Khu trải nghiệm Big Sun nằm ngay bên bờ sông Đa Độ, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng được xây dựng hoàn toàn trên đất nông nghiệp - Ảnh: TIẾN THẮNG
Nằm bên bờ sông Đa Độ, cả một khu đất "bờ xôi ruộng mật" rộng khoảng 6ha tại xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng đã bị biến thành khu du lịch sinh thái không phép với những công trình kiên cố, gồm nhà nghỉ dưỡng, hồ bơi vô cực, khu dịch vụ ăn uống, khu sinh thái trải nghiệm và tổ chức sự kiện ngoài trời... kinh doanh thu tiền.
Đất nông nghiệp thành khu trải nghiệm tự phát
Theo chỉ dẫn được quảng cáo trên mạng xã hội, chúng tôi đến trung tâm huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Từ đây, rẽ về hướng xã Hữu Bằng chỉ chừng 1km là bắt gặp tấm biển chỉ dẫn vào khu trải nghiệm Big Sun được giới thiệu thuộc hàng "đẳng cấp" nhất thành phố cảng.
Muốn vào trong khu trải nghiệm, du khách phải mua vé với mức giá 150.000 đồng/người/lượt (miễn phí cho trẻ nhỏ dưới 1 mét) để qua "chốt" kiểm soát được lập ngay tại cổng ra vào. Phía bên trong là các khu vực bar, cà phê, nhà cho thuê nghỉ dưỡng với mức giá dao động từ 800.000 - 1,5 triệu đồng, tùy theo nghỉ ngày hoặc qua đêm.
Tại khu trải nghiệm này mọc lên hàng loạt công trình quy mô, đến nay chưa được bất kỳ cơ quan chức năng nào của Hải Phòng thẩm định, cấp phép - Ảnh: TIẾN THẮNG
Theo người dân địa phương, chủ đầu tư công trình là một đại gia trên địa bàn. Từ năm 2019, người này đã bỏ ra một số tiền lớn để xây dựng lên khu dịch vụ ăn uống, khu sinh thái trải nghiệm như hiện nay.
Tại đây, ngoài hệ thống căn nhà nghỉ dưỡng, các hạng mục hồ bơi, khu vui chơi giải trí gồm cả trò chơi mạo hiểm như đạp xe trên không, nhảy Tarzan, xích đu mạo hiểm, leo vách núi cũng được đưa vào hoạt động dù chưa được bất kỳ cơ quan chức năng nào của Hải Phòng thẩm định, cấp chứng nhận an toàn.
Do là khu trải nghiệm tự phát, khu du lịch này cũng chưa được Sở Du lịch Hải Phòng công nhận là điểm du lịch để có thể đón khách tham quan.
Trong khu trải nghiệm có nhà để du khách thuê nghỉ dưỡng - Ảnh: TIẾN THẮNG
"Không hiểu vai trò, trách nhiệm của chính quyền ở đâu khi để cá nhân tự thay đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trong suốt một thời gian dài ở ngay sát trụ sở UBND huyện, xã mà vẫn hoàn thiện, đi vào hoạt động rầm rộ. Cùng vi phạm, có những người khác làm quy mô chỉ vài chục m² trên đất nông nghiệp là đã bị lập biên bản, đập bỏ ngay", ông Vũ Duy Phong (43 tuổi, trú tại huyện Kiến Thụy) đặt vấn đề.
Chính quyền "mắt nhắm mắt mở" cho tồn tại?
Để làm rõ những vi phạm liên quan khu trải nghiệm Big Sun tại xã Hữu Bằng, chúng tôi liên hệ với ông Nguyễn Văn Tuấn - chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy. Vị này đề nghị chúng tôi làm việc với Phòng tài nguyên và môi trường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Thái Quyến - phó trưởng Phòng tài nguyên và môi trường huyện Kiến Thụy - xác nhận khu trải nghiệm Big Sun được xây dựng trên đất nông nghiệp, hoạt động trái với mục đích sử dụng đất.
Theo ông Quyến, ngày 16-4, UBND huyện Kiến Thụy đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 22,5 triệu đồng đối với chủ đầu tư công trình là bà Vũ Thị Lan Anh (44 tuổi, trú tại xã Hữu Bằng) do tự chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Loạt công trình kiên cố trên đất nông nghiệp chỉ cách UBND huyện Kiến Thụy, Hải Phòng chừng 1km, dù phải mất nhiều năm xây dựng nhưng đến nay cũng đã hoàn thiện đi vào hoạt động - Ảnh: TIẾN THẮNG
Ngoài việc bị phạt tiền, quyết định cũng nêu rõ trong thời hạn 10 ngày, chủ đầu tư phải khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước thời điểm vi phạm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 8 tháng trôi qua, chủ đầu tư dù đã nộp phạt nhưng khu trải nghiệm vẫn tồn tại, các hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường.
Nói về vấn đề này, ông Quyến cho biết huyện đang giao chính quyền xã tiếp tục "vận động" chủ đầu tư chấp hành. Tuy nhiên vị lãnh đạo Phòng tài nguyên và môi trường im lặng khi được hỏi về thời gian "vận động" sẽ kéo dài đến khi nào, và địa phương có cưỡng chế hay không nếu chủ đầu tư vẫn tiếp tục chây ì không chấp hành.
Gần 195ha đất nông nghiệp tại Hải Phòng bị lấn chiếm, xây dựng trái phép
Để bảo vệ, quản lý đất nông nghiệp không bị lấn chiếm, xây dựng trái phép và thay đổi mục đích sử dụng, UBND TP Hải Phòng đã ban hành thêm quyết định số 19/2019/QĐ-UBND về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Theo quyết định này, cán bộ công chức địa chính - xây dựng cấp xã, phường được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn, tiếp nhận thông tin phản ánh việc người dân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lập biên bản vi phạm, báo cáo chính quyền địa phương.
Lực lượng thanh tra viên các Sở Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng có chức trách tương tự. Ngoài ra, cán bộ công chức các phòng quản lý đô thị thuộc UBND quận và phòng tài nguyên và môi trường thuộc UBND các huyện được giao nhiệm vụ quản lý chuyên môn, trật tự xây dựng.
Hải Phòng cũng gắn trách nhiệm chủ tịch UBND cấp xã, phường phải chịu trách nhiệm toàn diện về việc để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Trong trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền xử lý phải chuyển hồ sơ, đề xuất chủ tịch UBND cấp quận, huyện xử lý...
Dù các quy định ban hành rất chặt chẽ, đầy đủ nhưng thực tế tình trạng đất nông nghiệp bị chiếm dụng, sử dụng trái phép, bị biến thành đất ở vẫn diễn ra với quy mô, tính chất ngày càng phức tạp.
Qua thống kê, hiện nay trên địa bàn Hải Phòng có hơn 194,7 ha đất nông nghiệp bị lấn chiếm, xây dựng trái phép. Tỉ lệ xử lý, khắc phục hậu quả đạt được cũng rất thấp, chỉ bằng 0,03% số diện tích đất nông nghiệp bị lấn chiếm, xây dựng trái phép.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận