02/12/2024 12:24 GMT+7

'Đại dịch' cô đơn không chỉ lây lan ở Hàn Quốc

"Đại dịch" cô đơn đang lan rộng tại Hàn Quốc, đặc biệt trong giới trẻ, với khoảng 70% số người dân ở xứ sở kim chi thường xuyên cảm thấy cô đơn.

Khi cô đơn không còn là chuyện của một người - Ảnh 1.

Một người đàn ông đi bộ trên vỉa hè ở Seoul - Ảnh: AFP

Trước thực trạng này, tuần qua Chính phủ Hàn Quốc đã khởi động dự án Diễn ngôn văn hóa cùng nhiều sáng kiến khác nhau nhằm cậy nhờ vào văn hóa như một phương thuốc chữa lành tâm hồn, với khoản đầu tư lên tới 451,3 tỉ won (gần 330 triệu USD) trong 5 năm tới.

Chuyện của Hàn Quốc

Theo khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, cứ 10 người dân nước này lại có 7 người thường xuyên trải qua cảm giác cô đơn. Đáng chú ý, có khoảng 340.000 người trẻ đang sống trong tình trạng cô lập, gây tổn thất về mặt xã hội lên tới 7.500 tỉ won (5,4 tỉ USD) mỗi năm, theo báo Korea Joongan Daily. Tại thủ đô Seoul, tình hình càng đáng lo ngại hơn khi cứ 4 người cao tuổi thì có 1 người sống một mình, theo khảo sát năm 2022.

Từng được xếp hạng là thành phố hạnh phúc nhất thế giới vào năm 2016, hiện nay tình trạng "cái chết cô đơn" lại đang trở thành vấn đề nghiêm trọng tại thủ đô Seoul. Số liệu cho thấy năm ngoái đã có 3.661 trường hợp tử vong do cô đơn, tăng nhẹ so với 3.559 trường hợp vào năm 2022.

Tạp chí The Week dẫn phân tích của giáo sư An Soo Jung thuộc Đại học Myongji chỉ ra rằng vấn đề này có liên quan mật thiết đến đặc trưng văn hóa của Hàn Quốc. 

Người dân nước này thường định nghĩa bản thân trong mối tương quan với người khác, dẫn đến cảm giác cô đơn sâu sắc khi họ cảm thấy không tạo được tác động đáng kể nào đến xã hội. 

Văn hóa cạnh tranh và định hướng thành tích của Hàn Quốc cũng góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề này. Năm 2022 có tới 244.000 người trẻ rơi vào tình trạng "hikikomori" - sống ẩn dật và tự cô lập hoàn toàn khỏi xã hội.

Trước tình hình đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã phát động dự án Diễn ngôn văn hóa - nhằm sử dụng các hoạt động văn hóa như một phương thức chống lại sự cô đơn và tăng cường kết nối xã hội. 

Trang Azernews dẫn lời Bộ trưởng Yoo In Cho: "Chúng tôi sẽ khai thác sức mạnh tích cực của văn hóa để nâng cao hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống của người dân, đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội khác nhau".

Tại Seoul, Thị trưởng Oh Se Hoon đã công bố kế hoạch biến Seoul thành "thành phố không cô đơn". Kế hoạch này bao gồm nhiều sáng kiến đột phá như thành lập tổng đài tư vấn 24/7 và dịch vụ tư vấn AI qua ứng dụng KakaoTalk với đội ngũ tư vấn viên là những người đã từng vượt qua nỗi cô đơn; xây dựng 4 trung tâm tư vấn offline theo mô hình cửa hàng tiện lợi, với kế hoạch mở rộng trong những năm tới; triển khai chương trình "365 Seoul Challenge" với hệ thống tích điểm thưởng cho người tham gia các sự kiện văn hóa của thành phố như đọc sách tại thư viện ngoài trời ở quảng trường Seoul; tổ chức các lớp học nấu ăn, kết nối cộng đồng và cung cấp suất ăn cho người độc thân trung niên; thành lập 100 trung tâm dành cho người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên, tổ chức các lớp tập thể dục và cơ hội giao lưu...

Và vấn đề toàn cầu

Trong bài viết ngày 6-12-2023 trên tạp chí Stanford Social Innovation Review, ông Paul Cann - giám đốc Sáng kiến toàn cầu về sự cô đơn và kết nối - đã phân tích các sáng kiến giảm cô lập xã hội trên toàn cầu và nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này như một thách thức sức khỏe cộng đồng.

Theo đó tại Anh, tổ chức từ thiện Age UK sử dụng bản đồ nhiệt để xác định khu vực có tỉ lệ cô đơn cao, hỗ trợ chính quyền tập trung nguồn lực hiệu quả. Trong khi đó, chương trình "Băng ghế tình bạn" tại Zimbabwe, cung cấp tư vấn tâm lý miễn phí tại các băng ghế chờ (đã được áp dụng ở nhiều quốc gia như Malawi và Canada). Theo thống kê, 60% người tham gia cho biết đã cải thiện chất lượng cuộc sống và 80% giảm ý định tự tử.

Phương pháp "kê đơn thuốc xã hội" hiện được áp dụng tại 24 quốc gia, giúp kết nối bệnh nhân với các hoạt động như nghệ thuật, thể dục và các hoạt động ngoài trời, góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần và tăng cường kết nối xã hội.

Tại Nhật Bản, dịch vụ tư vấn trực tuyến Ibasho Chat cung cấp sự hỗ trợ ẩn danh cho những người cảm thấy cô đơn thông qua trò chuyện trực tuyến. Ở Úc, sáng kiến Men's Sheds đã tạo ra các trung tâm cộng đồng cho những người đàn ông nghỉ hưu. Tại đây, họ sử dụng kỹ năng của mình để sáng tạo sản phẩm thủ công, đồng thời duy trì kết nối xã hội và sức khỏe tinh thần. Kể từ khi thành lập vào những năm 1990, chương trình này đã mở rộng với khoảng 3.000 nhóm tại 12 quốc gia.

Song song với các sáng kiến cộng đồng, nhiều chính phủ cũng đã ban hành các chính sách và chiến lược để đối phó với vấn đề cô đơn. Năm 2018, Chính phủ Anh giới thiệu chiến lược "Một xã hội kết nối" nhằm giảm bớt sự kỳ thị khi nói về cô đơn và hỗ trợ tài chính cho các chương trình chống cô đơn tại địa phương. Nhật Bản cũng đã thông qua luật thúc đẩy các biện pháp chống cô đơn và cô lập, trong khi Đan Mạch giới thiệu chiến lược quốc gia với 75 hành động liên ngành nhằm giải quyết vấn đề này.

Khi cô đơn không còn là chuyện của một người - Ảnh 2.Chết một mình trong cô đơn gia tăng ở Hàn Quốc

TTO - Báo cáo công bố ngày 14-12 của Bộ Phúc lợi Hàn Quốc cho biết trong năm qua, nước này có hơn 3.300 người chết trong cô đơn, chiếm tỉ lệ 1,1% trong tổng số 317.680 ca tử vong trong năm 2021.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp