23/09/2017 11:34 GMT+7

Đài Loan - Những điều trông thấy - Kỳ 3: Rác và nhạc Beethoven

TTO - Từ Cao đẳng tư thục Đông Phương thiết kế học viện (Cao Hùng), chúng tôi đi qua một khu dân cư nằm ngay bên hông trường.

Đài Loan - Những điều trông thấy - Kỳ 3: Rác và nhạc Beethoven - Ảnh 1.

Cảnh người dân đi đổ rác - Ảnh: D.TRƯỜNG

Bỗng nghe thấy nhạc hiệu phát ra từ một chiếc xe tải chuyên dụng và chứng kiến được cảnh bà con xứ này đi... đổ rác!

Hỏi ra mới biết tất cả các xe đổ rác ở mọi địa phương, dù do nhiều công ty tư nhân trúng thầu, đều phải đồng phục một màu vàng pha cam đặc hiệu, đều có đèn xoay nhấp nháy kiểu xe cảnh sát và có loa phát cùng một loại nhạc hiệu. 

Giai điệu đó trích từ nhạc phẩm Fur Elise (Thư gửi Elise) của Beethoven hoặc Maiden’s Prayer (Lời nguyện cầu của nàng trinh nữ) của nữ nhạc sĩ Tekla Badarzewska - Baranowska do địa phương tự chọn.

Nhưng vì sao phải "huy động" đến thiên tài Beethoven? Nghe là ông Từ Tử Thu, bộ trưởng y tế 1981-1986, đã quyết định chọn đoạn nhạc này là do đã nghe con gái ông tấu bản nhạc ấy trên phím đàn piano. 

Vấn đề là bây giờ nó đã trở thành quen thuộc với mọi người, như một thứ "kẻng" báo hiệu thời điểm đổ rác tại từng khu dân cư vào buổi chiều tối.

Từng bị xem là "thiên đường... rác", Đài Loan đã nhanh chóng trở thành nơi có tỉ lệ tái chế rất cao. Đến tháng 4-2016, Đài Loan đạt mức tái chế 55%, trong đó Tân Bắc đạt tỉ lệ 63,5%, còn Đài Bắc đến 67% (trong khi tại Mỹ, theo tạp chí Forbes, thời điểm cao nhất chỉ có 35%).


Đài Loan - Những điều trông thấy - Kỳ 3: Rác và nhạc Beethoven - Ảnh 3.

Một xe chở rác tại Đài Loan - Ảnh: D.Trường

Phân rác tại nhà, trao rác tận xe

Việc phân loại rác đã trở thành "chuẩn không cần chỉnh" trên xứ đảo Đông Á này. Đến nỗi, bà con VN có người khi sang đây giảng dạy và nghiên cứu, đã từng bị đồng nghiệp Đài Loan thắc mắc: "Trời, chị là dân nghiên cứu mà không biết phân loại rác à?".

Mọi thứ rác đều phải phân thành ba loại, một túi để đựng rác có thể tái chế (giấy vụn, báo cũ, chai nhựa, lọ thủy tinh...), một túi là những rác không tái chế, và một xô là thức ăn thừa hay còn gọi là rác nhà bếp. 

Hộp cơm nếu còn dầu mỡ phải dùng nước rửa chén rửa sạch, sau đó để khô rồi mới quăng vào túi rác.

Xe rác thường có dòng chữ: "Không phân loại rác, không được vứt rác". Khi xe rác đến, túi rác tái chế bạn đưa tận tay cho nhân viên vệ sinh (có khi là một xe thu gom rác tái chế riêng, đi theo sau chiếc xe màu vàng), rác không tái chế bạn trực tiếp vứt vào xe, còn xô thức ăn thừa thì bạn đổ vào thùng đựng rác nhà bếp phía sau xe rác, rồi cầm về cái xô của mình. 

Nếu bạn không tuân theo quy định đổ rác, tức theo "công thức" ba loại rác - ba cách đổ như trên, bạn có thể bị nhân viên vệ sinh la mắng trước mặt bà con dân phố.

Mỗi khu dân cư có một thời điểm thu gom rác cố định tại một địa điểm cố định. Có cả ứng dụng trên điện thoại di động để báo giờ đổ rác. 

Mọi người sẽ tập trung tại đây chờ... giờ G. Những gia đình neo đơn, người già, người bệnh, sẽ có các tình nguyện viên đến giúp chuyển rác. 

Khi xe rác đến, rác sẽ đi thẳng từ hộ gia đình đến xe rác rồi về nơi xử lý. Do đó không có chỗ cho rác chất thành đống, tích thành bãi trên lề đường, bên góc phố hay khu đất trống như ở VN. Và cũng không có chuyện bốc mùi, chuyện ruồi bu kiến đậu, chuyện chuột chạy chó tha... 

Riêng những thứ rác khủng như bàn ghế tủ giường hư cũ, cây cành cắt tỉa ngoài vườn... thì phải báo cơ quan môi trường hoặc các công ty được chỉ định đến xử lý.

Đừng ảo tưởng bạn có thể len lén đi đêm đổ rác mà không bị phát hiện. Nhà chức trách luôn có cách truy tìm thủ phạm, nếu bị bắt quả tang sẽ bị quay phim và... lên sóng truyền hình, thậm chí có thể bị phạt tiền đến 6.000 đài tệ (hơn 4 triệu VND)!

Đài Loan - Những điều trông thấy - Kỳ 3: Rác và nhạc Beethoven - Ảnh 4.

Tại các nhà hàng, quán ăn ở Đài Loan thường có chỗ để thực khách bỏ riêng chén đĩa muỗng nĩa đã dùng xong và thức ăn thừa để tái chế - Ảnh: D.Trường

Không có gì là vứt đi

Từ năm 1991, Đài Loan đã xử lý chất thải rắn bằng lò đốt rác thay dần cho phương thức chôn lấp. Hiện có 26 lò đốt rác (năm cái của tư nhân, còn lại là của nhà nước) xử lý rác gia đình và rác công nghiệp. 

Những lò đốt này biến rác thành năng lượng và cung cấp cho các nhà máy điện năng.

Rác thái hữu cơ như khoai đậu, rau cải chưa nấu chín... sẽ được thu gom và giải quyết thành phân bón vi sinh. 

Và đồ ăn thừa ở đây không còn là thừa nữa. Từ hộ gia đình, từ nhà hàng khách sạn, chúng được chuyển về các trung tâm... chế biến. 

Hết thảy cơm thừa, canh cặn, xương vụn, thịt dư hoặc đồ ăn quá hạn phải bỏ đi, được người ta trộn đều, nấu lên 900C trong vòng một giờ rồi sát khuẩn trước khi bán cho các hộ gia đình và các công ty chăn nuôi. 

Trong giá thành nuôi heo, thức ăn chiếm đến 60 - 70%, người chăn nuôi sử dụng thức ăn thừa thì tiết kiệm 30 - 50% chi phí.

 Thật là nhất cử lưỡng tiện: vừa tránh lãng phí, vừa cung cấp nguồn thịt heo sạch. Nghe nói chuyện này chính người Đài học hỏi từ cách làm của người Nhật.

Danh mục rác tái chế ở Đài Loan có đến 14 loại từ giấy, nhựa, thủy tinh, kim loại, đến pin, bóng đèn, băng đĩa, xe máy, đồ điện máy, linh kiện điện thoại, linh kiện máy tính... với những quy định "hướng dẫn chuẩn bị trước khi bỏ" rất là chi tiết, cụ thể...

Đài Loan - những điều trong thấy - Kỳ 2: Những cửa hàng tiện lợi Đài Loan - Những điều trông thấy - Kỳ 1: Nhập môn... thành phố đảo Du lịch Đài Loan chỉ 8,499 triệu đồng

Để khuyến khích người dân phân loại rác nhằm tái chế, chính quyền Đài Bắc, Tân Bắc, Đài Trung buộc mọi người phải trả tiền mua các túi riêng để đựng rác không tái chế khi vứt vào xe rác. 

Nghĩa là nếu anh không phân loại cho hết rác tái chế, anh phải tốn nhiều túi (tức tốn thêm tiền) khi đổ rác. 

Đồng thời nhà nước còn quy định các doanh nghiệp ở ngành nào phải đóng góp vào quỹ hỗ trợ việc tái chế các vật liệu của ngành đó.

Ngay cả các tổ chức tình nguyện cũng góp mặt trong câu chuyện này. Có một tổ chức của phật tử tên là Từ Tế, đã lập ra đến hơn 4.500 điểm xử lý rác tái chế cùng một lực lượng tình nguyện viên hùng hậu. 

Mỗi buổi sáng, hàng trăm người về hưu cùng tham gia phân loại rác theo chất liệu, màu sắc và khả năng tái chế: giấy báo có mực in tách riêng ra với giấy vụn, nắp chai tách khỏi thân chai, đồ nhựa xếp theo từng màu, linh kiện điện tử xếp theo từng loại...

Xem ra, chuyện rác "made in Taiwan" đã thành công khi "nối vòng tay lớn" từ người dân đến các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cùng chung tay bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên.

>> Kỳ cuối: Xã hội tình nguyện

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp