Đài Loan vừa công bố các quy định nhằm siết chặt việc kiểm soát đầu tư từ Trung Quốc vào hòn đảo này - Ảnh: NIKKEI ASIAN REVIEW
Đài Bắc sẽ tiếp nhận ý kiến của công chúng về các quy định mới trong vòng 60 ngày, bắt đầu từ ngày 20-8. Những quy định này được đặt ra nhằm kiểm soát ảnh hưởng của các nhà đầu tư Trung Quốc khi một công ty nước ngoài có ý định đổ tiền vào kinh doanh ở Đài Loan, theo Nikkei Asian Review.
"Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu đang tiến hành kiểm tra các khoản đầu tư từ nước ngoài. Chúng tôi cũng chọn cách tiếp cận tương tự", ông Su Chi-yen, người phát ngôn thuộc Cơ quan quản lý đầu tư của Đài Loan, cho biết.
Theo ông này, Đài Bắc sẽ không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra ban giám đốc của doanh nghiệp ngoại muốn đầu tư vào đây, mà còn "điều tra xem liệu có một nhóm nắm quyền quyết định ở công ty đó hay không, và các nhà đầu tư Trung Quốc có mặt trong nhóm này hay không".
"Nếu các nhà đầu tư Trung Quốc mới thật sự có ảnh hưởng tới công ty, chúng tôi sẽ xem doanh nghiệp đó là hãng Trung Quốc, ngay cả khi họ đăng ký là một doanh nghiệp ngoại quốc", ông Su nói thêm.
Đài Loan đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt, chỉ cho phép nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu 30% các công ty Đài Loan thuộc những lĩnh vực như vật liệu bán dẫn, linh kiện điện tử và năng lượng mặt trời. Kế hoạch đầu tư vào những lĩnh vực trên cũng buộc phải được kiểm tra tùy theo từng trường hợp.
Dù vậy, những quy định mới sẽ đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư Trung Quốc bị cấm, thông qua bên thứ 3, thâu tóm cổ phần gián tiếp tại công ty công nghệ nhạy cảm tại Đài Loan. Các quy định này sự tính sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay và không hồi tố.
Ông Su cho biết chính quyền Đài Bắc cũng sẽ xem xét nhà đầu tư đứng đằng sau các công ty Hong Kong và Macau.
Giữa bối cảnh cuộc đối đầu trong lĩnh vực công nghệ giữa Bắc Kinh và Washington đang leo thang, Nikkei Asian Review nhận định Đài Loan đã chọn cách tiến lại gần hơn với Mỹ. Diễn biến này trở nên rõ rệt hơn sau cuộc gặp của Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hồi tuần trước.
Quyết định siết chặt đầu tư được đưa ra một tháng sau khi Luxshare-ICT tuyên bố sẽ mua lại xưởng sản xuất iPhone của Hãng Wistron (Đài Loan). Luxshare-ICT là nhà cung cấp cho AirPods mới nổi của Trung Quốc, trong khi Wistron cũng là một nhà cung của Apple.
Hôm 19-8, hãng công nghệ Đài Loan Catcher Technology đã bán lại 2 nhà máy sản xuất vỏ kim loại của iPhone cho đối thủ Lens Technology của Trung Quốc, giúp các nhà cung cấp Trung Quốc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Apple.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận