Sáng 7-6, Trường ĐH Hoa Sen đã tổ chức hội thảo “Mô hình ĐH phi lợi nhuận tại Việt Nam” nhằm làm rõ khái niệm phi lợi nhuận được ghi trong Luật giáo dục ĐH cũng như lựa chọn mô hình quản trị phù hợp với mục tiêu “phi lợi nhuận” của trường.
TS Đỗ Bá Khang (trưởng khoa kinh tế - thương mại Trường ĐH Hoa Sen) chia sẻ hiện nay có một số nhầm lẫn về khái niệm phi lợi nhuận. Trường ĐH hoạt động theo mục tiêu phi lợi nhuận không có nghĩa là không được phép tạo ra lợi nhuận, không được thu học phí cao.
Cần khẳng định rằng: với mô hình trường phi lợi nhuận, đóng góp bằng học phí của người học được bảo đảm tái đầu tư cho dịch vụ giáo dục phục vụ người học và lợi nhuận không được chia cho các cá nhân có quyền kiểm soát tổ chức đó.
Tại hội thảo, kết quả một cuộc khảo sát của tổ chức Harkin với 30 trường ĐH tư thục của Mỹ năm 2012 cho thấy với các trường vì lợi nhuận chi phí quảng bá chiếm 23% chi phí hoạt động trong khi chi phí đầu tư cho hoạt động đào tạo chỉ có 17,7%.
Lương hiệu trưởng trường vì lợi nhuận cao gấp đôi trường phi lợi nhuận. Hậu quả của mục tiêu vì lợi nhuận đó là sau 1,5 năm học, 54% sinh viên bỏ học, cao hơn rất nhiều so với trường phi lợi nhuận.
Vì điều kiện Việt Nam và nước ngoài khác nhau nên để phát triển và theo đuổi mục tiêu phi lợi nhuận, ông Khang cho rằng cần có giải pháp về quyền lợi và sự lựa chọn mô hình mà trường tư thục theo đuổi. Nhất là khi Luật giáo dục ĐH năm 2013 ghi rõ trần cổ tức chỉ bằng lợi nhuận của trái phiếu Chính phủ và không cho phép chia thưởng từ lợi nhuận do trường mang lại mà phải tái đầu tư hoàn toàn vào hoạt động giáo dục.
“Để theo đuổi mô hình ĐH tư thục phi lợi nhuận, cần phải làm rõ và nhất quán nhiều yếu tố trong khung pháp lý cho việc quản lý thay vì đơn giản là yêu cầu xã hội hóa các nguồn lực trong giáo dục ĐH”, ông Khang nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận