Một cửa hàng ở phố Shennong ở
Tôi chọn cách đi bộ và khám phá Đài Nam, thấy những điểm hay thì dừng lại, thấy con hẻm nhỏ thì vào sâu bên trong xem người dân sống ra sao, thấy tiệm ăn ngon thì tấp vào, đôi lúc phải xếp hàng rất lâu, lúc thì cầm trên tay một ly trà sữa, tạt vào những cửa hàng có những món hàng thiết kế độc đáo.
Tôi chọn ở trong một khu co-working space, kết hợp lab cà phê và lưu trú, ngay bên cạnh Blueprint Culture & Creative Park. Mô hình công viên văn hóa và sáng tạo như Blueprint rất phổ biến ở Đài Loan. Đài Bắc có Huashan 1914 Creative Park, Đài Trung có Zhongxing First Lane, Cao Hùng có Kaohsiung’s Pier-2 Art Center.
Du khách đến với Blueprint Culture & Creative Park có thể chỉ để lang thang chụp hình, mua vài món đồ lưu niệm hay thụ hưởng văn hóa.
Khi hàng loạt bức tường graffiti bị bỏ ở phố Haian khiến người dân thất vọng, chính quyền Đài Nam đã phối hợp với các nghệ sĩ cải tạo một khu ký túc xá cũ kỹ có từ thời Nhật để dựng nên nơi này.
Một bức vẽ trên tường ở Blueprint
Giờ đây, khu ký túc xá đã trở thành tổ hợp những tác phẩm nghệ thuật công cộng, nơi chụp hình tự sướng, nơi bán hàng lưu niệm, các thiết kế ứng dụng của nghệ sĩ trẻ. Nhỏ bé mà xinh xắn, mỗi góc là một góc chụp đẹp, vào mỗi shop là thấy những món đồ thiết kế độc đáo. Trên tầng thượng có một góc sân phản chiếu và hội tụ ánh sáng kỳ ảo của ban chiều.
Vào ban đêm, điểm nhấn của công trình là tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, sử dụng các thủ thuật trong phối cảnh và các đường có hoa văn xanh và trắng trên nền tường xanh và cây xanh để tạo một không gian 3D độc đáo.
Đài Nam nhỏ bé xinh xinh nhưng lại dễ thương hơn bởi Blueprint!
Bên trong tổ hợp Blueprint
Một cửa hàng ở Blueprint
Trong con đường từ Blueprint đến chợ đêm Garden Night, tôi vô tình tìm thấy đường Shennong Street, khu phố cổ được bảo tồn để trở thành khu hàng quán, cà phê, galerie, cửa hàng lưu niệm. Đây từng là con phố nhộn nhịp, nơi các thương nhân vào các cảng sông quan trọng. Các cửa hàng thắp đèn lồng đỏ khiến tôi tưởng đây là một Hội An thủ nhỏ.
Phố Shennong
Tiếp tục hành trình khám phá các công viên văn hóa, tôi đến Kaohsiung’s Pier-2 Art Center ngay khi đến Cao Hùng, một thành phố công nghiệp cũ kỹ và tưởng như nhàm chán với vẻ bề ngoài của thành phố. Vốn là khu nhà kho đặt gần ga tàu cũ, chính quyền Cao Hùng đã cải tạo lại để thành khu tổ hợp các tác phẩm nghệ thuật công cộng, các tiệm cà phê, các mặt hàng thiết kế, chợ trời cuối tuần...
Các gia đình nằm cắm trại trên cỏ, trẻ con chạy tung tăng, các cặp đôi khoác tay nhau vào ăn buổi trưa muộn, đám trẻ thì chụp hình tự sướng, du khách thì xếp hàng để mua bánh dứa Sunny Hills ngon thần thánh...
Một tác phẩm sắp đặt ở Cao Hùng Pier
Với hệ thống giao thông công cộng thuận tiện, đặc biệt là hệ thống đường sắt cao tốc nối các thành phố lớn trong vài tiếng đồng hồ, Đài Loan đã xây dựng các bảo tàng quan trọng ở các phố nhỏ hơn mà không tập trung tất cả ở Đài Bắc.
Bảo tàng nghệ thuật, nơi tập hợp các tác phẩm kinh điển và hiện đại của các họa sĩ địa phương, Bảo tàng Khoa học tự nhiên nằm ở Đài Trung, cách Đài Bắc 40 phút di chuyển bằng đường sắt cao tốc.
Tôi đã chứng kiến các em học sinh tiểu học và cô giáo đón tàu từ Đài Bắc để tham quan mô hình khủng long, các mẫu vật về giống loài bản địa. Trong khi đó, bảo tàng Chimei về nghệ thuật thế giới lại được đặt ở Đài Nam và sân vận động lớn nhất được đặt ở Cao Hùng.
Cách chính quyền Đài Loan quy hoạch các công trình văn hóa, cách người Đài Loan thụ hưởng văn hóa và nghệ thuật khiến tôi ngưỡng mộ, biến một vùng đất thú vị về thiên nhiên ẩm thực và văn hóa trở nên đáng yêu hơn nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận