Đĩa than Thanh âm Hà Nội do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (gọi tắt là Đài Hà Nội) vừa hoàn thành, nhân 70 năm thành lập đài, cũng là 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô.
Đặt 36 micro thu âm lễ thượng cờ
Trong những thanh âm được ghi lại trong đĩa Thanh âm Hà Nội, đặc biệt nhất có lẽ là bản thu tái hiện không khí lễ thượng cờ lúc 6h sáng ở quảng trường Ba Đình, nằm ở mặt B.
Kỹ sư âm thanh Nguyễn Duy Nghĩa - người trực tiếp tham gia kỹ thuật thu thanh và master đĩa - cho đây là một ý tưởng mới mẻ, bởi từ trước tới nay chưa có đơn vị nào thực hiện.
"Khó nhất là phải thu âm ở hiện trường thật với môi trường rất khắt khe về mặt kiểm soát an ninh.
Phải mô phỏng đúng vị trí và sự di chuyển của âm thanh tại hiện trường. Ngoài ra, quảng trường có diện tích rất lớn, để tái tạo được không khí trang nghiêm, thiêng liêng của lễ thượng cờ bằng âm thanh không phải dễ", anh nói.
Duy Nghĩa đã phải sử dụng tới 36 micro đặt xung quanh quảng trường Ba Đình và cần tới 16 kỹ thuật viên phụ trách 36 micro đó.
Thu âm thanh lễ thượng cờ lúc 6h sáng ở quảng trường Ba Đình - Ảnh: Đài Hà Nội
"Chúng tôi tái hiện không khí lễ thượng cờ từ tiếng bước đi của đoàn tiêu binh danh dự tới tiếng cờ bay, tới không khí trang nghiêm, linh thiêng trong khoảnh khắc chào cờ", anh nhớ lại.
Nguyễn Duy Nghĩa là người miền Nam, chưa có dịp dự lễ thượng cờ. Đây cũng là lần đầu tiên anh dự, nghe Quốc ca ở quảng trường Ba Đình. "Đó là bản Quốc ca hay nhất tôi từng nghe, tôi cố gắng đưa vào đĩa than Thanh âm Hà Nội", kỹ sư này nói.
Lưu lại Thanh âm Hà Nội theo cách rất Hà Nội
Tổng giám đốc Đài Hà Nội Nguyễn Kim Khiêm chia sẻ "đĩa Thanh âm Hà Nội ghi lại những thanh âm đã trở thành một phần ký ức của Hà Nội suốt 70 năm qua".
Đĩa than gồm 2 mặt. Mặt A là những ca khúc "không thể không có khi nhắc về Hà Nội".
Đó là Tiến về Hà Nội, ca khúc viết trước cả thời điểm 10-10-1954, cho thấy dự báo thiên tài của nhạc sĩ Văn Cao, sau này trở thành một phần tự hào của người Hà Nội.
Đó còn là Người Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, mang đậm giá trị và phong cách Hà Nội nhất; bản giao hưởng Ký ức tuổi thơ của Nguyễn Hữu Tuấn gắn với Hà Nội những năm tháng vất vả nhưng rất trong sáng. Có cả Hà Nội niềm tin và hy vọng của nhạc sĩ Phan Nhân, một ca khúc kinh điển, mỗi khi gian khó người Hà Nội lại hát vang.
Ở mặt B, ngoài bản thu lễ thượng cờ còn có Hiệu lệnh báo động phòng không thủ đô (từng vang lên trong 12 ngày đêm Hà Nội đánh máy bay Mỹ), Tiếng tàu điện Hà Nội, Nhạc hiệu Đài Hà Nội từ 1979, Nhạc hiệu Đài Hà Nội từ 2024...
Ông Khiêm cho biết đĩa được thực hiện trong 6 tháng, được thu bằng sự đầu tư, trau chuốt với chất lượng nghệ thuật cao nhất có thể có.
"Qua sản phẩm này, chúng tôi mong muốn cùng những người yêu Hà Nội ôn lại kỷ niệm và lưu lại những thanh âm của Hà Nội được lâu hơn, theo một cách rất Hà Nội", ông nói lý do ra đời đĩa than lẫn tên gọi của nó.
Về hình thức phát hành, chiếc đĩa than từng là một phần trong đời sống văn hóa của thủ đô. Chiếc đĩa than cũng từng lưu trữ những bản nhạc đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
"Ở thời điểm hiện tại khi âm nhạc số, những phương tiện số lên ngôi, đĩa than vẫn giữ được vị trí khá trang trọng trong lòng người yêu nhạc", đại diện đài nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận