Phóng to |
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong kỳ tuyển sinh 2012 - Ảnh tư liệu |
TTO xin trích đăng:
+ Mục tiêu đào tạo? Ở nước ta rất nhiều người học chỉ để có tấm bằng. Cái gốc là cần chọn người theo năng lực làm việc, còn ta chọn người chỉ theo bằng cấp. Có mấy ai sau khi ra trường tiếp tục học hỏi nâng cao năng lực chuyên môn, đặc biệt các công chức trong guồng máy nhà nước. Khả năng giúp người ta tiến thân không nằm ở trình độ.
+ Cuộc cải cách trong tuyển chọn giảng viên: rất đồng ý với GS Ngô Bảo Châu. Cách tuyển giảng viên của các trường hiện nay còn quá nhiều bất cập. Mang tiếng là công khai tuyển giảng viên, nhưng thật sự những người có năng lực, có tâm huyết rất ít cơ hội để được tuyển dụng. Việc lựa chọn giảng viên hầu như được giao cho một người (thường là trưởng khoa) vì thế mang nặng yếu tố cá nhân.
+ Tôi kỳ vọng đây là một góc nhìn mới mẻ về sự thay đổi khả thi mà các trí thức Việt Nam đang nỗ lực góp sức cho chính sách giáo dục của quốc gia. Về ngắn và lâu dài, vẫn cần 1 bước đi tham vọng cho giáo dục khi chúng ta có rất nhiều tiềm năng có thể biến giáo dục nước nhà thành lợi thế cốt lõi: dân số trẻ, nền tảng Internet phát triển, nhiều tài nguyên chất xám chưa được khai phá.
Tuy vậy, rào cản lớn thực chất có khi lại là tư duy cải cách của người đứng đầu ngành.
+ GS Ngô Bảo Châu đã nói thẳng những yếu kém trong giáo dục ĐH ở xứ ta. Cứ bàn luận về thi thế nào mà quên rằng phải dạy và học thế nào mới là cái gốc. Khi dạy và học còn bất cập, nhốn nháo thì sao có thể thi cử tử tế được. Muốn giáo dục ĐH có bài bản thì đội ngũ giảng viên ĐH phải chuẩn mực.
Thầy dạy ĐH giỏi giờ quá ít mà các thầy làng nhàng thích tiền và lợi ích riêng nhiều hơn thì giáo dục ĐH làm gì không méo mó. Không thầy đố mày làm nên, mà thầy giờ thế nào thì các trường quá rõ, các quan chức Bộ Giáo dục - đào tạo quá hiểu, còn ai hiểu hơn nữa?
+ Tôi tán thành nhận định đầu tiên về cái gì cần phải thay đổi cải cách trong giáo dục. Đó là giáo dục ĐH. Không hiểu sao cải cách giáo dục cứ mãi phải đổ tiền thuế của dân vào cải cách các chương trình của giáo dục phổ thông. Đối với giáo dục phổ thông, cái cần là nâng cao trình độ tâm lý giáo dục của giáo viên và mức lương của thầy cô dạy học.
Còn đối với giáo dục ĐH, chuyện cần phải cải cách rất rõ ràng là nâng cao khả năng chuyên môn lẫn nghiên cứu thực hành của giảng viên - tăng năng lực quản lý kết hợp chuyên môn và đào tạo phát triển của các trường ĐH từ giảng viên đến trưởng bộ môn, trưởng khoa và cuối cùng là năng lực lãnh đạo - xây dựng đội ngũ giảng viên của hiệu trưởng.
Các tiêu chí bầu chọn hiệu trưởng dường như đã lỗi thời. Cần có sự đóng góp khách quan từ các doanh nghiệp sản xuất, giảng viên, hội đồng quản trị, sinh viên về nhu cầu - vai trò - xây dựng tầm nhìn chiến lược của trường ĐH theo hướng phát triển của xã hội chứ không bó hẹp vào vài chính sách hoặc nhóm lợi ích nào đó.
Tôi đồng ý với quan điểm của GS Châu là hiệu trưởng cần được đánh giá trên thành tích tuyển chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ của hiệu trưởng.
Nhưng xin thêm một điểm nữa là hiệu trưởng không bắt buộc phải là một GS, TS chuyên ngành mà có thể là một nhà quản lý doanh nghiệp hoặc tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiệp.
Tôi nhấn mạnh điểm này vì nếu đã có định hướng về giáo dục ĐH theo mô hình trường ĐH phi lợi nhuận thì tiêu chí lựa chọn hiệu trưởng không bị bó hẹp trong khuôn khổ người trong ngành hay lâu năm thành lão làng.
Cải cách giáo dục ĐH đòi hỏi sự góp ý của nhiều giới với nhiều góc cạnh khác nhau. Nhưng quan trọng hơn hết là làm sao trường ĐH thích nghi tốt với các yêu cầu đào tạo mà xã hội cần, người đi làm cần.
Rõ ràng hơn nữa là người học dù có học những môn ngành khoa học cơ bản như toán thì sau khi được đào tạo bởi một trường ĐH tân tiến, họ vẫn có thể làm tốt, ứng dụng tốt toán học vào công việc không thuộc 100% môn ngành đã học. Như vậy mới gọi là sự thành công của giáo dục ĐH.
+ Chúng ta thử nhìn lại giáo dục những năm gần đây. Học sinh từ cấp tiểu học đến THPT học một lượng kiến thức khổng lồ để thi đỗ ĐH. Nhưng ở giáo dục ĐH thì cứ học là có bằng, có bằng rồi thì xin được việc, nhưng cơ quan tuyển dụng lại không sử dụng được do không làm được việc, cơ quan tuyển dụng phải đào tạo lại. Vậy chỉ cần thay đổi giáo dục ở bậc ĐH là đủ và cần thay đổi cả giảng viên bậc ĐH.
+ Rõ ràng học sinh trình độ THPT của nước ta không thua kém thế giới, ở mức vĩ mô vẫn thấy được sự nỗ lực và quan tâm của cơ quan chức năng và xã hội, thầy cô nghiêm túc, học sinh phần lớn học hành đàng hoàng (trừ cá biệt).
Còn đào tạo ĐH khâu chất lượng và kiểm định chất lượng rất thiếu nên đào tạo vừa thừa vừa thiếu, đã vậy lại thêm rất nhiều trường ĐH gây lãng phí.
Các trường ĐH không chú trọng chất lượng, chưa có đủ nguồn lực về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất mà đào tạo tràn lan để tìm nguồn kinh phí như văn bằng 2, liên thông, liên kết, đặc biệt đào tạo cao học "phóng khoáng" theo nhu cầu "phổ cập thạc sĩ thăng quan tiến chức" ...
Tóm lại, cần nhìn vấn đề để biết bệnh nặng của nền giáo dục VN là ở đâu, theo tôi, không phải ở bậc THPH mà là ở ĐH và sau ĐH.
+ Sự việc nêu trên theo tôi, trong số các nhà quản lý cũng nhiều người nhận ra chứ không phải hoàn toàn là không ý thức được, nhưng có một cái gì đó làm cho không ai muốn hoặc không dám nói, không dám tách mình ra khỏi guồng đó để làm khác.
Có thể việc quen đường mòn, không chấp nhận cái mới hoặc có lợi ích khác trong giới quản lý còn quá lớn.
Nếu cứ như thế này thì không biết đến khi nào Việt Nam tiến bộ được.
Mời đọc thêm:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận