27/11/2014 09:06 GMT+7

Đại biểu Quốc hội và “lời hứa thời gian”

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Không phải tự nhiên mà các vị trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh thành đã nhận được công văn đề nghị nhắc nhở thành viên trong đoàn mình dự họp đầy đủ.

Câu chuyện nhiều đại biểu Quốc hội vắng họp được báo chí quan tâm
Câu chuyện nhiều đại biểu Quốc hội vắng họp được báo chí quan tâm

Lẽ ra nội dung ưu tiên trên báo chí về kỳ họp Quốc hội phải là các vấn đề quốc kế dân sinh, thật đáng tiếc khi một trong những vấn đề thời sự nổi lên gần đây lại nằm ở chỗ nhiều đại biểu vắng họp. Có phiên họp vắng tới gần 100 đại biểu.

Từ vị trí người trong cuộc - là một đại biểu Quốc hội, ông Đào Trọng Thi (chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) đưa ra lời nhận xét: “Các vị đại biểu phải thấy rằng quyền được ngồi ở hội trường Quốc hội là quyền rất lớn, không phải ai cũng có quyền đó”.

Quyền lớn phải song hành với trách nhiệm lớn. Sự vắng mặt của đại biểu trên nghị trường đồng nghĩa với việc ít nhất hàng vạn cử tri thiếu người đại diện trong khi Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến cuộc sống của họ.

Liệu đại biểu vắng mặt đó đã làm tròn trách nhiệm hay chưa?

Quốc hội nước ta làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Sự có mặt đông đủ của đại biểu là yếu tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo phương thức hoạt động này.

Cho dù không phải vấn đề nào diễn ra trên nghị trường cũng nằm trong danh mục đại biểu quan tâm, nhưng sự có mặt để tham gia thảo luận hoặc ít nhất để nắm bắt nội dung thảo luận sẽ quyết định đến chất lượng “bấm nút” sau này.

Hơn nữa, với yếu tố quyết định theo đa số, trong trường hợp vấn đề đưa ra ở Quốc hội chưa ngã ngũ, nói nôm na là 50-50 thì sự có mặt thêm dù chỉ một đại biểu sẽ có tính chất quyết định cuối cùng.

Do trong Quốc hội nước ta có nhiều đại biểu kiêm nhiệm, đại biểu đồng thời phải làm những công việc hằng ngày của doanh nhân, lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo các địa phương... sự co kéo về thời gian trên dưới một tháng diễn ra kỳ họp Quốc hội là điều có thể hiểu được.

Nhưng cần nhắc lại rằng ngay từ đầu, trong đơn xin ứng cử cũng như khi tiếp xúc cử tri trước bầu cử, các vị đại biểu - dù chuyên trách hay kiêm nhiệm - đều phải có lời hứa về việc đảm bảo sức khỏe và thời gian để làm tròn nhiệm vụ mà người dân trao cho.

Và chính luật cũng như nội quy kỳ họp mà các vị đại biểu Quốc hội đã thông qua cũng nêu rõ đại biểu có nhiệm vụ tham gia đầy đủ các phiên họp, thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Đúng như ông Đào Trọng Thi đã nói, không nên quá cứng nhắc hình thức là trong hội trường luôn đảm bảo 100% đại biểu. Có những trường hợp vắng mặt với lý do bất khả kháng, ví dụ như các vị lãnh đạo cấp cao công du nước ngoài.

Thông qua báo chí, đông đảo cử tri đều nắm bắt được thông tin về các hoạt động đối ngoại đó. Vậy còn các trường hợp vắng mặt khác thì lý do vì sao?

So với việc ứng dụng thẻ thông minh để giúp điểm danh đại biểu, công nghệ vân tay sẽ chính xác hơn và loại trừ hoàn toàn chuyện bấm nút hộ nếu có. Nhưng có lẽ đó chỉ là vấn đề kỹ thuật.

Câu chuyện căn cơ hơn nằm ở nhu cầu tiến tới Quốc hội chuyên nghiệp, việc cơ cấu đại biểu và trao thêm công cụ giám sát cho cử tri.

Nên giảm cơ cấu những đại biểu mà trọng trách chính của họ là điều hành hằng ngày trong bộ máy hành chính các cấp. Đồng thời cử tri và công luận phải được biết, trong từng phiên họp, vị đại biểu nào đang không có mặt ở hội trường và vì sao họ không thực hiện đúng “lời hứa thời gian”?

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp