Phan Thục Anh - một trong những tân cử nhân đầu tiên của Đại học Fulbright Việt Nam - phát biểu tại lễ tốt nghiệp - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Trong số 72 tân cử nhân đầu tiên tốt nghiệp Đại học Fulbright có 18 bạn tốt nghiệp loại danh dự và 15 bạn đạt loại xuất sắc.
Hành trình của "tàu lượn siêu tốc"
Đại diện cho sinh viên khóa đầu tiên, Phan Thục Anh - sinh viên năm đồng kiến tạo - chia sẻ trong 5 năm qua, các bạn là những người đi đầu trong trải nghiệm và xây dựng chương trình giáo dục khai phóng độc lập đầu tiên ở Việt Nam.
Thục Anh ví von chuyến đi cùng Fulbright như một "chuyến tàu lượn siêu tốc". Trên một chuyến tàu ấy sẽ dễ bắt gặp những kiểu người: người mặt xanh xao, người gào thét trong lo sợ, người tuyệt nhiên im bặt, người thư giãn, người phấn khích.
Dù vậy, một trong những thành quả các bạn đã thu được sau hành trình Fulbright là việc nuôi dưỡng tâm trí theo tư tưởng khai phóng. Các sinh viên thường phải đặt những câu hỏi cơ bản như điều gì là tốt, điều gì là đạo đức và điều gì là đúng?
Thục Anh tâm sự những tân cử nhân Fulbright thường được kỳ vọng sẽ trở thành những người để lại các dấu ấn trong các lĩnh vực chuyên môn của mình.
Trao bằng tốt nghiệp cho những tân cử nhân đầu tiên của Đại học Fulbright Việt Nam - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Với các tân cử nhân Fulbright khác, Thục Anh tâm sự bên cạnh hướng đến những điều lớn lao, đừng quên những điều nhỏ nhặt. Đó có thể chỉ là việc nấu bữa cơm cho gia đình, tưới cây, giúp đỡ người khác, làm từ thiện…
Đại học Fulbright: Kết nối giáo dục giữa Việt Nam - Mỹ
Trong 95 tân cử nhân của Đại học Fulbright Việt Nam, nhiều bạn đã được nhận vào chương trình thạc sĩ và tiến sĩ của các đại học lớn như Đại học William & Mary, Minnesota, Đại học John Carroll, Đại học Texas tại Austin, Đại học California California - Riverside, Đại học KU Leuven (Bỉ),…
Ngoài ra, không ít cử nhân Fulbright khóa 2023 đã được mời làm việc tại các công ty, tập đoàn lớn ở Việt Nam và trên thế giới.
Phát biểu tại sự kiện, bà Đàm Bích Thủy - chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam - điểm lại chặng đường đã qua của Fulbright, từ khi chỉ là một ý tưởng vào năm 2007, đến những bước hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trước khi tuyển sinh khóa đồng kiến tạo vào năm 2017 và khóa đầu tiên năm 2018.
Vì thế, bà nhấn mạnh khóa sinh viên đầu tiên chính là một phần trong việc xây dựng ngôi trường, đặc biệt về chương trình học.
Trong khi đó, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Susan Burns cho rằng Đại học Fulbright Việt Nam đã tiên phong lan tỏa triết lý giáo dục khai phóng từ các đại học hàng đầu ở Mỹ về Việt Nam. Giáo dục khai phóng cho sinh viên những ý tưởng mới, những góc nhìn mới và không ngại bày tỏ chính kiến của mình.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao Đại học Fulbright Việt Nam là một dấu ấn trong kết nối giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời minh chứng cho xu hướng quốc tế hóa của giáo dục Việt Nam.
Ông mong muốn Đại học Fulbright Việt Nam sớm đưa vào hoạt động cơ sở mới của trường ở TP Thủ Đức, từ đó trường có thể tiếp tục mở rộng hoạt động trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận