Cuộc đời Kim Dung đã trải qua 3 cuộc hôn nhân và một mối tình đơn phương - Ảnh: Sina
Người vợ đầu tiên: "Hoàng Dung" Đỗ Trị Phân khiến Kim Dung đau lòng nhất
Đỗ Trị Phân là người vợ đầu tiên của Kim Dung, hai người nảy sinh tình cảm ở Hàng Châu vào năm 1947, thời điểm đó Kim Dung đang làm việc cho tờ Nam Kinh nhật báo, phụ trách chuyên mục hài hước, thông qua một bài viết mà ông quen với Đỗ Trị Thu, em trai của Đỗ Trị Phân.
Vào một buổi chiều chủ nhật đẹp trời, Kim Dung đến nhà họ Đỗ thăm Đỗ Trị Thu, không ngờ đã gặp được tiểu thư nhà họ Đỗ tên Trị Phân, năm đó cô mới 17 tuổi.
Ngày thứ hai, Kim Dung lại đến nhà họ Đỗ và mang theo mấy tấm vé xem kịch mời cả nhà cùng đi xem vỡ kịch Khổng tước đán, từ đó Kim Dung trở thành vị khách thường trực của nhà họ Đỗ và nhanh chóng cùng Đỗ Trị Phân rơi vào lưới tình.
Tháng 3-1948, tờ Đại Công báo phái Kim Dung sang Hong Kong công tác, nhưng ông không mấy hứng thú, ông liền hỏi ý người yêu, lúc đó Đỗ Trị Phân trả lời ông là chỉ nên đi ngắn hạn, và tòa soạn Đại Công báo đã đồng ý yêu cầu cho ông sang Hong Kong công tác nửa năm.
Ngày 27-3, Đỗ Trị Phân tiễn Kim Dung đến Thượng Hải và giúp ông thu xếp hành lý để sang Hong Kong, trước khi ông lên máy bay, Đỗ Trị Phân nói với ông một câu: "Chúng ta mỗi ngày đều cầu nguyện, đừng quên đấy! Mong anh sớm trở về Thượng Hải".
Tháng 10 cùng năm, Kim Dung trở về Thượng Hải làm đám cưới với Đỗ Trị Phân, sau khi kết hôn bà đã theo ông sang Hong Kong sinh sống.
Kim Dung và người vợ đầu tiên - Đỗ Trị Phân - Ảnh: Baidu
Thời gian đầu sang Hong Kong lập nghiệp, Kim Dung đã lấy bút danh là Lâm Hoan để viết phê bình điện ảnh và biên kịch, dù rằng Kim Dung chưa từng giải thích về bút danh này, nhưng theo Đỗ Trị Thu cho biết thì bút danh Lâm Hoan được ghép từ họ Tra và họ Đỗ, vì hai chữ này đều có bộ thủ là mộc nên ghép lại thành chữ Lâm, còn Hoan có nghĩa là "Nam hoan nữ ái", phản ánh cuộc sống hạnh phúc của hai người lúc bấy giờ.
Đỗ Trị Phân sinh sống ở Hong Kong vài năm, giai đoạn này Kim Dung tập trung phát triển sự nghiệp nên không có thời gian dành cho vợ, Đỗ Trị Phân thường xuyên ở nhà một mình, trải qua cuộc sống cô đơn và buồn tẻ ở Hong Kong, cuối cùng bà đã trở về Hàng Châu, hai người thỏa thuận ly hôn.
Theo đồng nghiệp của Kim Dung làm ở Đại Công báo cho biết, Đỗ Trị Phân là người Hàng Châu, bà không biết tiếng Quảng Đông, nên sống ở Hong Kong cảm thấy rất buồn chán, hơn nữa thời điểm đó thu nhập của Kim Dung chỉ có ba đồng ba cọc, bà không chịu được cực khổ nên đã rời bỏ ông.
Vào năm 74 tuổi, khi nhắc đến cuộc hôn nhân đầu tiên, Kim Dung đã không cầm được nước mắt nói: "Là bà ấy phụ tôi".
Người vợ thứ hai: "Triệu Mẫn" Chu Mai cương nghị, khiến Kim Dung cảm thấy có lỗi
Người vợ thứ hai của Kim Dung tên Chu Mai, xuất thân là ký giả, vừa xinh đẹp vừa tài năng, thông thạo Anh văn, bà quen Kim Dung khi mới 21 tuổi, kém ông 11 tuổi, hai người quen nhau khi Kim Dung còn làm việc ở Đại Công báo.
Năm 1956, Kim Dung và Chu Mai kết hôn, khi con trai đầu lòng Tra Truyền Hiệp ra đời thì tờ Minh báo do ông sáng lập cũng vừa mới sơ khai, Chu Mai trở thành nữ ký giả đầu tiên của tờ Minh báo, đồng thời cũng là trợ thủ đắc lực của Kim Dung.
Khi Minh báo mới thành lập, Kim Dung dốc hết sức lực đầu tư và phát triển tờ báo, ông làm ngày làm đêm, Chu Mai vừa chăm sóc 4 đứa con (2 trai, 2 gái) vừa giúp Kim Dung đỡ đần công việc, thậm chí mỗi ngày còn mang cơm nước cho chồng.
Kim Dung và người vợ thứ hai Chu Mai - Ảnh: Sohu
Năm 1976, tờ Minh báo tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập, Kim Dung chấp bút ghi: "Minh nguyệt, 10 năm cùng thời khắc", thậm chí ông còn chia sẻ trước đám đông: "Vợ tôi mỗi ngày nấu cơm từ nhà ở Cửu Long thành, mang đến bán đảo Hong Kong cho tôi ăn", từ chữ viết đến lời nói đều đong đầy tình cảm ấm áp mà ông dành cho bà.
Thời điểm này, tờ Minh báo đã có địa vị vững vàng trong giới truyền thông ở Hong Kong, quy mô của vương quốc Minh báo ngày càng lớn, thì cuộc hôn nhân của vợ chồng Kim Dung lại bật tín hiệu đỏ.
Chu Mai là người tài năng, bà rất nghiêm túc trong công việc, thậm chí có phần cố chấp, hai vợ chồng thường xuyên vì công việc mà bất hòa, từ đó tổn thương lòng tự trọng của Kim Dung, khiến ông nảy sinh ngoại tình.
Lúc đó, mỗi ngày làm việc mệt mỏi, Kim Dung thường lui đến quán cà phê gần tòa soạn để uống tách cà phê lấy tinh thần và thư giãn, dần dần trở thành khách quen của quán cà phê này.
Một hôm, khi Kim Dung đến quán cà phê như mọi khi thì có một cô nhân viên phục vụ trẻ trung xinh đẹp đến hỏi ông có phải là Kim Dung không? Ông trả lời: "Phải", sau đó hai người trò chuyện vài ba câu, đến khi tính tiền ông đã hào phóng gửi cho cô nhân viên 10 đồng HK$ tiền tip.
Tuy nhiên, hành động hào phóng của Kim Dung đã không được cô nhân viên phục vụ cảm kích, nếu tính theo vật giá thị trường thời bấy giờ thì 10 HK$ không phải là con số nhỏ, cô cho rằng Kim Dung là một nhà văn, nhờ ngòi bút mưu sinh, tiền kiếm được không phải dễ, nên 10 đồng tiền tip đó, cô nhất quyết không nhận.
Kim Dung từng bày tỏ, ông có lỗi với người vợ thứ hai Chu Mai - Ảnh: yangfenzi
Sau khi nghe lời giải thích của cô nhân viên phục vụ, Kim Dung cảm thấy rất vui, bởi ông không nghĩ ra rằng một cô gái trẻ tuổi như vậy lại nói ra được những lời này, từ đó hai người kết giao làm bạn bè.
Nhưng, điều không ai ngờ là từ món tiền tip 10 HK$, mà tạo thành sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến vậy, không chỉ se duyên cho một cuộc hôn nhân, đồng thời cũng làm thay đổi tình cảm vợ chồng giữa Kim Dung và Chu Mai.
Sau khi Kim Dung quen với cô nhân viên phục vụ quán cà phê, mối quan hệ ngoài luồng này tiến triển chóng vánh, Kim Dung đã xây tổ ấm sống chung với cô ở khu Happy Valley.
Ban đầu, Chu Mai hoàn toàn không hay biết việc chồng mình ngoại tình, nhưng sau đó bà phát hiện thời gian ban đêm ông không ở tòa soạn viết xã luận cho Minh báo, mà giao cho một nhân viên mang bản thảo đến tòa soạn nộp cho ban biên tập.
Qua đầu mối từ người nhân viên tòa soạn, Chu Mai đã phát hiện "tổ ấm" của Kim Dung với người đàn bà khác, nhưng bà tuyệt đối không làm ầm ĩ lên.
Sau khi bị vợ phát hiện việc ngoại tình, Kim Dung đã đề nghị ly hôn, Chu Mai đã đưa ra hai điều kiện: một là Kim Dung phải chia cho bà một số tiền xem như bù đắp, hai là người phụ nữ đó phải triệt sản thì mới được kết hôn với Kim Dung.
Chu Mai yêu cầu người tình của chồng triệt sản hoàn toàn là vì bảo vệ các con của mình, bà không muốn sau khi Kim Dung có con với người đàn bà khác sẽ bỏ bê các con của bà, vì thế Kim Dung và người phụ nữ kia nhất định không thể có con.
Kim Dung và Chu Mai ly hôn dù đã có 4 mặt con, hai trai hai gái - Ảnh: Sina
Trước hai điều kiện của Chu Mai, Kim Dung đã đồng ý và hai người chính thức ly hôn vào năm 1976, kết thúc cuộc hôn nhân 20 năm.
La Phù - đồng nghiệp cũ của Kim Dung kể: "Chu Mai hỗ trợ Kim Dung lập nghiệp, đã dốc hết toàn lực. Cô ấy rất tài giỏi, giúp ông ấy làm rất nhiều việc. Rốt cuộc giữa hai người xảy ra chuyện gì, người ngoài cuộc chúng tôi không rõ lắm, nhưng Kim Dung và Chu Mai ly hôn, đã không nhận được sự cảm thông của bạn bè".
Sau khi ly hôn, Chu Mai trải qua nửa đời còn lại trong cảnh cô độc quạnh hiu, bà đã từng sang Anh sống một thời gian, nghe nói người thân của bà ở đó. Khoảng năm 1995, có người nhìn thấy Chu Mai bán túi xách ở lề đường vịnh Đồng La.
Có người nói lại với Kim Dung, ông bày tỏ chắc không đến nỗi đó. Ông nói, "Tôi luôn muốn tiếp cận bà ấy, muốn giúp đỡ bà ấy, nhưng bà ấy từ chối, bà ấy không chịu gặp tôi. Tôi bảo các con đến chăm sóc bà ấy, bà ấy cũng không chịu gặp, bà ấy thà một mình tự lập".
Ngày 8-11-1998, Chu Mai qua đời do bệnh lao phổi sau thời gian điều trị tại bệnh viện ở Wan Chai, hưởng thọ 63 tuổi, khi qua đời bà để lại khá nhiều tài sản cho con cái. Tuy nhiên, điều khiến mọi người đau lòng nhất là người thay bà lấy giấy chứng tử, không phải chồng trước của bà, cũng không phải con cái của bà, mà là nhân viên bệnh viện.
Cảnh già thê lương của Chu Mai khiến người ta phải ngậm ngùi, so với tuổi già muôn màu muôn vẻ của Kim Dung, càng tạo thành sự tương phản cực lớn.
Khi trả lời phỏng vấn, Kim Dung nói với vẻ mặt hổ thẹn: "Tôi có lỗi với Chu Mai…". Ông từng nói với Bạch Nham Tùng - người dẫn chương trình ở đài truyền hình: "Tôi là một người chồng thất bại, vì tôi từng ly hôn, có một người vợ đã ly hôn với tôi, trong lòng tôi cảm thấy có lỗi với bà ấy, bây giờ bà ấy đã qua đời, tôi rất buồn".
Kim Dung tự nhận là người thiên về tình cảm nhiều hơn lý trí, ông nói: "Khi kết hôn lần đầu tiên, tôi rất yêu cô ấy, cô ấy rất yêu tôi, nhưng sau đó chúng tôi ly hôn, bạn hỏi tôi có hối hận không, tôi nói không hối hận. Bởi vì trong điều kiện khi đó, chúng tôi đều thật lòng đối với nhau. Biến cố sau đó, không ai biết trước được".
Mặc dù Chu Mai đã hết lòng bảo vệ bốn đứa con, nhưng bà vẫn phải gánh chịu nỗi đau khi đánh mất cậu con trai cả Tra Truyền Hiệp, cậu nhảy lầu tự vẫn ở tuổi 18.
Thời điểm đó, giới báo chí suy đoán có hai nguyên nhân dẫn đến cái chết của cậu con trai cả Kim Dung và Chu Mai, một là cậu bị thất tình ở tuổi mới lớn, hai là cậu không thể ngăn cản được quyết định ly hôn của cha mẹ, nên đã tự tìm đến cái chết.
Người vợ thứ ba: "Tiểu Chiêu" Lâm Lạc Di dịu dàng đáng yêu
Người phụ nữ có thể ở bên cạnh Kim Dung đến răng long đầu bạc tên Lâm Lạc Di (tên tiếng Anh: A May), tức là người vợ thứ ba cũng là người vợ hiện tại của ông.
Kim Dung và người vợ hiện tại, kém ông gần 30 tuổi - Ảnh: Sina
Bà quen Kim Dung khi mới 16 tuổi, nhỏ hơn ông 29 tuổi, hai người bén lửa tình với nhau tại một khách sạn ở Trác Giác, Lệ Trì.
Trong một cuộc phỏng vấn, khi Kim Dung được hỏi ông và người vợ hiện tại Lâm Lạc Di làm thế nào duy trì mối quan hệ vợ chồng tốt đẹp?
Ông thẳng thắn nói: "Cũng không có gì, thường ngày việc gì bà ấy cũng đều nhường nhịn tôi, khi bà ấy nổi giận, tôi liền nín nhịn không đáp trả. Mối quan hệ với bà ấy không thể xem là quá thành công, nhưng cũng không thể xem là thất bại, giống như các đôi vợ chồng bình thường vậy!".
Kim Dung nói, Lâm Lạc Di thích nhất tác phẩm Bạch mã khiếu tây phong của ông: "Vì bà ấy cảm thấy rất xúc động, phụ nữ thường rất giàu tình cảm".
Mối tình đơn phương: "Tiểu Long Nữ" Hạ Mộng có duyên không phận
Kim Dung đã gặp nữ minh tinh Hạ Mộng trước khi ông kết hôn lần thứ hai, lúc đó Kim Dung đã ngoài 30 tuổi, sắc đẹp rạng ngời của Hạ Mộng khiến Kim Dung rung động không thôi.
Kim Dung và nữ minh tinh Hạ Mộng - Ảnh: Minh báo
Để có thể thường xuyên gặp Hạ Mộng, ông đã đến công ty ảnh thị Trường Thành làm biên kịch, vì muốn giành được tình cảm của Hạ Mộng, ông đã cố gắng hết sức trong công việc.
Chỉ trong vòng 3 năm, Kim Dung đã sáng tác các kịch bản điện ảnh Tuyệt đại giai nhân, Lan hoa hoa… có thể nói là biên kịch sản lượng cao.
Kim Dung đối với Hạ Mộng hết lòng hết dạ, chỉ tiếc Hạ Mộng đã sớm là hoa có chủ, ông chỉ có thể buồn bã ôm mối tình đơn phương.
Nữ minh tinh Hạ Mộng, người đã khiến Kim Dung si tình và ôm mối tình đơn phương - Ảnh: Weibo
Không lâu sau, Kim Dung rời khỏi công ty ảnh thị Trường Thành, mang theo nỗi buồn thất tình hoàn thành bộ tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp, những độc giả tinh ý phát hiện, nụ cười của Tiểu Long Nữ mà Kim Dung miêu tả trong tác phẩm Thần điêu đại hiệp dường như rất giống Hạ Mộng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận