GS Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội - Ảnh: THÀNH CHUNG
Thời gian qua nhiều bệnh viện xảy ra tình trạng thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm, đặc biệt là thiếu thuốc men, thậm chí máy móc thiết bị trong tình trạng "đắp chiếu". Trong đó, có cả tình trạng nhiều loại thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả nhưng bệnh nhân phải mua bên ngoài do bên trong bệnh viện thiếu thuốc.
Một trong những nguyên nhân được Bộ Y tế chỉ ra đó là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra. Do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, GS Nguyễn Anh Trí (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, nguyên viện trưởng Viện Huyết học truyền máu trung ương) cho rằng hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư sinh phẩm đang bị đứt gãy nghiêm trọng vì các nhà thầu rất dè dặt cung cấp, các công ty tư vấn thẩm định "tan vỡ" hoặc tạm nghỉ.
GS Trí cho rằng Quốc hội đã có nghị quyết 30, 43 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết 21 để gỡ vướng trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, thuốc men... nhưng việc hiện thực hóa, cụ thể hóa đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng, mà cụ thể là Bộ Y tế, làm dẫn đến ách tắc.
Cũng theo GS Trí, việc phê duyệt của các cơ quan quản lý như Sở Y tế, Bộ Y tế đang bị “đình đốn” vì còn phải "bận" làm những việc quan trọng hơn, “sinh tử” với chính họ hơn như giải trình phục vụ cho công tác thanh tra, điều tra và hoạt động khám, chữa bệnh đã bị ảnh hưởng rất lớn.
“Thiệt thòi lớn nhất đã xảy ra cho chính người bệnh, người dân. Cán bộ y tế đang nhìn thấy, rất đau lòng về điều đó và cán bộ y tế muốn làm nhưng vì thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp nên không thể làm được”, ông Trí nêu rõ.
Liên quan việc TP.HCM lập trung tâm mua sắm tập trung y tế để giải quyết những vướng mắc, ách tắc hiện nay, GS Trí nhấn mạnh đây là "một giải pháp tình thế đúng" cho chính thành phố.
Ông nói TP.HCM có quy mô dân số lớn và số lượng bệnh viện rất nhiều, do đó, cần phải chủ động những chính sách, quyết định kịp thời để giải quyết vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm, nhất là với thuốc men, còn nếu cứ chờ đợi chưa biết khi nào thực hiện, cán bộ y tế, bệnh nhân sẽ chịu thiệt thòi.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế thực hiện chỉ riêng cho TP.HCM, còn muốn nhân rộng cần chờ thêm thời gian, kết quả của việc thực hiện. Nếu đạt được kết quả tốt, có thể mở thêm ở các địa phương phù hợp.
Về giải pháp lâu dài, theo ông Trí, điều cần nhất trong lúc này đối với ngành y tế là phải có người lãnh đạo "rất mạnh tay", dám làm, ra được các quyết sách dưới dạng thông tư nhằm hiện thực hóa nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để mua sắm, khám chữa bệnh, chống dịch.
Nghiên cứu chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế thỏa đáng
Cũng trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng vấn đề đầu tư trang thiết bị, vật tư bị ràng buộc bởi nhiều luật, trong đó có Luật đầu tư công, Luật quản lý, sử dụng tài sản công…
Do đó, vấn đề đầu tiên là phải đánh giá nguyên nhân tại sao có thực trạng như vậy để hoàn thiện ngay hệ thống pháp lý, thể chế. Bởi ngành y là ngành đặc thù, liên quan đến sinh mạng, sức khỏe của nhân dân nên việc hoàn thiện hệ thống pháp lý cần phải làm ngay.
"Tôi còn nghe câu chuyện hiện nay những máy móc đầu tư rất lớn, nhưng lại trở thành tang vật của vụ án 'đắp chiếu' để đấy, trong khi đó người bệnh rất cần tiếp cận những thiết bị, công nghệ hiện đại, nên nếu không khắc phục được sớm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh", ông Hạ nêu.
Ông nhấn mạnh những sự việc xảy ra của ngành y vừa qua không phải đại diện cho tất cả hệ thống y tế của Việt Nam và tất cả đều có vi phạm, cố ý làm trái quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng mới bị xử lý.
Từ thực tế "khủng hoảng" của ngành y, ông Hạ chỉ rõ điều cần nhất lúc này chính là cán bộ lãnh đạo phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có đủ năng lực, hiểu biết pháp luật để giải quyết những vướng mắc.
Còn đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) nêu rõ giải pháp trong thời gian tới là cần khẩn trương nghiên cứu chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế một cách thỏa đáng.
Thêm đó về chính sách, phải khẩn cấp xem lại những quy định về đấu thầu, về mua sắm trang thiết bị khi các bệnh viện đều gặp 3 vấn đề cung ứng, điều trị và dự phòng thiếu thốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận