Trong 10 ngày diễn ra đại hội, đã có không ít câu chuyện bi hài như vụ VĐV đánh trọng tài, rồi trọng tài xông vào đánh HLV... Nhưng trên tất cả chính là hiệu quả chuyên môn không cao của đại hội. Trong khi đó, sự lãng phí về tiền của là những điều dễ nhìn thấy nhất khi hàng loạt công trình được xây dựng hàng ngàn tỉ đồng nhưng sau đại hội chưa biết khai thác vào việc gì. Những khán đài trống vắng khán giả vì người dân chẳng màng tới đại hội.
Xây nhà thi đấu hơn 1.000 tỉ đồng để tổ chức một môn
Nằm cách trung tâm thành phố Phủ Lý 2km, giữa đường cao tốc và quốc lộ 1A cũ, nhà thi đấu Hà Nam được quy hoạch xây dựng trên diện tích 120ha. Đây là công trình lớn nhất trong số các công trình được xây mới để tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc 2014. Nằm trơ trọi giữa đồng không, nhà thi đấu Hà Nam có sức chứa 7.500 chỗ ngồi được đầu tư kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng do trung ương và tỉnh Hà Nam cùng đóng góp.
Tuy nhiên thật lạ lùng, dù bỏ ra số tiền rất lớn nhưng trong kế hoạch tổ chức, nhà thi đấu Hà Nam chỉ được sử dụng để tổ chức thi đấu môn taekwondo. Vì để thử nghiệm cho Giải bóng chuyền các CLB châu Á dự kiến được đăng cai tại đây vào năm 2015, nhà thi đấu này được trưng dụng để tổ chức thi đấu thêm hai buổi bóng chuyền tại đại hội. Do xây dựng chưa xong nên khi Đại hội TDTT diễn ra, hàng trăm công nhân vẫn đang làm việc trong nhà thi đấu. Xung quanh khu vực này ngổn ngang đất đá, mỗi cơn gió thổi qua là bụi bay mù mịt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quốc Toản - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nam - nói đây là nhà thi đấu được tỉnh và Bộ VH-TT&DL đánh giá lớn nhất Đông Nam Á. Dự kiến đến tháng 5-2015 công trình mới hoàn thiện để đăng cai Giải bóng chuyền các CLB châu Á. Năm 2016 nhà thi đấu dự kiến là nơi tổ chức Giải bóng chuyền VTV Cup. Mặc dù to là thế nhưng chưa biết nhà thi đấu này sau Đại hội TDTT sẽ được dùng làm gì khi mọc lên một mình giữa cánh đồng, cách xa khu dân cư vài kilômet.
Ông Toản cho biết: “Nhà thi đấu Hà Nam được xây dựng ban đầu để đón lõng việc đăng cai Asiad 2019. Khi đó dự kiến đây sẽ là điểm thi đấu một số môn tại Asiad nên tỉnh quyết tâm xây dựng. Nếu VN không từ bỏ quyền đăng cai Asiad thì cạnh nhà thi đấu còn có cả khách sạn mấy sao. Mặc dù nhà thi đấu giữa cánh đồng nhưng sắp tới các trường đại học mọc lên ở hướng này, các khu đô thị của Hà Nam cũng dịch chuyển về đây. Khi đường sá xây xong, trường đại học được xây dựng thì nhà thi đấu sẽ thu hút sinh viên đến tập luyện”. Nói thì dễ nhưng viễn cảnh này còn quá xa bởi giữa hàng ngàn hecta đất xung quanh nhà thi đấu Hà Nam đến thời điểm này vẫn là công trường mù mịt bụi đất và cỏ dại.
Cũng tốn tiền không kém nhà thi đấu Hà Nam là chuyện Nam Định đầu tư 854 tỉ đồng xây nhà thi đấu đa năng, 150 tỉ đồng xây bể bơi; Thái Bình đầu tư 400 tỉ đồng xây nhà thi đấu... Dù vậy, những công trình này không biết sau đại hội sẽ khai thác ra sao. Ông Đỗ Thanh Xuân - giám đốc Sở VH-TT&DL Nam Định - cho biết các công trình này ngoài để tập luyện thi đấu thể thao, tổ chức mittinh, ca nhạc, còn được trưng dụng cho thuê tổ chức đám cưới sau đại hội.
Người dân thờ ơ với đại hội
Tốn hàng ngàn tỉ đồng xây nhà thi đấu, tổ chức đại hội nhưng khi Đại hội TDTT toàn quốc diễn ra từ ngày 6 đến 16-12 tại Nam Định và một số địa phương như Hà Nam, Hà Nội, Thái Bình... đáng buồn là hầu hết các môn thi đấu đều không có khán giả đến xem. Sân vận động Thiên Trường, nơi diễn ra thi đấu điền kinh, nằm ngay trung tâm TP Nam Định nhưng có rất ít khán giả đến sân theo dõi các cuộc thi. Ở môn điền kinh, dù chủ nhà Nam Định thi đấu xuất sắc giành 8 HCV và đứng thứ hai toàn đoàn môn này nhưng ngay cả những buổi có các VĐV Nam Định thi đấu cũng chỉ có vài khán giả đến sân.
Nhà thi đấu Trần Quốc Toản thi đấu võ, Trung tâm điện ảnh sinh viên thi đấu cử tạ, nhà thi đấu Trường cao đẳng Xây dựng đấu boxing, nhà thi đấu Hà Nam đấu taekwondo... đều chỉ là những khán đài trống vắng người xem. Duy nhất chỉ có cung thể thao Nam Định, nơi diễn ra môn bơi và bóng chuyền có một ít khán giả theo dõi các buổi thi.
Ông Phùng Đình Huyện - nhà ở phường Vị Xuyên, TP Nam Định, một trong những khán giả đến xem thi đấu môn bơi tại đại hội - chia sẻ: “Phần lớn người dân biết có đại hội thể thao tổ chức ở Nam Định nhưng ít ai quan tâm. Người đến xem ít, chủ yếu người già về hưu có thời gian. Như tôi hôm nay đến đây vì đón cháu đi học nên tranh thủ ngó nhà thi đấu mới xây thế nào chứ cũng không chủ đích đi xem thi đấu. Chỉ có bóng chuyền thì nhiều người thích nhưng các đội đánh ở đại hội yếu quá, không hay bằng Giải vô địch quốc gia nên không thu hút người xem”.
Tất cả sân vận động, nhà thi đấu diễn ra các môn thi tại đại hội đều mở cửa tự do, dán lịch thi đấu bên ngoài để người dân tiện bố trí thời gian đến xem nhưng đại hội không hút được khán giả đến theo dõi.
[box]Việc “mua - bán” VĐV diễn ra rầm rộ
Đại hội TDTT là cuộc thi để đánh giá một chu kỳ huấn luyện VĐV trong bốn năm của các địa phương, tuy nhiên việc mua bán VĐV để lấy thành tích diễn ra rầm rộ ở hầu hết các địa phương, các môn thi tạo thành tích ảo ở nhiều đơn vị.
Lý do khiến việc mua bán VĐV diễn ra dễ dàng vì điều lệ đại hội quy định việc đăng ký, chuyển nhượng VĐV rất dễ. Một VĐV chỉ cần có hợp đồng ký với đơn vị tham gia thi đấu trước ngày 1-1-2014 là được thi đấu tại đại hội. Các hợp đồng hầu hết chỉ có thời hạn đến hết đại hội, khi đại hội kết thúc các VĐV lại về địa phương cũ. Điều này gây lãng phí lớn trong công tác đầu tư của thể thao, không phản ánh đúng thực trạng đầu tư, phát triển thể thao của các đơn vị trên cả nước.
Kết thúc Đại hội TDTT toàn quốc 2014, đoàn Hà Nội đứng vị trí nhất toàn đoàn với 167 HCV, đứng thứ hai là đoàn TP.HCM với 124 HCV, đoàn Quân đội đứng thứ ba với 75 HCV. Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên (Quân đội) ghi danh là VĐV giành nhiều HCV nhất với 18 HCV, trong đó có 1 HCV đồng đội và 17 HCV cá nhân.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận