25/10/2018 09:36 GMT+7

Đại biểu Quốc hội: 'Người bị tín nhiệm thấp nên từ chức'

L.KIÊN - V.SỰ - T.B.DŨNG
L.KIÊN - V.SỰ - T.B.DŨNG

TTO - Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 lãnh đạo cao cấp sẽ được Quốc hội công bố chiều nay 25-10. Theo quy định, chức danh nào có quá nhiều phiếu "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức.

Đại biểu Quốc hội: Người bị tín nhiệm thấp nên từ chức - Ảnh 1.

“Chúng tôi sẽ bỏ phiếu một cách trung thực", đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Cuối giờ chiều qua 24-10, Quốc hội đã nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày tờ trình về danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm, sau đó Quốc hội đã biểu quyết thông qua bản danh sách (48 người).

Các đại biểu Quốc hội đã có một cuộc thảo luận tại đoàn về vấn đề liên quan việc lấy phiếu tín nhiệm lần này, trước khi tiến hành việc bỏ phiếu kín quyết định mức tín nhiệm đối với từng người trong danh sách.

Có thể xin từ chức chứ không cần "chờ"

Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh: chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội; thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước, tổng số là 50 chức danh.

Tuy nhiên, lần này Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng không phải lấy phiếu tín nhiệm, lý do là các ông vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn bổ nhiệm, chưa đủ thời gian đảm nhiệm chức vụ tối thiểu (theo quy định là 9 tháng).

Các đại biểu Quốc hội khi được Tuổi Trẻ hỏi đều nhất trí rằng nếu vị lãnh đạo nào đó có kết quả tín nhiệm thấp, tự nhận thấy không đủ uy tín để tiếp tục nhiệm vụ, nắm giữ cương vị đó thì nên chủ động xin từ chức chứ không nhất thiết cứ phải "chờ" khi có quá 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm thấp để phải xử lý theo pháp luật.

Đại biểu Quốc hội: Người bị tín nhiệm thấp nên từ chức - Ảnh 2.

“Không có áp lực gì khi bỏ lá phiếu tín nhiệm", đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) - Ảnh: VIỆT DŨNG

"Không chịu bất cứ áp lực gì"

Là đại biểu đã tham gia các cuộc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội nhiệm kỳ trước, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) khẳng định "không có áp lực gì khi bỏ lá phiếu tín nhiệm".

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) khẳng định: "Tới thời điểm hiện tại, bản thân tôi và các đại biểu khác không chịu bất cứ áp lực gì khi chuẩn bị cho việc bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ. Quốc hội cũng đã có thông báo việc lấy phiếu tín nhiệm này không được tổ chức liên hoan hay tặng quà gì để không làm ảnh hưởng. Chúng tôi sẽ bỏ phiếu một cách trung thực".

"Thời gian qua có nhiều sự việc nổi cộm gây bức xúc trong xã hội, việc này do thành viên nào phụ trách thì người đó phải chịu trách nhiệm và chúng tôi thể hiện tín nhiệm của mình thông qua lá phiếu đó. Chúng tôi hứa sẽ trung thành với lời trước bà con cử tri khi được bà con bầu, trung thực trong từng lá phiếu", ông Tuấn nói.

Tuy 48 người giữ các chức vụ thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm đã có báo cáo kiểm điểm, tự đánh giá gửi các đại biểu Quốc hội, nhưng các đại biểu khẳng định họ chỉ coi đây là một trong những kênh thông tin tác động đến quyết định của họ.

"Chúng tôi sẽ khách quan, thận trọng khi bỏ phiếu, ai làm tốt thì chúng tôi đánh giá tốt và ngược lại không ngần ngại những phiếu tín nhiệm thấp trên cơ sở sự đánh giá, những thông tin mà chúng tôi có. Chúng tôi chịu trách nhiệm từng lá phiếu mà chúng tôi bỏ, chịu trách nhiệm trước nhân dân", đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho biết.

Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm 48 chức danh sáng 25-10 - Video: VIỄN SỰ

Đến lúc này, các đại biểu tại hội trường Diên Hồng toà nhà Quốc hội đã thực hiện xong nội dung bỏ phiếu kín đánh giá tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Dự kiến kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thông báo vào chiều nay. Mời bạn đọc cập nhật thông tin trên Tuổi Trẻ Online.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm như thế nào?

TTO - Sáng nay 25-10, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín đánh giá tín nhiệm 48 chức danh. Cùng Tuổi Trẻ Online tìm hiểu những điểm quan trọng nhất của việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.

L.KIÊN - V.SỰ - T.B.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp