽ không bao giờ đụng vô món đó nữa. Vừa nguy hiểm vừa nhìn chả đẹp chút nào”. |
Một cư dân Đài Loan xưng tên Hippo |
Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan, từ năm 2007 đến 2013, tỷ lệ nam giới trưởng thành nhai trầu ở nước này đã giảm 45%, còn khoảng 950.000 người trong tổng dân gần 24 triệu người.
Xiao Hui, một người bán trầu lâu năm ở Đài Bắc, cho biết không muốn con cái mình sau này nhai trầu vì nó có hại cho sức khỏe.
“Và tôi cũng không muốn chúng làm công việc bán trầu bởi vì đó không phải là một công việc tốt", cô nói.
Ở Đài Loan còn có các gian hàng cửa kính trong suốt làm nổi bật lên hình ảnh các cô gái trẻ ăn mặc hở hang bán trầu cho cánh tài xế hay lao động nam. Loại hình kinh doanh này khá phổ biến dọc theo nhiều đường phố và đường cao tốc ở Đài Loan.
"Chân dài" bán trầu ở Đài Loan - Ảnh: CNN |
“Bạn càng đẹp thì càng bán được nhiều tiền”, Ling Ling, một cô gái trong nghề, cho biết. “Đó là lí do tôi ăn mặc như thế này”.
Theo CNN, không chỉ Đài Loan, một số nước ở châu Á cũng tiến hành dẹp bỏ thói quen nhai trầu. Tháng 5-2016, chính phủ Myanmar ban lệnh cấm người lao động nhai trầu trong giờ làm việc, đồng thời phát động chiến dịch dẹp các hàng trầu ở nơi công cộng, bao gồm cả những điểm du lịch nổi tiếng. Tháng 8 năm nay, cảnh sát Papua New Guinea cũng thiết lập những rào chắn để kiểm tra xem người điều khiển phương tiện giao thông có đang nhai trầu hay không. Nếu bị bắt, tiền phạt có thể lên đến 155 USD. Những người bị bắt gặp nhai trầu ở nơi công cộng tại Papua New Guinea cũng sẽ bị phạt tiền. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận