Ông Lê Khánh Hải tiếp chủ tịch LĐBĐ châu Á (AFC) Shaikh Salman Bin Ebrahim Al Khalifa năm 2017 - Ảnh: NAM KHÁNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thành viên tiểu ban nhân sự Đại hội VFF khóa 8 cho biết các khâu chuẩn bị cho đại hội đang được tiến hành.
Tuy nhiên, đến thời điểm này ứng viên duy nhất vị trí chủ tịch VFF là ông Lê Khánh Hải vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ tranh cử. Chỉ khi ông Hải hoàn thiện hồ sơ thì VFF mới có thể xin phép Bộ Nội vụ cho tổ chức Đại hội VFF khóa 8.
Trước đó, ngày 2-8, Bộ VH-TT&DL đã giới thiệu ông Lê Khánh Hải ra tranh cử chủ tịch VFF khóa 8.
Nhưng do đang giữ chức thứ trưởng Bộ VH-TT&DL nên dù được Bộ VH-TT&DL giới thiệu, ông Hải phải được đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Ban Bí thư Trung ương Đảng mới có thể chính thức ra tranh cử.
Hiện ông Hải vẫn đang phải chờ ý kiến chính thức bằng văn bản của các cơ quan cấp trên quản lý ông.
Trong khi vị trí chủ tịch VFF khóa 8 đã an bài do ông Lê Khánh Hải là ứng viên duy nhất, cuộc đua ở chiếc ghế phó chủ tịch VFF lại diễn ra khá quyết liệt.
Nếu như tại đại hội VFF khóa 6, 7 các ứng viên tranh cử phó chủ tịch tài chính đều có hồ sơ "khủng" như ông Lê Hùng Dũng, ông Đoàn Nguyên Đức thì ứng viên năm nay được đánh giá là đông nhưng chưa "chất".
Cụ thể đến ngày 7-9, có 5 ứng viên được giới thiệu ra tranh cử phó chủ tịch tài chính VFF là các ông Trần Văn Liêng (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Ca cao VN), ông Lê Văn Thành (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Động Lực), ông Nguyễn Hoài Nam (tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya VN), ông Cấn Văn Nghĩa (nguyên giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình) và ông Trần Mạnh Hùng (chủ tịch CLB Hải Phòng).
Trong số 5 ứng viên này có 3 ứng viên rất quen trong ngành thể thao là ông Nghĩa, ông Hùng và ông Thành.
Ông Cấn Văn Nghĩa vừa nghỉ hưu chức giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình vào ngày 1-9 và không có kinh nghiệm trong lĩnh vực tiếp thị tài trợ thể thao.
Ông Lê Văn Thành vừa là ông chủ của Động Lực nhưng cũng đang kiêm chức chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền VN. Dù vậy, ông Thành chưa từng được biết đến là người giỏi kiếm tiền về cho bóng chuyền VN.
Còn ông Trần Mạnh Hùng chỉ được biết là người quản lý ở CLB, chưa ai biết ông Hùng có giỏi việc đi kiếm tiền về cho bóng đá VN hay không.
Hai ứng viên còn lại thì ông Trần Văn Liêng đã công khai đề án tranh cử và tỏ rõ quyết tâm muốn đóng góp cho bóng đá VN dù còn ít người biết đến ông. Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam đang được đánh giá là ứng viên sáng giá nhất cho vị trí này bởi là doanh nhân khá có tiếng.
Chắc chắn VFF cần một doanh nhân giỏi, có khả năng kiếm tiền về cho bóng đá VN chứ không phải là một người thích chiếc ghế phó chủ tịch VFF.
Rất đông ứng viên vào các ghế phó chủ tịch
Ngoài 5 ứng viên ở vị trí phó chủ tịch tài chính, ứng viên phó chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF cũng có 4 người tranh cử là các ông Trần Quốc Tuấn (phó chủ tịch VFF khóa 7); Dương Vũ Lâm (ủy viên Ban chấp hành VFF khóa 7); Phạm Văn Tuấn (phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT); Phạm Ngọc Viễn (ủy viên Ban chấp hành VFF khóa 7).
Ở vị trí phó chủ tịch truyền thông VFF cũng có đến 5 ứng viên là các ông Cao Văn Chóng (giám đốc điều hành phụ trách truyền thông Tổng công ty Đầu tư & phát triển công nghiệp - Becamex IDC); Lương Hoàng Hưng (tổng biên tập tạp chí Sở Hữu Trí Tuệ & Sáng Tạo); Nguyễn Văn Phú (tổng biên tập báo Bóng Đá); Nguyễn Lân Trung (chủ tịch hội đồng hợp tác - phát triển Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), Phan Anh Tú (tổng thư ký LĐBĐ Hà Nội).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận