22/02/2019 09:57 GMT+7

Đại đồn Chí Hòa - kỳ cuối: Hệ thống đồn trại Chí Hòa

TRẦN NHẬT VY
TRẦN NHẬT VY

TTO - Đại đồn Chí Hòa trên cơ sở mở rộng đồn Chí Hòa không phải là một đồn và cũng không phải là "một dãy đồn" như các tài liệu xưa đã nói. Đại đồn Chí Hòa là một hệ thống đồn trại với rất nhiều đồn kéo dài từ Phú Thọ đến Tân Bình.

Đại đồn Chí Hòa - kỳ cuối: Hệ thống đồn trại Chí Hòa - Ảnh 1.

Khu vực hồ Kỳ Hòa, quận 10 hiện nay không liên quan gì đến đại đồn Chí Hòa - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đại đồn Chí Hòa do Nguyễn Tri Phương mở rộng thuộc quận Tân Bình và hoàn toàn không liên quan gì đến quận 10 cả

Các đồn bót thời Nguyễn Tri Phương

Sau khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha hạ thành Gia Định đầu năm 1859, quân ta rút ra khỏi trung tâm Bến Nghé và Chợ Lớn và hình thành những đồn bót ở vùng ven Sài Gòn.

Những đồn bót riêng lẻ này đã liên kết lại thành một hệ thống đồn trại sau khi Nguyễn Tri Phương mở rộng đồn Chí Hòa thành đại đồn vào cuối năm 1860, đầu năm 1861.

Hệ thống đồn này kéo dài từ Cầu Kiệu (người Pháp gọi là cầu số 3) chạy đến Phú Thọ. Đối diện với phía Pháp là hệ thống chiến lũy các chùa kéo dài từ chùa Khải Tường đến chùa Cây Mai.

Đồn tiền của là hai đồn gồm tả và hữu nằm đối diện chùa Cây Mai chừng 400m, nay có thể là khu vực của Trường tiểu học Phú Thọ trên đường 3 Tháng 2 và khu vực trường đua Phú Thọ.

Người Pháp gọi đồn Tiền là "đồn Mồ Côi - Redoute". Đây cũng là nơi đầu tiên Pháp tấn công ngày 24-2-1861.

Sau lưng đồn Tiền nằm dọc theo đường Thiên Lý phía tây là hệ thống năm đồn vừa mở rộng nằm trên đất của làng Phú Thọ và làng Thạnh Hòa. Đồn kéo dài đến gần chợ Võ Thành Trang thuộc Bà Quẹo hiện nay.

Về hậu đồn cũng có hai đồn tả và hữu cách nhau vài chục thước, nằm trên đất làng Tân Sơn Nhì. Phía đông của đồn có thể cận con đường Bắc Hải hiện nay giáp giới giữa Tân Bình và quận 10.

Toàn bộ đại đồn đều nằm dọc ở phía nam đường Thiên Lý phía tây, đối diện là con rạch Nhiêu Lộc.

Đại đồn Chí Hòa - kỳ cuối: Hệ thống đồn trại Chí Hòa - Ảnh 3.

Ngày 25-2-1861, liên quân Pháp - Tây Ban Nha dàn trận đánh chiếm đại đồn Chí Hòa - Hình vẽ tư liệu

Mả thằng Tây

Người ở Bà Quẹo trước năm 1975 đều biết một chỗ gọi là "mả thằng Tây". Đây là một đài kỷ niệm nằm trên lề quốc lộ 1 thuộc phường 13, quận Tân Bình cũ, nay là cạnh trái của hàng rào cơ quan BCH quân sự quận Tân Bình trên đường Trường Chinh.

Đáng tiếc khi mở rộng đường Trường Chinh thì đài này đã bị dẹp bỏ nên không còn dấu vết gì cả. Theo Vương Hồng Sển thì "đài trận chiến Pháp - Nam ở Chí Hòa; đài Lareynière tại Tân Sơn Nhứt, dựa đường Sài Gòn đi Nam Vang.

Đài chiến trận này nay không rõ nằm đâu, riêng đài Lareynière tôi may mắn được biết". Chỉ có một chi tiết ông Vương Hồng Sển ghi không chính xác là đài nằm trên đất của làng Tân Sơn Nhì chớ không phải làng Tân Sơn Nhứt ở phía đối diện.

Đài kỷ niệm này ghi rõ tên và ngày tháng mất của người chôn dưới đó.

Trong địa chí tỉnh Gia Định được Hội Nghiên cứu Đông Dương thực hiện vào năm 1902 có ghi rõ: "Đến 8 giờ, quân Pháp làm chủ Chí Hòa. Trận đánh kéo dài hai ngày này làm nhiều lính Pháp bị thương và 30 người bị chết, trong đó một sĩ quan, trung úy hải quân Lareynière.

Người ta đã chôn binh lính trong một cái hố nằm giữa đồn Tả Hậu và tường thành của đồn hữu, và chôn ông Lareynière ở nơi ông đã ngã xuống".

Cứ theo ghi chép của quyển địa chí này, đồn Hậu gồm hai đồn gần nhau của đại đồn Chí Hòa nằm trên đất của làng Tân Sơn Nhì; và dấu vết của "mả thằng Tây" có thể suy đoán đại đồn Chí Hòa xưa, điểm cuối cùng nằm giáp Bà Quẹo.

Ở Tân Bình cũng có một con đường lạ. Đó là đường Trương Công Định! Xưa đó là một con đường đất đỏ, lớn và chạy thẳng từ đường cái ra... ruộng!

Mọi con đường dù ở nông thôn hay thành thị xưa nay đều dẫn tới một thôn xóm, làng mạc nào đó. Song đường Trương Công Định hiện nay, xưa lại chạy đến nơi không có nhà cửa chi cả!

Với những tài liệu có được, chúng tôi có thể đoan chắc rằng con đường này vốn là thành lũy của đồn Hậu thuộc đại đồn Chí Hòa xưa.

Nếu ước tính đại đồn dài khoảng 3km (3.000m), thì từ đường Trương Công Định đến khoảng qua ngã ba Ông Tạ độ vài trăm thước thì vừa ba cây số. Có thể khu vực các trạm phát tuyến của đài phát thanh Sài Gòn cũ cũng chính là mặt phía đông của đại đồn Chí Hòa.

Mặt bắc của đại đồn là rạch Nhiêu Lộc. Còn trung tâm đại đồn, mà người Pháp gọi là đồn Trung, nay nằm trong khu vực Bệnh viện Thống Nhất và khu dệt Bảy Hiền.

Phía trước (xem bản đồ đại đồn Chí Hòa do Pháp vẽ) là con đường đi về khu lăng mộ của Bá Đa Lộc, nay là vòng xoay Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ hay là vòng xoay Lăng Cha Cả.

Như vậy, đại đồn Chí Hòa do Nguyễn Tri Phương mở rộng từ đồn Chí Hòa, nằm ở phía nam đường Thiên Lý phía tây (Cách Mạng Tháng Tám - Trường Chinh) từ ngã ba Ông Tạ đến giáp Bà Quẹo, đều thuộc quận Tân Bình và hoàn toàn không liên quan gì đến quận 10 cả.

Đại đồn Chí Hòa - kỳ cuối: Hệ thống đồn trại Chí Hòa - Ảnh 4.

Mả thằng Tây - đài tưởng niệm trung úy hải quân Lareynière ở làng Tân Sơn Nhì

Thất bại vì thiếu hiểu biết

Đại đồn chứa đến hơn 30.000 người, gồm cả binh lính chuyên nghiệp và dân quân tự nguyện đánh giặc, song đã bị hơn 3.000 người đánh bại, 1 chọi 10, một cách thê thảm. Nhiều người chết hơn bất cứ trận đánh nào xưa nay.

Có một điều mà sử ta không ghi nhận là thất bại thảm hại này phần lớn là do sự thiếu hiểu biết của người cầm quân về vũ khí và chiến thuật của đối phương.

Sau thất bại của thành Gia Định đầu năm 1859, các tướng lãnh của nhà Nguyễn vẫn không thay đổi chiến thuật đánh với quân Pháp mà cứ dựa vào thành lũy. Do thụ động trong chiến đấu nên bị thất bại thê thảm.

Năm 1860, một nhóm dân quân dùng chiến thuật "du kích" đã giết được tên quan Ba Barbet ở gần chùa Khải Tường. Tại sao các tướng lại không dùng chiến thuật này để tấn công chúng mà cứ nằm trong thành lũy đợi chúng tấn công?

Mặt khác, trong khi vũ khí chiến tranh từ thời Gia Long đến Tự Đức, các nước đã tiến rất xa, rất nhanh, còn ta thì vẫn như xưa. cho thấy liên quân Pháp - Tây Ban Nha thắng ta cũng nhờ có vũ khí tốt, hiện đại hơn.

Thua vũ khí

Người lính Việt Nam cầm cây súng hỏa mai, đổ thuốc đạn vào dùng cây nhấn cho dẻ, bỏ viên đạn tròn vào rồi bấm cò chờ mồi thuốc cháy súng mới nổ.

Trong khi đó, người Pháp dùng súng đá lửa, chỉ cần bóp cò là đạn nổ ngay. Tốc độ bắn nhanh, súng lại dài hơn nên độ chính xác cao, nên khi đối mặt với kẻ thù ta chỉ có chờ chết!

Mặt khác, súng đại bác của Pháp hiện đại hơn đại bác của ta. Pháp có cả "trái nổ" tức lựu đạn... Những vũ khí này đã "hớp hồn" những người lính Việt, và tiêu diệt sức lực của quân ta dù núp sau những thành lũy tưởng là vững chắc.

Dù yêu nước đến mấy cũng không thể lấy thịt da ra chống chọi với thuốc nổ và đạn pháo của kẻ thù!


TRẦN NHẬT VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp