Khó có thể tính hết những thiệt hại cho đến nay ở Việt Nam, với 39 bệnh nhân nhiễm corona chủng mới; hàng triệu học sinh, sinh viên đang nghỉ học và chưa hẹn ngày quay trở lại trường; doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ và hàng không...
Chỉ tính riêng những thiệt hại phát sinh liên quan đến bệnh nhân thứ 17 cũng đã rất lớn, với 1 bệnh viện, 1 khu phố bị phong tỏa, 66 hộ gia đình xung quanh phải đi cách ly, thiệt hại hàng ngàn ngày công lao động, chưa kể chi phí mà ngân sách phải chi cho xe chở các gia đình này đi và về, chi thực phẩm và các bữa ăn cung cấp miễn phí...
Thế nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất chưa chu toàn trách nhiệm công dân - trách nhiệm xã hội trong mùa dịch. Tại Bình Dương đã có một phụ nữ từ vùng dịch ở Hàn Quốc về Việt Nam, trốn cách ly và livestream về chiêu thức của mình.
Ở Quảng Trị, lãnh đạo công ty điện gió cử nhân viên đi... cách ly thay. Một "người nổi tiếng" khác phát biểu rằng muốn ra khỏi khu cách ly vì thấy ngột ngạt.
Trong những ngày "người nổi tiếng" này tự cách ly ở nhà, anh ta thường xuyên đến các quán trà, bánh, tiệm ăn, sự kiện... một cách tùy tiện, thiếu hiểu biết.
Chính vì thế trong mùa dịch này, chưa bao giờ người ta nói về ý thức và trách nhiệm công dân nhiều đến như vậy. Nếu bệnh nhân thứ 17 khai báo sớm việc đã đi qua vùng dịch trong vòng 14 ngày, cô sẽ được cách ly tập trung và sẽ được phát hiện tình trạng bệnh rất sớm.
Tuy nhiên cô đã không khai báo rõ thông tin này, nên dù đã tự cách ly tại nhà, cô vẫn làm lây nhiễm cho 2 người nhà. Đó là chưa kể việc ghi nhận bệnh nhân trở lại đã khiến người dân gia tăng sự bất an, cả thành phố náo loạn trong một đêm dài...
Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, một chuyên gia y tế nói mấu chốt trong phòng tránh dịch bệnh là người dân phải nắm được cơ chế lây truyền bệnh và tuân thủ các biện pháp phòng bệnh của Bộ Y tế.
Thiệt hại trong 2 tháng có dịch COVID-19 cho đến nay rất lớn. Mỗi một ca mắc mới lại kéo theo hàng loạt hệ lụy như thêm người đi cách ly, người giám sát, các chi phí kèm theo và cả nỗi sợ gia tăng trong dân chúng, kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên...
Trong khi chúng ta cần sớm kiểm soát tốc độ lây lan, cách ly ca nhiễm và người có tiếp xúc để sớm có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.
Hôm qua 11-3, hàng trăm trong số trên 700 người qua 14 ngày cách ly tại Hà Nội đã được trở về với gia đình. Nhiều dòng thư xúc động được gửi lại, trong số đó có người viết: "Tổ quốc không bao giờ bỏ rơi chúng ta".
Dòng thư thấm đẫm sự biết ơn vì đã được chăm sóc rất tốt trong 14 ngày cách ly. Vâng, thể hiện trách nhiệm của mình với Tổ quốc trong mùa dịch này, trước hết là hãy thông tin trung thực hành trình, khai báo y tế và đi cách ly đúng quy định, để ngày bình thường sớm trở lại...
Thăm dò ý kiến
Với những trường hợp khai báo y tế gian dối liên quan đến dịch COVID-19, theo bạn nên
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận