Danny Ramadhan tranh thủ giới thiệu về bản đồ nước Indonesia khi ăn xúp cua trứng bắc thảo cùng bạn bè người Việt Nam - Ảnh: BÌNH MINH
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nhiều bạn trẻ đến từ các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản cho biết họ sẽ nhớ rất nhiều về những món ăn đậm đà hương vị mà những ba nuôi, mẹ nuôi nấu, những góc phố ồn ào, bụi bặm nhưng cũng rất đời thường, và nhớ nhất những tình cảm chân thành, nồng ấm khiến họ cảm thấy như đang ở nhà.
Phá lấu bò, bún đậu mắm tôm và ốc hấp
"Tôi thấy mình may mắn thật đấy. Tôi rất biết ơn vì gia đình nuôi đã cho tôi được sống như người dân địa phương", chàng trai 22 tuổi Donny Ramadhan nói.
Cầm ly nước mía, thoăn thoắt rảo bước trên con hẻm trong chợ Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận), Donny chốc chốc lại hỏi chúng tôi về những món ăn hay loại trái cây được bày bán bên lề đường. Cách đó ít phút, anh bạn người Indonesia này còn ngồi ăn xúp cua trứng bắc thảo và bò bía ở một xe bán hàng rong.
Chỉ sau một ngày dừng chân tại TP.HCM, Danny đã được nếm thử lẩu hải sản, gà nướng mật ong, uống trà sữa, ăn ốc bươu và nghêu hấp, bún đậu mắm tôm, chả cá, bánh cam… Trong đó, món để lại cho Danny ấn tượng thú vị là phá lấu bò. Món khiến anh sợ nhất là hột vịt lộn.
"Tôi không nghĩ rằng người ta có thể lấy đồ lòng của bò để làm ra thành một món ăn. Tuy hơi khó nhai một chút vì dai, nhìn chung gia vị rất ngon, tôi rất thích. Tôi có nghe bạn bè mình nói nhiều về hột vịt lộn và tôi thấy sợ nên không dám thử", anh cười.
Danny Ramadhan (phải) mua chả cá ở chợ Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận) - Ảnh: BÌNH MINH
Lần đầu tiên đến Việt Nam, Danny không khỏi bỡ ngỡ khi nhìn thấy cuộc sống náo nhiệt với nhiều điểm mới lạ. Anh bạn trẻ này chú ý đến những ngôi nhà cao tầng trông như những khối hộp vuông vức, tiếng kèn xe inh ỏi vào giờ tan tầm và cả sự gần gũi trong gia đình của người dân Việt Nam.
"Gia đình ở Việt Nam có nhiều họ hàng, con cháu lui đến, trong khi tại Indonesia một nhà chỉ có vài người ở. Tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy nhiều người chạy xe máy với vận tốc khá nhanh trong khu đô thị và họ chẳng ngần ngại bóp kèn inh ỏi để xin đường", Danny nhớ lại.
"Tất cả đều là những trải nghiệm để chúng tôi học hỏi và trưởng thành. Chúng tôi đến với với tâm thế chia sẻ và chấp nhận lẫn nhau chứ không đánh giá về bất cứ điều gì. Mục tiêu của chương trình cũng là để trải nghiệm nên tôi rất thích được sống như người dân địa phương. Đây là cách tốt nhất để hiểu về một quốc gia", anh bộc bạch.
Ăn ốc tại một quán nhỏ trong chợ - Ảnh: BÌNH MINH
Thêm yêu và tự hào về quê hương
Quần đùi, áo thun và thoăn thoắt tay trở thịt, gắp rau ở một quán dê nướng trên đường Cao Thắng (Q.10), hai bạn Junya Yashikawa (29 tuổi, đại biểu Nhật) và Suy Vathna (29 tuổi, đại biểu Campuchia) cho biết món ăn lề đường này rất ngon, hợp khẩu vị.
"Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và những trải nghiệm hai hôm nay đều rất tuyệt vời. Gia đình nuôi rất thân thiện và dắt chúng tôi đi nhiều nơi. Chúng tôi đã được tham quan chùa, các khu siêu thị, tòa nhà nổi tiếng… và thưởng thức hai món ăn nổi tiếng là mì Quảng và phở. Ở Nhật, tôi không biết nhiều quán Việt Nam nên được ăn món Việt tại TP.HCM là một trải nghiệm sẽ rất khó quên. Ngon quá!", Junya cười tít mắt.
Junya Yashikawa (29 tuổi, đại biểu Nhật) và Suy Vathna (29 tuổi, đại biểu Campuchia) thử cảm giác “nhậu quán cóc” vào tối 4-12 tại TP.HCM - Ảnh: C.NHẬT
Còn với Suy, đây đã là lần thứ tư bạn quay lại Việt Nam. "Cảm xúc rất khác, do những lần trước tôi đến du lịch, còn đây là dịp đến với tư cách đại sứ văn hóa, được thật sự hòa nhập vào cuộc sống con người Việt. Cá nhân tôi nghĩ rằng mọi thứ ở Việt Nam và Campuchia khá giống nhau, từ giao thông đến nhiệt độ, ẩm thực... Có lẽ do đất nước chúng ta nằm kề nhau chăng?", Suy chia sẻ.
Khi được hỏi về món quà sẽ tặng cho gia đình nuôi - một nghi thức của chương trình SSEAYP, Junya cho biết đó sẽ là một con búp bê cầu may mắn (Daruma) như lời chúc những điều tốt lành nhất đến mọi người. Còn Suy cho biết món quà của bạn sẽ là một chiếc hộp quý có hình đền Angkor Wat - di tích lịch sử của Campuchia và một quyển sổ chứa đựng thông tin của 28 đại biểu đoàn Campuchia cũng như các thông tin tóm tắt về đất nước của bạn.
Trong khi đó đại biểu Ongky Abdi Nwari (Indonesia) cho biết: "Tôi cảm thấy TP.HCM có những điểm tương đồng với quê nhà Jakarta của tôi, tuy nhiên những tòa nhà ở đây có kiến trúc vô cùng "nghệ sĩ". Đây là điều tôi rất yêu thích. Trong gần 2 ngày của chương trình sống cùng nhà dân, tôi đã được đi thăm rất rất nhiều nơi như chợ Bến Thành, nhà hát thành phố, Việt Nam Quốc Tự, phố đi bộ Nguyễn Huệ, tòa nhà Bitexco, dinh Độc Lập, bưu điện thành phố, nhà thờ Đức Bà, ăn kem Bạch Đằng và uống nước dừa…
Ôi, chè thập cẩm với sầu riêng tại chợ Bến Thành là món tôi vô cùng yêu thích! Tôi cảm thấy mình như đang sống giữa sự giao thoa của một nền văn hóa vừa truyền thống nhưng cũng rất trẻ trung".
Ongky Abdi Nwari (Indonesia, bìa trái) và Nguyễn Hoàng An (Việt Nam, bìa phải) chụp hình cùng các thành viên gia đình nuôi - Ảnh: H.AN
Món quà Ongky gửi đến nhà nuôi là huy hiệu chim Garuda của Indonesia. Hình tượng này tượng trưng cho 5 giá trị đạo đức mà người Indonesia luôn hướng tới. Món quà thứ hai là một loại cà phê của nước này, cùng vải thổ cẩm địa phương.
Trong thời gian homestay tại TP.HCM, Ongky được sống với mẹ nuôi năm nay đã 71 tuổi. Ongky cho biết bạn rất ấn tượng vì bà đã cao tuổi nhưng năng lượng chẳng thua các đại biểu trẻ.
Còn với Nguyễn Hoàng An (Việt Nam) cũng có những cảm xúc rất riêng. "Thoạt đầu, tôi khá lúng túng vì phải sống trong một gia đình khác, không được về gia đình ruột dù rất gần. Thế nhưng, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được có thêm gia đình thứ hai yêu thương và chăm sóc mình như cùng máu mủ. Chưa kể, sự quan tâm và chăm sóc của các bạn tình nguyện viên, quận đoàn và Thành đoàn cũng khiến tôi cảm thấy thật tự hào vì tình cảm nồng ấm mà mọi người dành cho các đại biểu. Sau SSEAYP, tôi thật sự cảm thấy thêm yêu quê hương mình nhiều hơn nữa", Hoàng An nói.
Hơn 10 năm tình nguyện làm gia đình nuôi
Từ năm 2005 đến nay, gia đình bạn Dương Thị Phương Thảo (27 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) đã nhận nuôi rất nhiều thế hệ đại biểu SSEAYP trong thời gian tàu dừng chân tại Việt Nam.
Hành trình này mang lại cho Thảo và mẹ mình, cô Trương Thị Nga nhiều kỷ niệm đẹp và những người bạn tâm giao cho đến nhiều năm sau. Ký ức của họ vẫn còn đó những buổi chuyện trò thâu đêm trên sân thượng, những câu chuyện về sự giao thoa văn hóa giữa các quốc gia, hay là những tiếng cười giòn tan trong bữa cơm ấm cúng.
"Khi hành trình SSEAYP kết thúc, một đại biểu người Nhật tên Maiko sau đó có chuyến công tác tại TP.HCM và lưu lại trong thời gian 1 năm rưỡi. Chúng tôi đã mời Maiko đến ở cùng và sau đó nhận cô làm con. Nhiều đại biểu cũng dẫn phụ huynh quay lại Việt Nam du lịch và đến thăm chúng tôi. Khi chúng tôi sang đất nước của họ, họ cũng đón tiếp chúng tôi vô cùng chu đáo", cô Nga chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận