Phóng to |
Bị cáo Huyền Như tại buổi xét xử chiều 10-1 - Ảnh: Hữu Khoa |
Trước đó, 31 luật sư gửi câu hỏi cho Vietinbank liên quan đến trách nhiệm của đơn vị này. Trong đó luật sư Lưu Văn Tám đã gửi 18 câu hỏi đến đại diện Vietinbank.
Năm luật sư lần lượt thẩm vấn các bị cáo và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Bị cáo Nguyễn Thiên Lý phủ nhận việc dọa đánh Huyền Như và bị cáo Phạm Văn Chí được HĐXX cho về chăm mẹ.
Cho bị cáo Chí về chăm mẹ
Bị cáo Phạm Văn Chí (37 tuổi), bị khởi tố vì tội cho vay nặng lãi. Sau khi trả lời các câu hỏi của luật sư bào chữa cho mình, Chí đã trình bày rằng mẹ của bị cáo bị đột quỵ bởi lo lắng cho bị cáo và đang được cấp cứu trong bệnh viện và xin được về chăm sóc mẹ. Đề nghị này của Chí đã được HĐXX xem xét tại chỗ và cho Chí về chăm sóc mẹ ngay trong giờ giải lao.
Là bạn học đại học cùng Huyền Như, bị cáo Chí cũng là nhân viên của ngân hàng Vietinbank. Chí không có tiền cho Như vay nên Như mượn giấy tờ một căn nhà của Chí để mang đi cầm cố lấy tiền. Cáo trạng của VKS cáo buộc Chí đã hưởng lợi bất chính từ việc cho vay nặng lãi là 5,9 tỷ đồng. Chối bỏ điều này, Chí cho rằng mình không có tiền, việc để có số tiền phát sinh là 5,9 tỷ là người khác cho Như vay mà Chí chỉ là người giới thiệu. Việc cơ quan điều tra kê biên tài sản của Chí là không đúng và Chí đề nghị HĐXX xem xét trả lại nhà cho mình.
Bị cáo Nguyễn Thiên Lý: không dọa đánh Huyền Như
Trước đó, trong phần thẩm vấn buổi chiều, năm luật sư đã đặt các câu hỏi liên quan đến vấn đề cho vay nặng lãi của các bị cáo Đào Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Thiên Lý… Trả lời luật sư, các bị cáo này đều không xác nhận toàn bộ số tiền mà cáo trạng cáo buộc đã thu lợi bất chính.
Bị cáo Nguyễn Thiên Lý cho biết quen Huyền Như từ năm 2007 nhưng đến năm 2009 mới bắt đầu giao dịch tiền bạc với Như. Phủ nhận cáo buộc của cáo trạng cho rằng mình đã thu lợi bất chính lên đến hơn 700 tỷ đồng, bị cáo Lý khẳng định đến thời điểm này, Huyền Như vẫn còn nợ Lý số tiền lên tới 250 tỷ đồng.
Bị cáo Lý cũng phủ nhận lời khai của Huyền Như là mình đã dọa dẫm đập bể mặt Như nếu không trả nợ dẫn đến việc Như phải đi lừa đảo. Bị cáo Lý khẳng định, sau khi cùng nhau đầu tư bất động sản và cổ phiếu nhưng làm ăn khó khăn, Lý đã yêu cầu Như thôi và rút vốn. Đến tháng 3-2011, Võ Anh Tuấn được bổ nhiệm làm giám đốc Vietinbank Nhà Bè, Như và Tuấn đã gặp Lý nhờ kêu gọi vốn cho chi nhánh nên Lý đã về nhà nói với người thân trong gia đình gửi tiền vào Vietinbank với số tiền lên tới 150 tỷ. “Nếu bị cáo dọa đập nát mặt Như thì đã không về nhà nói người thân của mình gửi thêm tiền vào chi nhánh Nhà Bè. Bởi vậy lời khai của Như hôm trước là không đúng” bà Lý nói.
Vấn đề trả lời của Vietinbank ra sao nhận được nhiều sự quan tâm của các luật sư và những người liên quan. HĐXX nhắc Vietinbank ghi chép đầy đủ câu hỏi và đối chiếu với thư ký, trả lời nghiêm túc tất cả các câu hỏi của luật sư.
Trước giờ nghỉ giải lao, luật sư Lưu Văn Tám đã gửi 18 câu hỏi đến đại diện Vietinbank. Tổng cộng 31 luật sư gửi câu hỏi cho Vietinbank. VietinBank đang trả lời câu hỏi của các luật sư liên quan đến trách nhiệm của đơn vị này.
Đại diện Vietinbank lại trả lời bằng tư cách cá nhân
Trả lời với tư cách cá nhân, đại diện VietinBank bị luật sư yêu cầu hoãn phiên tòa.
Người được cho đại diện Ngân hàng VietinBank đã không giới thiệu tên là gì, chức vụ ở đâu, chỉ cho biết tôi là đại diện của VietinBank và nói rằng mọi ý kiến đều đứng trên quan điểm cá nhân chứ không phải là quan điểm của VietinBank. Bởi vậy, khi trả lời các câu hỏi của luật sư, đại diện VietinBank đã đọc bằng văn bản các câu hỏi và câu trả lời.
Và các câu hỏi của các luật sư đã không được trả lời đầy đủ (18 câu hỏi của luật sư Tám không được trả lời một câu hỏi nào). Ngay sau phần trả lời 4 câu hỏi chung chung chối bỏ trách nhiệm, đọc quyết định 1284 của Ngân hàng Nhà nước và các văn bản liên quan đến ngành tài chính ngân hàng, đại diện ngân hàng VietinBank khiến các luật sư bức xúc. Ngay sau khi đại diện VietinBank kết thúc phần trả lời bằng cách đọc văn bản của mình, các luật sư đã liên tục phản đối.
Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của 3 công ty Phúc Vinh, Hưng Yên, Thịnh Phát không đồng tình với cách trả lời này nên yêu cầu HĐXX không chấp nhận tư cách trả lời của đại diện Ngân hàng VietinBank.
Ngay sau phần ý kiến của luật sư đại diện ba công ty luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Phạm Anh Tuấn) cũng đề nghị HĐXX xem xét lại tư cách của người đàn ông tự xưng là đại diện của VietinBank, bởi các luật sư không hỏi người này với tư cách cá nhân.
Còn luật sư Trương Thanh Đức đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để triệu tập đại diện VietinBank. Luật sư Nguyễn Đình Chấn xin rút lại các câu hỏi đã đặt ra.
Sau phản đối dữ dội của các luật sư tại tòa, đại diện VietinBank đã nói lại rằng, “tôi trả lời với tư cách đại diện VietinBank”. Tuy nhiên, câu khẳng định thêm này của người đàn ông kia không làm dịu đi sự bức xúc của các luật sư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận