Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết Việt Nam đã mời thành công hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ dự Vesak, so với 81 nước dự Vesak 2018 tại Thái Lan - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Chiều 18-4, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 tại Hà Nội.
Đại lễ với chủ đề Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 14-5, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam).
Kinh phí do tùy hỷ nhân dân đóng góp
Đại lễ năm nay do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai chủ trì, với sự phối hợp của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ (ICDV) và sự bảo trợ của Chính phủ Việt Nam.
Đến nay, hơn 1.400 đại biểu quốc tế từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đăng ký tham dự, trong đó có nhiều nhân vật cấp cao như Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký LHQ...
Tại buổi họp báo, Thượng tọa Thích Nhật Từ - phó tổng thư ký Vesak LHQ 2019 - cho biết Ban tổ chức tiếp tục phối hợp với Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ chốt thêm các nước tham gia. Dự kiến, sẽ có ít nhất 108 đến 110 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.
Thượng tọa cho biết toàn bộ kinh phí do tùy hỷ đóng góp của các tổ chức cơ sở giáo hội các cấp, và do Giáo hội đứng ra vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân.
Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc được chọn là nơi tổ chức Vesak 2019 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Dùng đạo đức nhà Phật để vực đạo đức xã hội
Ban tổ chức đã nhận được hơn 500 tham luận của các học giả trong nước và quốc tế, đóng góp cho 5 chủ đề tại hội thảo.
Với chủ đề đầu tiên: Sự lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững, - phó ban truyền thông Trung ương, trợ lý Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cho biết hiện nay đạo đức xã hội có dấu hiệu không tốt. Phật giáo muốn góp sức xây dựng nền tảng đạo đức cho xã hội, nhằm mục tiêu tạo dựng xã hội bền vững.
Với hai chủ đề Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp và Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn giải thích, hiện nay bạo lực học đường gây cảm giác nhức nhối, tỉ lệ ly hôn gia tăng, Phật giáo muốn mang đạo đức Phật giáo để hướng thiện tốt hơn cho con người.
Về chủ đề thứ 4 "Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0", Thượng tọa Thích Minh Nhẫn cho biết các đại biểu sẽ bàn chuyện ứng dụng công nghệ vào việc hoằng pháp lợi sinh.
Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ bàn luận về việc xã hội "phải sử dụng công nghệ số sao cho có chánh niệm". Phật giáo muốn đem những triết lý nhà Phật để "giúp công dân mạng tỉnh táo".
Ngoài diễn đàn, trong khuôn khổ Đại lễ Vesak, tại khu vực chùa Tam Chúc còn có các hoạt động văn hóa tâm linh, như lễ tắm Phật truyền thống; đàn lễ cầu nguyện âm siêu dương thái, quốc thái dân an, đất nước hội nhập, phát triển theo nghi lễ ba miền Bắc - Trung - Nam; đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; các triển lãm ảnh chùa di sản thế giới và Việt Nam, triển lãm cổ vật Phật giáo…
Nhân sự kiện này, Ban tổ chức cũng tài trợ 3 tour miễn phí cho các đại biểu quốc tế gồm: Tràng An - Bái Đính; Fansipan - Sapa; Yên Tử…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận