25/05/2018 09:27 GMT+7

Đại biểu Quốc hội tranh luận chuyện đấu giá biển số đẹp

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh "tiếc" khi tỉ lệ biển số đẹp đem ra đấu giá còn quá ít, nhưng đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho rằng biển số đẹp không nên đem ra đấu giá.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh và đại biểu Nguyễn Thanh Hồng tranh luận chuyện đấu gia biển số đẹp - Nguồn video: VTV

Sáng nay 25-5, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận kéo dài một ngày rưỡi về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách.

Đấu giá biển số đẹp còn quá ít

Phát biểu đầu tiên, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề cập đến chủ trương đấu giá biển số xe đẹp - vấn đề được cá nhân đại biểu này theo đuổi ở các kỳ họp trước và đã được Bộ Công an triển khai.

Tuy nhiên, ông Cảnh cho rằng quy định hiện hành chỉ mới đấu giá được một tỉ lệ rất nhỏ biển số xe trong kho biển số hiện có. Nếu quy định chặt chẽ, mở rộng số lượng biển số xe được đấu giá, số tiền thu được có thể lên gấp 10 lần hiện nay, mỗi năm có thể thu cho ngân sách 5.000 tỉ đồng.

Nêu ví dụ này, ông Cảnh đánh giá đó là một biểu hiện của sự lãng phí khi chính sách không phát huy hết được nguồn lực, thu triệt để cho ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng đề nghị quy định cho phép người đã đấu giá được biển xe đẹp có quyền giữ biển số đó cho chiếc xe kế tiếp.

Cũng trong phát biểu của mình, đại biểu Bình Định đề nghị Quốc hội tiến hành xây dựng Luật phòng chống phản bội Tổ quốc như một sự cụ thể hoá điều 44 Hiến pháp 2013: "Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất".

Đại biểu Quốc hội tranh luận chuyện đấu giá biển số đẹp - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng - Ảnh: VTV

Giơ biển tranh luận với đại biểu Cảnh, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho biết một số quốc gia đã cho phép đấu giá biển số xe.

"Tuy nhiên, biển số là một công cụ quản lý của nhà nước, tuy có thể đấu giá được tiền nhưng không nên đem ra đấu giá và nhiều nước cũng không cho phép đấu giá biển số xe", ông Hồng bày tỏ quan điểm.

"Quan niệm số đẹp, số xấu cũng thay đổi theo thời gian, tính toán như đại biểu Cảnh thì có thể đấu giá hàng ngàn tỉ nhưng đó chỉ là con số giả định chứ tiền không dễ có ngay cho ngân sách".

Ông Nguyễn Thanh Hồng cũng cho rằng không cần thiết xây dựng Luật phòng chống phản bội Tổ quốc, bởi Hiến pháp đã quy định rõ để hành vi phản bội Tổ quốc rất nặng và pháp luật về hình sự đã quy định chi tiết.

Đại biểu Quốc hội tranh luận chuyện đấu giá biển số đẹp - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (giữa) - Ảnh: VTV

"Ước gì đạo đức được như ngày xưa"

Các đại biểu chia sẻ đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thể hiện qua kinh tế quý I năm 2018 tăng trưởng ấn tượng.

“Sau những thành tựu ấy là chỉ số lòng tin của nhân dân từng bước được nâng lên, Chính phủ cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nói - Tuy nhiên, cử tri đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo nhanh hơn, nhiều hơn, quyết liệt hơn những vấn đề bức xúc đang đặt ra".

Đại biểu Nghệ An đặc biệt quan tâm đến vấn đề suy thoái đạo đức, kỷ cương, phép nước chưa nghiêm. 

"Thời gian gần đây đã xảy ra những câu chuyện động trời, gây bất bình dư luận như đốt than tre làm thuốc trị ung thư, cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng… Tình trạng bạo lực học đường, bạo lực trong bệnh viện, các vụ thảm án giết nhiều người và còn nhiều câu chuyện động trời khác", ông Cầu chỉ ra.

Cử tri lo lắng và tâm tư rằng "ước gì đời sống kinh tế vật chất được như hiện nay, còn đạo đức xã hội được như ngày xưa", và mong Quốc hội, Chính phủ có giải pháp cứng rắn, mạnh tay trừng trị, ngăn chặn, đẩy lùi những “căn bệnh” như trên càng nhanh càng tốt. 

Đại biểu Quốc hội tranh luận chuyện đấu giá biển số đẹp - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Ảnh: VTV

Ông Nguyễn Hữu Cầu cho biết cử tri phấn khởi với kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn trăn trở trước sự lãng phí lớn ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản. 

"Tình trạng giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án lớn nhưng để nhiều năm chưa triển khai, gây lãng phí. Tình trạng dự án treo còn xảy ra nhiều, đầu cơ, chọn đất vàng chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân, còn Nhà nước thất thoát lớn", ông Cầu nói.

"Trong xây dựng cơ bản, cử tri cho biết rằng nếu xây dựng một ngôi nhà có cùng thiết kế thì người dân chỉ xây hết 650 triệu, còn nhà nước thì xây hết 1 tỉ nhưng chất lượng, thẩm mỹ không bằng nhà của dân". 

Theo đại biểu Nghệ An, tình trạng quản lý yếu kém, gây thất thoát lãng phí như 12 đại dự án là một ví dụ nhãn tiền. Gần đây thì xuất hiện thêm những vấn đề xung quanh các dự án BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp, cá biệt như dự án nạo vét xây kè sông Sào Khê ở Ninh Bình được điều chỉnh tăng 36 lần, từ 72 tỉ lên 2.595 tỉ đồng.

Biển số đẹp có phải tài sản công hay không?

TTO - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã hỏi như vậy. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định đó là tài sản công, nếu thực hiện đấu giá tốt thì nhà nước sẽ thu được tiền.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp