Sinh viên Trường ĐH Tài chính - marketing đi thực tế tại doanh nghiệp - Ảnh: Thái Châu
Lãnh đạo các trường này cho biết trong thời gian thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ trường đã làm được nhiều việc cho nhà trường, xã hội và người học. Trường có thêm nguồn lực để đầu tư cho các dự án trên cơ sở sự năng động, tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Thu nhập theo hiệu quả công việc
Các trường công tự chủ phải cân nhắc, tính toán và chi trả lương cho cán bộ, giảng viên nên thường thu nhập tốt hơn so với trường không tự chủ. Các trường tự chủ đều thực hiện cơ chế thu nhập theo hiệu quả công việc. Hằng năm các trường đều làm phân tích, đánh giá hiệu quả công việc viên chức, giảng viên rất kỹ. Viên chức cùng một công việc có thể người này có thu nhập cao so với người khác; giảng viên, nghiên cứu viên cùng một công việc cũng có người thu nhập mức trung bình, có người rất cao tùy vào hiệu quả thực hiện và tinh thần trách nhiệm.
Chỉ riêng góc độ tài chính, sau vài năm áp dụng cơ chế tự chủ, thu nhập của cán bộ, giảng viên ở một số trường ĐH đã tăng lên. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thu nhập bình quân mỗi tháng trong năm 2019 của PGS ở trường này là 63 triệu đồng, TS là 33 triệu đồng.
"Đây không phải lương mà là bình quân thu nhập đầu người của trường. Số tiền này bao gồm các khoản lương, dạy, nghiên cứu khoa học, thu nhập vượt giờ dạy, thưởng... Thực tế có người đạt thu nhập trên 100 triệu đồng và cũng có người không đạt mức trên" - ông Dũng cho hay.
TS Phan Hồng Hải - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho biết từ khi được tự chủ trường có nhiều thay đổi từ nguồn thu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu cũng như chủ động mở ngành đáp ứng nhu cầu xã hội, công tác tuyển sinh... đến chất lượng đầu ra, công trình nghiên cứu. Trường cũng chủ động cân đối tài chính chi trả trong việc thu hút đội ngũ giảng viên giỏi...
Thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên, giảng viên nhà trường trước khi tự chủ (năm 2015) là 15 triệu đồng/tháng đã liên tục tăng qua các năm và đến năm 2019 khoảng 19 triệu đồng/tháng. Trong đó, thu nhập của giảng viên có trình độ TS trở lên hiện nay khoảng 30 triệu đồng/tháng. Trường có chính sách thu hút chất xám trình độ cao về công tác. Theo đó, TS được hỗ trợ 100 triệu đồng/người, PGS 200 triệu đồng và GS 300 triệu đồng.
"Ngoài ra, trường còn trả phụ cấp hằng tháng với cán bộ, viên chức có học hàm, học vị cao: TS 4 triệu đồng/tháng, PGS 5 triệu đồng/tháng và GS 7 triệu đồng/tháng. Nhà trường còn hỗ trợ giảng viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Toàn bộ học phí nghiên cứu sinh trong nước trường thanh toán. Đối với nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài được hưởng 40% lương cơ bản, sau khi tốt nghiệp trở lại công tác nhận bổ sung 60% khoản lương cơ bản còn lại và 50% tiền thưởng các ngày lễ, tết" - ông Hải chia sẻ.
Thu hút nhân lực chất lượng cao
Trường ĐH Tài chính - marketing là một trong năm trường ĐH đầu tiên được Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ từ năm 2015. Theo TS Hoàng Đức Long - hiệu trưởng nhà trường, từ khi được tự chủ, về mặt tài chính trường được quyền quyết định mức thu học phí cao, trích lập các quỹ từ nguồn thu, trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ giảng viên. Chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao về công tác tại trường cũng khá hấp dẫn: GS dưới 50 tuổi 500 triệu đồng, PGS 350 triệu đồng, TS 100 triệu đồng.
"Quy chế chi tiêu nội bộ là xương sống của mọi hoạt động quản lý tài chính, ngân sách của trường. Quy chế này hằng năm được triển khai cuối quý 3 của năm liền kề để xây dựng quy chế áp dụng đầu năm sau. Tất cả người lao động của trường đều được tham gia góp ý xây dựng quy chế này một cách đầy đủ, toàn diện. Sau đó, dự thảo quy chế đưa vào hội nghị cán bộ viên chức hằng năm và tiếp đó trình hội đồng trường xem xét thông qua" - ông Long chia sẻ.
Cần lộ trình cắt giảm ngân sách
Theo các chuyên gia, thực tế hầu hết các trường ĐH công vẫn chưa được tự chủ, không ít trong số đó bám víu vào "bầu sữa" ngân sách, trả lương theo kiểu cào bằng. Chính điều này gây trì trệ nhà trường, chất lượng đào tạo không cải thiện. Bên cạnh đó, lãnh đạo các trường còn cho biết hiện nay nhiều trường dù có mức học phí thấp nhưng vẫn không tuyển sinh được. Nếu tự chủ hoàn toàn mà tuyển sinh khó khăn, không thu hút được người học thì trường sẽ không sống nổi. Nếu tự chủ thì học phí sẽ cao hơn nữa dẫn đến tuyển sinh càng khó khăn hơn. Đây là lý do không ít trường vẫn đang bám vào "bầu sữa" ngân sách.
Trong khi nguồn ngân sách nhà nước cấp cho giáo dục ĐH khá lớn nhưng do phải đầu tư dàn trải cho quá nhiều cơ sở đào tạo nên tỉ trọng chi cho từng trường ít. Theo hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trước khi tự chủ mỗi năm trường nhận kinh phí chi thường xuyên khoảng 50 tỉ đồng và thu học phí khoảng 80 tỉ đồng. Với khoảng 130 tỉ đồng này chỉ đủ để nhà trường "sống qua ngày và tồn tại chứ không thể phát triển được".
"Trước đây, lương giảng viên chừng 7-8 triệu đồng/tháng, nhiều người phải làm thêm đủ thứ bên ngoài. Với mức lương thấp, trường rất khó giữ chân giảng viên chứ chưa nói đến chuyện thu hút người giỏi. Tình trạng chảy máu chất xám có lúc rất căng thẳng với hàng loạt giảng viên bỏ trường ra làm việc cho các doanh nghiệp. Nhà trường cũng không đủ nguồn lực để đầu tư cho các phòng thí nghiệm, trong khi muốn có bài báo khoa học phải có phòng thí nghiệm hiện đại. Chính vì cả hai yếu tố con người và cơ sở vật chất của trường không được đầu tư tốt dẫn đến chất lượng đào tạo ngày càng thê thảm.
Do vậy, nếu không có tự chủ ĐH, các trường cứ bám vào "bầu sữa" ngân sách sẽ không giải quyết được vấn đề này. Để thúc đẩy tự chủ, theo tôi, Nhà nước cần giảm dần ngân sách chi thường xuyên cho các trường chậm thực hiện cơ chế tự chủ. Cần công bố lộ trình cắt giảm ngân sách cấp cho các trường trong những năm tới" - ông Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Hoàng Hải - phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM - cũng cho rằng khi chưa tự chủ trường gặp nhiều hạn chế nhưng vẫn được nhận ngân sách chi thường xuyên. Khi đã tự chủ trường sẽ bị cắt toàn bộ ngân sách chi thường xuyên, phải tự lo từ nguồn thu của mình. Do vậy, những trường trước chưa đủ mạnh sẽ gặp khó khăn lúc đầu khi tự chủ.
"Thực tế hiện nay, học phí trường tự chủ thu mức cao hơn trường chưa tự chủ, tạo nên tình trạng có nhiều mức học phí khác nhau của cùng ngành đào tạo ở các trường khác nhau. Điều này thực sự không phù hợp, nên các trường cần phải thực hiện tự chủ hoàn toàn để có sự cạnh tranh công bằng" - ông Hải kiến nghị.
Ngân sách chi cho giáo dục ĐH trên 170.000 tỉ đồng
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong giai đoạn từ năm 2013-2017, ngân sách nhà nước đã chi trên 1,1 triệu tỉ đồng cho GD-ĐT, trong đó chi riêng cho giáo dục ĐH trên 170.000 tỉ đồng. Nhưng so với nhiều nước phát triển, tỉ lệ đầu tư cho giáo dục ĐH của Việt Nam cũng không cao (chiếm 50% trong số các nguồn đầu tư cho giáo dục ĐH), trong khi ở nhiều nước là trên 90%. Ngân sách nhà nước và học phí là hai nguồn thu chủ yếu của các trường ĐH hiện nay.
Hành lang pháp lý phải đồng bộ
PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh cho rằng để đẩy nhanh quá trình thực hiện tự chủ, cần sự thay đổi trong tư duy nói chung và triển khai chỉnh sửa, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật một cách đồng bộ nói riêng.
"Hiện nay các văn bản dưới luật ban hành rất chậm và không đầy đủ, dẫn đến gây trở ngại cho các trường khi triển khai cơ chế tự chủ theo quy định trong luật. Ví dụ: việc thành lập doanh nghiệp trong trường ĐH là được nêu trong luật nhưng chưa có văn bản hướng dẫn nên các trường gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong việc triển khai" - bà Tú Anh cho biết.
Tương tự, TS Hoàng Đức Long cũng khẳng định: "Muốn trao quyền tự chủ cho các trường cần phải có hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, kịp thời trên tất cả các mặt, đồng thời có sự tăng cường giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu chỉ giao quyết định tự chủ thì trường cũng không làm gì được khi hàng loạt luật ràng buộc...".
Mong chờ được tự chủ
Theo kế hoạch, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ tự chủ vào năm 2022. Hiện trường này đang xây dựng đề án trình hội đồng trường và hội đồng ĐH Quốc gia TP.HCM thông qua. PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: "Trước thực tế đang diễn ra ở những trường đã được tự chủ, chúng tôi thấy cần có sự cân nhắc, chuẩn bị kỹ càng".
Đó là tình trạng chảy máu chất xám do đời sống cán bộ giảng viên chưa được tốt. Dù là trường ĐH hàng đầu lĩnh vực khoa học xã hội phía Nam nhưng mức lương hiện tại của giảng viên trường bình quân khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Sinh viên lớp chất lượng cao Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong giờ học - Ảnh: Quỳnh Nhi
"Muốn trường phát triển, chất lượng đào tạo tốt phải có đội ngũ tốt. Thực tế hiện nay rất nhiều thầy cô của trường phải thỉnh giảng ở nhiều nơi, làm thêm nhiều giờ. Trong khi nếu mức lương, thu nhập của giảng viên tốt hơn thì có thể họ dành nhiều thời gian để nghiên cứu, từ đó phục vụ giảng dạy tốt hơn. Đây cũng là động lực để thúc đẩy tự chủ của các trường công lập" - bà Lan nói.
Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện nay trường đang được Nhà nước cấp một phần kinh phí chi thường xuyên và kinh phí đầu tư cơ sở vật chất của trường theo dự án đã được phê duyệt cho giai đoạn 2009-2013. Bên cạnh đó, trường được ĐH Quốc gia TP.HCM đầu tư một số phòng thí nghiệm và cấp kinh phí đề tài nghiên cứu khoa học hằng năm. Tuy nhiên, nhà trường vẫn mong chờ được tự chủ.
Bà Tú Anh cho rằng: "Tự chủ sẽ tạo điều kiện cho trường tăng cường huy động các nguồn thu ngoài ngân sách để bù đắp đủ chi phí của đơn vị. Từ đó có nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút được nhiều sinh viên giỏi; có cơ sở và điều kiện để xây dựng bộ máy quản lý và phục vụ tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; tăng thu, tiết kiệm chi, có nguồn tài chính để cải thiện đời sống cán bộ, giảng viên, tạo động lực để họ tích cực lao động nâng cao chất lượng đào tạo".
Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động Trường ĐH Công nghệ thông tin xây dựng đã được ĐH Quốc gia TP.HCM phê duyệt và trình Thủ tướng vào năm 2018. Nhưng khi đó do Chính phủ đang chuẩn bị ban hành nghị định mới thay thế cho nghị quyết 77 nên đề án chưa được phê duyệt. Do chưa được tự chủ nên trường gặp không ít khó khăn, nhất là cơ chế tự chủ nguồn thu. Nguồn thu chủ yếu là học phí, lại bị hạn chế về chỉ tiêu tuyển sinh và trần học phí theo nghị định 86/2015/NĐ-CP.
"Trường nhìn nhận đây là khó khăn lớn nhất, bởi không tăng được nguồn thu đồng nghĩa với việc khó khăn trong công tác thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, giữ chân đội ngũ, không có được cơ sở vật chất đáp ứng công tác giảng dạy và nghiên cứu; không nâng được chất lượng đào tạo đạt các chuẩn mực quốc tế.
Tình trạng chảy máu chất xám cũng là vấn đề lớn khi có không ít cán bộ giảng viên của trường nghỉ việc để chuyển sang khối doanh nghiệp, các trường bạn; nhiều giảng viên của trường được cử đi học ở nước ngoài không trở về. Sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực nhân lực cho ngành công nghệ thông tin - truyền thông đang diễn ra ngày càng cao; chưa thể linh hoạt thay đổi chương trình đào tạo, hình thức, phương pháp giáo dục tiên tiến, áp dụng công nghệ mới" - bà Tú Anh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận