Đại giáo chủ Ali Khamenei (trái) nghẹn ngào bên linh cữu tướng Qasem Soleimani - Ảnh: AFP
Trong đoạn video do Hãng tin AFP phát đi hôm nay 6-1, có thể thấy nhà lãnh đạo tối cao của Cộng hòa Hồi giáo Iran đã nghẹn ngào gần như không nói nên lời trước linh cữu vị tướng quyền lực được coi là cánh tay phải của ông.
Đứng bên đại giáo chủ Ali Khamenei còn có con trai của tư lệnh quá cố Qasem Soleimani; tướng Esmail Qaani, người vừa thay thế ông Soleimani; Chủ tịch quốc hội Ali Larijani; Tư lệnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thiếu tướng Hossein Salami.
Ông Qasem Soleimani đã bị máy bay không người lái của Mỹ sát hại ngày thứ sáu tuần trước (3-1) khi đang di chuyển trên xe gần sân bay quốc tế Baghdad.
Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei nghẹn ngào khóc thương, cầu nguyện bên linh cữu ông Qasem Soleimani, vị tướng vừa thiệt mạng trong chiến dịch không kích của Mỹ tại Iraq - Nguồn: AFP
Cũng trong sáng nay, hàng ngàn người dân Iran đã đổ ra chật kín các tuyến đường ở thủ đô Tehran để tiễn biệt thiếu tướng Qasem Soleimani, tư lệnh chỉ huy đơn vị đặc nhiệm Quds của lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, một người được họ tôn vinh như anh hùng dân tộc.
Giữ chặt trên tay những tấm hình chân dung của vị tướng quá cố, rất đông người dân tập hợp tại Đại học Tehran trước thời điểm đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei chủ trì buổi lễ cầu nguyện cho vị tướng bị ám sát.
Trong không khí se lạnh buổi sáng sớm, những phụ nữ mặc đồ đen bước đi bên những người đàn ông đang giơ cao các lá cờ ghi tên của các lãnh tụ Hồi giáo Shiite trong khi tiến về phía Đại học Tehran.
"Nước Mỹ phải chết". Một thiếu phụ cầm theo khẩu hiệu có dòng chữ này hòa vào dòng người.
Không khí tang thương bao trùm trên các con phố Tehran đã được phát trực tiếp trên sóng đài truyền hình quốc gia Iran. Băng tang đen cũng được gắn ở góc trái màn hình TV.
Trong diễn biến liên quan, cuối ngày 5-1, Iran tuyên bố tiếp tục rút lại nhiều hơn nữa những cam kết nước này từng đưa ra trong thỏa thuận hạt nhân P5+1 với các nước lớn. Thỏa thuận này vốn đã đối mặt với nhiều bất ổn kể từ sau khi Mỹ tuyên bố đơn phương rút khỏi vào tháng 5-2018.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận