Tiến sĩ Lê Đình Thăng - kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành 3 - Ảnh L.THANH
Thực hiện cơ chế tự chủ, theo ông Thăng, qua kiểm toán cho thấy các trường đại học công lập mới chỉ thực hiện tự chủ về tài chính. Điều này dẫn đến tình trạng một số trường đại học công lập thu vượt, thu sai quy định, lạm thu các khoản thu ngoài quy định.
Mặt khác, một số trường còn dựa vào lợi thế ngành để tăng học phí và tăng chỉ tiêu tuyển sinh mà chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo là mục đích chính của tự chủ đại học.
Qua số liệu kiểm toán tại một số trường đại học công lập cho thấy số thu học phí vượt quy định, thu học lại, thu cải thiện điểm, thu tiền nhập học, làm thẻ, tài liệu cho sinh viên, thu tiền cấp chứng chỉ QPAN ngoài quy định hơn 14.567 tỉ đồng (tại 5/7 cơ sở giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội 702 triệu đồng; tại 5/9 cơ sở giáo dục đại học thuộc ĐH Quốc gia TPHCM 4,479 tỉ đồng; tại 5/13 đơn vị được kiểm toán thuộc Bộ GD&ĐT 9,386 tỉ đồng).
Cũng theo ông Thăng, các trường đại học công lập tăng thu dịch vụ đào tạo theo lộ trình đồng nghĩa với việc gia tăng gánh nặng đóng học phí lên người học. Tuy nhiên, quy định hiện hành chưa hướng dẫn cụ thể về việc các cơ sở giáo dục công lập phải duy trì và nâng cao năng lực của quỹ học bổng từ các nguồn thu hợp pháp để ngoài việc khuyến khích, hỗ trợ các sinh viên có thành tích xuất sắc, còn phải có trách nhiệm xã hội trong việc hỗ trợ sinh viên nghèo hiếu học.
Thực tế, hầu hết các trường đại học công lập không chú trọng việc tạo lập quỹ học bổng, chưa có chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo hiếu học, dẫn đến tình trạng người dân nghèo hiếu học, học giỏi nhưng không được học do mức học phí cao.
Cụ thể số liệu kiểm toán cho thấy một số đơn vị chi quỹ học bổng chưa đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 8% quy định, tổng số học bổng chi thiếu 42,6 tỉ tại 8/12 trường đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo được kiểm toán năm 2017.
"Hiện việc tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập mới thực hiện được ở góc độ các trường nỗ lực tăng nguồn thu từ việc tăng mức thu học phí, tăng chỉ tiêu tuyển sinh, tăng quy mô đào tạo bằng mọi cách, dẫn đến một số trường đại học công lập chất lượng sinh viên đầu vào giảm sút.
Việc tăng thu học phí chủ yếu để tăng thu nhập cho các giảng viên mà chưa chú trọng tăng chất lượng đào tạo, hiện đại hoá cơ sở vật chất, trường học và ký túc xá, hầu hết các trường chưa xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển trung, dài hạn để có những bước phát triển đồng bộ, hiệu quả" - ông Thăng nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận