Theo Hãng tin Reuters, ngày 6-8, thẩm phán Richard Stearns thuộc Tòa án quận liên bang ở thành phố Boston (bang Massachusetts, Mỹ) đã đưa ra quyết định rằng các cáo buộc chống lại Đại học Harvard là có cơ sở và cho phép vụ kiện tiếp tục.
Trước đó, ngày 10-1, các sinh viên tại Harvard đã cáo buộc trường đại học này thực thi “có chọn lọc” các chính sách khiến việc bảo vệ sinh viên người Do Thái khỏi bị quấy rối không được đảm bảo.
Ngoài ra, nhóm sinh viên khẳng định Harvard đã phớt lờ sự phản đối của họ và thuê những giáo sư ủng hộ bạo lực chống Do Thái, tuyên truyền chống Do Thái làm việc tại trường.
Thẩm phán Stearns cho biết ông khá “hoài nghi” trước lý lẽ của Harvard. Theo đó, Harvard tuyên bố các hoạt động ủng hộ người Palestine hoặc bài Do Thái tại trường được bảo vệ bởi quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ.
Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ là một phần của Tuyên ngôn Nhân quyền, bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền hội họp hòa bình và quyền thỉnh nguyện chính phủ.
“Nếu đơn kiện không đưa ra được bằng chứng hợp pháp về việc Harvard thờ ơ với các hoạt động bài Do Thái tại trường, thì những lời tuyên bố mà Harvard nêu bên trên sẽ trở thành lời chứng có lợi cho phía nhà trường.
Tuy nhiên, theo đơn kiện, những tuyên bố này chủ yếu chỉ là những lời sáo rỗng và chẳng có bất kỳ hành động thực tế nào đi kèm”, ông Stearns cho biết.
Hiện tại thẩm phán vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về vụ kiện.
Được biết trước đó, các sinh viên đã yêu cầu tòa án ra lệnh cấm các hành vi phân biệt đối xử của Harvard vì vi phạm điều VI, Đạo luật Dân quyền năm 1964.
Điều VI cấm các tổ chức nhận tiền từ chính phủ liên bang (như các trường đại học) không được phép để xảy ra phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, tôn giáo và quốc tịch.
Đến thời điểm hiện tại, Đại học Harvard vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào liên quan đến cáo buộc này.
Hồi tháng 6, các lực lượng đặc nhiệm chống kỳ thị Do Thái và chống kỳ thị Hồi giáo của Harvard đã đưa ra kết luận rằng khuôn viên trường đang xảy ra tình trạng phân biệt đối xử và quấy rối. Tình trạng này ảnh hưởng đến cả 2 nhóm sinh viên có quan điểm khác nhau về xung đột giữa Palestine và Israel.
Các trường đại học khác đối mặt với cáo buộc tương tự
Vụ kiện Harvard chỉ là một trong nhiều vụ kiện chống lại các trường đại học lớn ở Mỹ trước cáo buộc khuyến khích và cho phép bài Do Thái.
Tháng trước, Đại học Brown và Đại học New York cũng đã phải giải quyết các cáo buộc tương tự.
Trong khi đó, Đại học Columbia vào tháng 6 đã đồng ý cung cấp dịch vụ hộ tống an toàn và tiến hành các bước khác để giải quyết vụ kiện liên quan đến tuyên bố khuôn viên trường không an toàn cho sinh viên.
Được biết khuôn viên chính của trường từng là nơi dựng trại của những người ủng hộ Palestine. Nhưng trại này sau đó đã bị giải tán vì liên quan đến vụ việc hàng chục người biểu tình chiếm một tòa nhà học thuật gần đó vào ngày 30-4.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận