Xây dựng Hòa Bình muốn phát hành cổ phiếu để xóa nợ
Tại tờ trình về kế hoạch phát hành trái phiếu huy động vốn, hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đưa ra đề xuất cổ đông phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ.
Tổng số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành tối đa 274 triệu cổ phiếu theo ba hình thức, gồm phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ, chào bán cổ phiếu riêng lẻ đợt 1 và đợt 2. Tổng trị giá dự kiến phát hành thêm (theo mệnh giá) 2.740 tỉ đồng.
Trong đó với phương án phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ, nhà thầu này dự kiến phát hành riêng lẻ tối đa 107 triệu cổ phiếu với giá phát hành 12.000 đồng/cổ phiếu cho các chủ nợ của công ty.
Các chủ nợ mà Hòa Bình dự kiến phát hành để hoán đổi nợ chính là các nhà thầu phụ, nhà cung cấp và nhà sản xuất của tập đoàn này.
Tỉ lệ hoán đổi 1,2:1, nghĩa là mỗi 12.000 đồng nợ sẽ được hoán đổi bằng 1 cổ phiếu phổ thông Hòa Bình được phát hành thêm. Các khoản nợ sau khi hoán đổi sẽ được xóa bỏ, các chủ nợ sẽ trở thành cổ đông của tập đoàn này.
Xóa nợ bằng vật tư, giàn giáo đến cổ phiếu
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Viết Hải - chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - cho biết do khó khăn về tài chính từ các chủ đầu tư, Hòa Bình cũng gặp khó trong việc thanh toán công nợ cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp… Do đó doanh nghiệp đã áp dụng nhiều giải pháp để xóa nợ, trong đó có cả việc nhà thầu phụ có thể nhận cấn trừ các vật tư, thiết bị, giàn giáo xây dựng tồn để xóa nợ.
Ngoài ra, Hòa Bình cũng chọn phương án cấn nợ bằng cổ phiếu, chỉ riêng đến tháng 6-2023, có đến 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 650 tỉ đồng.
Với kế hoạch phát hành cổ phiếu xóa nợ lần này, nếu như giao dịch hoàn tất như kế hoạch, Hòa Bình sẽ hoán đổi được tối đa 1.284 tỉ đồng nợ.
Sau khi phát hành, giá trị các khoản nợ được hoán đổi sẽ được hạch toán để tăng vốn chủ sở hữu của Hòa Bình. Vốn điều lệ của Hòa Bình cũng tăng tương ứng với số cổ phiếu đã phát hành và khoản nợ được xóa, điều này có nghĩa Hòa Bình không còn nghĩa vụ trả các khoản nợ đã được hoán đổi bằng tiền cho chủ nợ.
Ngoài việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ, Hòa Bình còn dự kiến chào bán cổ phiếu qua hai đợt với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, đợt đầu dự kiến chào bán tối đa 120 triệu cổ phiếu và đợt sau chào bán tối đa 47 triệu cổ phiếu. Số tiền thu được từ phát hành dùng để bổ sung vốn kinh doanh cho doanh nghiệp, thanh khoản các khoản nợ.
Tuy nhiên, theo biên bản đại hội bất thường ngày 26-8, chỉ có 458 cổ đông, đại diện 120,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 43,86% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Hòa Bình tham dự nên đại hội đã không thể diễn ra, dù đại hội tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Theo Luật Doanh nghiệp, đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 muốn tổ chức phải có từ 33% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Do đó, Xây dựng Hòa Bình sẽ phải tổ chức đại hội lần 2 nếu muốn tiếp tục phát hành cổ phiếu để xóa nợ, bổ sung vốn và sửa điều lệ công ty.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận