Phóng to |
Martin Freeman trong vai anh chàngngười lùn “siêu trộm” Bilbo Baggins trong The Hobbit 2 - Ảnh: IMDB |
Được xem là tác phẩm “ăn theo” của Lord of the Rings (từng đem về 3 tỉ USD doanh thu ở thời điểm 10 năm trước và phần cuối cùng The Returns of the Kings đã “càn quét” giải Oscar năm đó với 11 tượng vàng trong đó có giải Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất) bởi The Hobbit quy tụ nhiều diễn viên từng đóng Lords of the Rings, tạo hình của các nhân vật chung cũng không thay đổi nhiều…
Bởi thế, lúc đầu, bộ phim mới không nhận được quá nhiều kỳ vọng của khán giả bởi đã có phần lớn phim “ăn theo” bị rơi vào tình cảnh càng làm càng... dở.
Hơn nữa, việc chuyển thể cuốn sách dày hơn 300 trang của nhà văn J. R. R. Tolkien thành ba bộ phim với thời lượng khoảng 3 giờ/phim cho thấy Peter Jackson khá tham lam, làm khán giả trung thành của ông không khỏi lo ngại về chất lượng và tính thu hút của nó.
Bởi thế, phần hai The Desolation of the Smaug (khởi chiếu từ ngày 3-1) ra mắt trong không khí khá lặng lẽ so với các phim bom tấn khác của năm 2013 như The Great Gatsby, Iron Man 3, Oblivion…
Mở đầu phần hai, Peter Jackson nhắc lại mục đích của chuyến phiêu lưu: phù thủy Gandalf the Grey (Ian McKellen đóng) thuyết phục Thorin Oakenshield (Richard Armitage thủ vai), truyền nhân cuối cùng của Vua những người lùn Hobbit, tìm kiếm viên đá Arkenstone để khôi phục lại vương quốc này.
Điều khó khăn nhất là viên đá quý báu này đang nằm ở ngọn núi Cô Đơn (Lonely Mountain) và được canh gác bởi con rồng hung tợn Smaug. Sau đó, phim tiếp tục kể về cuộc hành trình của thủ lĩnh Thorin và những người lùn trong đó có anh chàng “siêu trộm” Bilbo Baggins (Martin Freeman thủ vai) trên con đường đầy gian lao của chuyến phiêu lưu.
Họ bị truy đuổi bởi bọn quái vật Orc, tay sai của Chúa tể bóng tối Sauron, và vô vàn những chướng ngại nguy hiểm và kỳ quái.
Nếu phần một của phim bị cho khá nhàm chán với nhịp điệu chậm rãi và cách kể chuyện dài dòng (càng cho thấy việc có đến ba phần The Hobbit là dư thừa) thì phần hai đã khắc phục được những khiếm khuyết đó. Các nhân vật chính liên tục đối đầu với những thử thách nguy hiểm và các sự kiện kỳ bí, buộc họ phải chiến đấu để sinh tồn và tiếp tục tiến lên.
Vậy nên, nhịp phim diễn ra trong không khí rầm rập, bên cạnh đó là những giây phút căng thẳng, nghẹt thở mà đỉnh cao là cuộc đụng độ của 13 người lùn với con rồng Smaug.
Những ai từng là fan hâm mộ của Lords of the Rings có thể tìm lại cảm giác hồi hộp theo dõi và chờ đón được khám phá vùng đất của những điều kì dị chết người lẫn ảo diệu phi thường. Đây là điểm cộng lớn nhất dành cho đạo diễn Peter Jackson sau khi được đánh giá không mấy cao ở phần đầu của The Hobbit.
Thêm vào đó, dù cũng có độ dài phần một và hai tương đương nhau nhưng người xem sẽ cảm thấy The Desolation of the Smaug dễ tiếp nhận hơn bởi mục tiêu của chuyến đi được thể hiện rất rõ ràng.
Ở phần đầu, lý do để khởi đầu cuộc phiêu lưu của những người lùn được làm khá gượng ép và khi xem xong phim, khán giả còn khá lờ mờ chẳng hiểu rốt cục cuộc hành trình ấy đã đưa các nhân vật đi đâu, để làm gì. Một số người còn nói vui rằng, đó là lý do phim có tên Hành trình vô định.
Tuy nhiên, Peter Jackson đã không phạm phải sai lầm này một lần nữa với The Desolation of the Smaug.
Đặc biệt, với sự hỗ trợ của công nghệ 3D và kỹ thuật quay hình High Frame Rates (48 hình/giây thay vì 24 hình/giây truyền thống), cảnh sắc của phim được vẽ ra vô cùng kỳ vĩ, hoành tráng giúp trải nghiệm của khán giả ở thế giới giả tưởng này thêm phần độc đáo.
Sẽ có nhiều lý do làm The Hobbit không thể thành công về cả mặt thương mại và giải thưởng như Lords of the Rings nhưng không thể phủ nhận phần hai The Desolation of the Smaug là một bộ phim hay, có chất lượng và đáng xem đối với những ai thích phim giải trí lẫn nghệ thuật. Phần ba và cũng là phần cuối của phim dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 12-2014. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận