10/04/2024 10:22 GMT+7

Đại gia sa chân chốn lao tù - Kỳ 5: Tỉ phú chơi sang thành kẻ đào tẩu nhục nhã

Tỉ phú Vijay Mallya (năm nay 69 tuổi) từng được biết đến là một trong những người Ấn Độ giàu nhất thế giới. Ông trùm hàng không với lối sống tiệc tùng xa hoa cuối cùng bị vỡ nợ, trở thành người phá sản và phải chạy ra nước ngoài.

Thời huy hoàng của tỉ phú Mallya bên cạnh các cô gái chân dài - Ảnh: thequint.com

Thời huy hoàng của tỉ phú Mallya bên cạnh các cô gái chân dài - Ảnh: thequint.com

Mallya chỉ quan tâm cuộc sống bản thân mà quên đi những lời hứa tốt đẹp đã từng nói với hàng ngàn khách hàng, nhân viên và các ngân hàng cho vay.

THE FINANCIAL EXPRESS

Gia thế sang giàu, 28 tuổi làm chủ tịch tập đoàn

Vijay Mallya chào đời trong gia đình có cha là doanh nhân Vittal Mallya, chủ tịch Tập đoàn United Breweries, gồm nhiều nhà máy bia và nhà máy chưng cất. Sau khi hoàn thành chương trình học ở Ấn Độ và Mỹ, ông tham gia công việc kinh doanh của cha và trở thành chủ tịch tập đoàn năm 28 tuổi.

Sau khi kế thừa tập đoàn của cha, ông bắt đầu mở rộng danh mục đầu tư, mạo hiểm lấn sân sang lĩnh vực hàng không với quyết định thành lập Hãng hàng không Kingfisher Airlines vào năm 2005.

Với chiến lược cung cấp các dịch vụ hạng sang và được nhiều nhân vật nổi tiếng ủng hộ, Kingfisher Airlines nhanh chóng phát triển thành một trong những hãng hàng không hàng đầu Ấn Độ. Kingfisher Airlines còn là biểu tượng của tầng lớp trung lưu đang lên của Ấn Độ và tính cách khoa trương của bản thân tỉ phú Mallya. Ngoài ra, ông còn sở hữu hoặc đồng sở hữu nhiều doanh nghiệp khác, trong đó có khách sạn East India và nhãn hiệu rượu Whyte and Mackay.

Vận hạn Mallya bắt đầu xuất hiện vào năm 2012. Vẻ ngoài hào nhoáng của Hãng hàng không Kingfisher Airlines đã che giấu nhiều khó khăn về tài chính. Mallya đã vay nhiều khoản tiền lớn từ các ngân hàng Ấn Độ để thực hiện chiến lược mở rộng bất chấp chi phí nhiên liệu tăng cao và tình hình cạnh tranh gay gắt từ các hãng hàng không giá rẻ.

Trong bối cảnh nợ nần chồng chất và luôn miệng than không đủ tiền trả nợ, ông vẫn sống theo kiểu vung tiền quá trán, tổ chức tiệc tùng xa hoa. Báo The Financial Express (Ấn Độ) đã liệt kê 11 món ăn chơi của Mallya như sau:

. Tại bữa tiệc sinh nhật lần thứ 50 vào năm 2005, ông đã mời danh ca Lionel Richie người Mỹ đến biểu diễn tại ngôi biệt thự sang trọng ở Goa.

. Đến sinh nhật lần thứ 60, ông đã mời "vua nhạc pop Latin" Enrique Inglesias người Tây Ban Nha đến biểu diễn.

. Tài trợ cho đội đua xe Force India (đội đua Công thức 1 đầu tiên ở Ấn Độ) với số tiền 97 triệu USD.

. Sở hữu dàn xe sang (có thời điểm lên tới 150 chiếc) bao gồm Porsche Boxter, Rolls Royce 204, Ferrari, Maserati.

. Trả 180.000 USD mua thanh kiếm cổ thế kỷ 18 của vua Tipu Sultan (sau này bị Anh thu giữ).

. Mua biệt thự ở Goa (được gọi là Kingfisher Villa) trị giá 10,8 triệu USD.

. Sở hữu đội máy bay phản lực tư nhân bao gồm Boeing 727, Gulfstream và Hawker 700.

. Mua khu nghỉ dưỡng Mabula Game Lodge (47 phòng) rộng 25.000 mẫu Anh ở Johannesburg (Nam Phi) với giá 6 triệu USD.

. Chi 61 triệu USD mua khu đất sang trọng Le Grand Jardin trên đảo Sainte-Marguerite ở Cannes (Pháp).

. Sở hữu trang trại ngựa Kunigal Stud Farm rộng 400 mẫu Anh ở bang Karnataka để nuôi ngựa đua.

. Chi hơn 112 triệu USD mua siêu du thuyền Indian Empress dài 95m vào năm 2006, một trong những du thuyền tư nhân lớn nhất thế giới. Ông còn sở hữu một du thuyền khác trị giá 3 triệu USD.

Mua cả siêu du thuyền Indian Empress dài 95m, ngày tàn Mallya phải bỏ trốn nhục nhã - Ảnh: blog.raynatours.com

Mua cả siêu du thuyền Indian Empress dài 95m, ngày tàn Mallya phải bỏ trốn nhục nhã - Ảnh: blog.raynatours.com

Làm thế nào đưa người đào tẩu về nước?

Hành động tiêu tiền như nước của ông chủ Mallya chẳng khác nào cú tát vào mặt các nhân viên chờ nhận tiền lương nhiều tháng chưa thanh toán và các ngân hàng đang mỏi cổ chờ trả nợ vay. Với nợ nần chồng chất vượt trên 90 tỉ rupee (1,08 tỉ USD) và không còn khả năng huy động vốn để duy trì hoạt động, năm 2013 Hãng hàng không Kingfisher Airlines ngừng hoạt động. Mallya phải từ chức chủ tịch.

Năm 2016, một tập đoàn ngân hàng Ấn Độ tuyên bố Mallya cố tình vỡ nợ và cáo buộc ông lợi dụng vị trí chủ tịch Kingfisher Airlines để bảo lãnh các khoản vay của ngân hàng Ấn Độ, sau đó chuyển tiền từ đây sang các tài khoản ở Anh. Ông còn bị cáo buộc sử dụng vốn vay để mua bất động sản ở Anh.

Trước nguy cơ bị bắt giữ, năm 2017 ông đột ngột rời khỏi Ấn Độ sang Anh. Dư luận lúc bấy giờ hết sức phẫn nộ. Chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực dẫn độ Mallya về nước với cáo buộc lừa đảo và rửa tiền. Ngày 5-1-2019, Mallya đã trở thành người đầu tiên bị tuyên bố là "kẻ đào tẩu" theo Luật về tội phạm kinh tế bỏ trốn năm 2018 của Ấn Độ. Đầu năm 2024, Ấn Độ đã cử một đội công tác đặc biệt tới Anh với mục đích đưa những kẻ đào tẩu như Vijay Mallya về nước.

Báo tài chính Finshots (Ấn Độ) nhận xét thật ra công tác đưa người đào tẩu về nước gặp không ít khó khăn vì nhiều lý do. Nếu có hiệp ước dẫn độ, quá trình dẫn độ người phạm tội từ nước ngoài về Ấn Độ vẫn có thể diễn ra rất chậm. Các quốc gia nơi người phạm tội ẩn náu phải có đủ chứng cứ để tin rằng người bị dẫn độ quả thật đã phạm tội như Ấn Độ cáo buộc, người bị dẫn độ không bị tước đoạt các quyền cơ bản của con người đồng thời được xét xử công bằng và miễn phí.

Do đó, khi Ấn Độ yêu cầu Anh dẫn độ một số kẻ đào tẩu, luật sư của họ thường đưa ra lập luận chung rằng điều kiện nhà tù ở Ấn Độ khá tệ nên sức khỏe của người bị dẫn độ có thể gặp nguy hiểm. Các tòa án ở Anh vẫn thường đồng tình với quan điểm này. Trên thực tế các nhà tù ở Ấn Độ đã quá tải, ngân sách phân bổ cho các nhà tù không đủ và nhà tù vẫn còn thiếu nhân viên y tế.

Hiện nay Mallya cư trú tại London (Anh) và đang tiến hành cuộc chiến pháp lý để tránh bị dẫn độ về Ấn Độ. Tài sản của ông ở Ấn Độ đã bị tịch thu để trả nợ nhưng trả hoàn toàn các khoản vay ngân hàng là điều khó thực hiện.

Từ trường hợp vỡ nợ của Vijay Mallya, báo The Financial Express nhận định đây là bài học vô giá cho các doanh nhân và là lời nhắc nhở thường xuyên về tính chất bất ổn cố hữu trong kinh doanh và ranh giới mong manh giữa tham vọng và kiêu ngạo. Cho dù thành công có rực rỡ đến đâu, đừng bao giờ phải đánh đổi bằng hành vi kinh doanh vô đạo đức và vô trách nhiệm với xã hội.

Thành công thực sự không phải đo lường bằng giàu có và danh vọng mà bằng lòng chính trực và thái độ tôn trọng xã hội nói chung.

Năm 2014, tòa án tối cao Anh đã từng từ chối dẫn độ công dân Anh Raymond Varley khi Varley bị Ấn Độ cáo buộc tội xâm hại tình dục trẻ em. Lý do là Varley già cả mắc bệnh tâm thần và sức khỏe có thể xấu đi nếu bị dẫn độ về Ấn Độ.

Năm 2017, tòa án Anh cũng đã từ chối dẫn độ Sanjeev Chawla (phạm tội dàn xếp trận đấu) với lý do nhà tù Tihar ở Ấn Độ rất kinh khủng nên có nguy cơ vi phạm nhân quyền. Ba năm sau Chawla mới bị dẫn độ. Đây là lần duy nhất Ấn Độ có thể dẫn độ người phạm tội từ Anh sau khi đã ký hiệp ước dẫn độ với Anh vào năm 1992.

-----------------------

Kỳ tới: Bôi trơn quan chức với "viên đạn bọc đường"

Mohammed Nuru - giám đốc Sở Công trình công cộng thành phố San Francisco - được mọi người gọi là "Ông Sạch" vì đã tâm huyết tạo dựng bộ mặt sạch sẽ cho thành phố. Đến khi ông bị bắt vì nhận hối lộ để bôi trơn các dự án bất động sản, nạn tham nhũng công tại San Francisco đã phơi bày ra ánh sáng.

Đại gia sa chân chốn lao tù - Kỳ 4: Vua dầu trộn Anthony Đại gia sa chân chốn lao tù - Kỳ 4: Vua dầu trộn Anthony 'Tino' De Angelis lừa cả 51 ngân hàng Mỹ

Trong gần hai thập niên, Anthony "Tino" De Angelis, vua dầu trộn, đã thao túng dầu đậu nành ở Mỹ với hàng loạt mưu ma chước quỷ như bồn chứa không có thật, hóa đơn giả, mánh khóe lũng đoạn thị trường và đã lừa được số tiền khổng lồ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp